Khi bị đưa tới nhà tù năm 14 tuổi, Uterloo phải ngồi trên ghế nhựa dưới đèn huỳnh quang, trả lời câu hỏi thẩm vấn của các quan chức Mỹ.
Các quan chức hỏi liệu Stefan Uterloo có thân nhân ở Mỹ không. Cậu đáp có một người chú ở Mỹ nhưng không nhớ ở đâu. Họ dường như mất hứng khi nhận ra Uterloo không phải người Mỹ mà đến từ Suriname, thuộc địa Nam Mỹ trước đây của Hà Lan.
Giờ đây Uterloo đã 19 tuổi, nhưng vẫn bị nhốt cùng 25 thanh niên khác trong một phòng giam ở Panorama, nhà tù nghiêm ngặt bậc nhất ở đông bắc Syria.
Nhà tù được liên minh do Mỹ dẫn đầu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xây dựng, được điều hành bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd. Hiện Panorama giam những phần tử IS nguy hiểm nhất từ năm 2019, thời điểm tổ chức này sụp đổ.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết trong số gần 4.000 tù nhân liên quan đến IS tại Panorama có khoảng 600 thiếu niên bị giam từ nhỏ.
Nhiều người có hoàn cảnh giống Uterloo, được bố mẹ đưa đến Syria sống khi IS thống trị nhiều khu vực ở nước này. Khi đến tuổi trưởng thành sau 5 năm trong tù, nhiều em không biết lý do bị giam, hoài nghi về tương lai bất định.
"Tôi không biết những người cấp cao của tổ chức, thậm chí không biết tại sao, mình đã làm những gì để bị trừng phạt. Tôi phải trải qua 5 năm trong nhà tù này vì những gì bố mẹ mình đã làm", Uterloo nói với các phóng viên CNN tới thăm nhà tù Panorama.
Liên Hợp Quốc và các nhóm nhân quyền từ lâu cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng pháp lý, nhân đạo khi con cái của chiến binh IS lớn lên trong các cơ sở giam giữ ở miền bắc Syria, không chỉ mỗi trong Panorama.
Theo AI, có khoảng 30.000 trẻ em bị giam tại ít nhất 29 cơ sở giam giữ, tị nạn ở vùng đông bắc Syria, biến khu vực này trở thành trung tâm giam giữ trẻ em lớn nhất thế giới.
Đây là lần đầu tiên SDF cho phép báo chí tiếp cận các nhà tù, không lâu sau khi AI hồi tháng 4 công bố điều tra, cáo buộc SDF giam tù nhân trong "điều kiện vô nhân đạo".
Khi các phóng viên tiếp cận hai phòng giam ở Panorama dưới sự giám sát của SDF, tiếng ho vọng khắp hành lang. Các quan chức SDF thừa nhận bệnh lao đang hoành hành trong nhà tù, khiến 5 người chết mỗi tháng.
Tù nhân ở đây bị giam 23 tiếng mỗi ngày. Họ bị giam vô thời hạn dù chưa từng bị kết tội. Các nhóm nhân quyền so sánh tình hình ở bắc Syria giống "một lỗ đen pháp lý", thậm chí tệ hơn nhà tù Vịnh Guantanamo của Mỹ.
Theo CNN, trại Al-Hol gần Panorama là nơi có thể phản ánh quy mô vấn đề. Đây là cơ sở rộng lớn với những căn lều bạc màu, dây thép gai rỉ sét, giam giữ và quản lý hơn 40.000 người, gồm thân nhân của các chiến binh IS, người tị nạn và cả những nạn nhân của IS.
Một nửa số người trong trại là trẻ em, hầu hết dưới 12 tuổi. Bên trong một khu nhà phụ được canh gác cẩn mật có khoảng 6.700 phụ nữ và trẻ em liên quan với các chiến binh IS từ hơn 60 quốc gia.
Ngoài hậu quả pháp lý, rủi ro an ninh cũng rõ ràng. Sau chuyến thăm trại Al-Hol năm 2022, đại tướng Erik Kurilla, tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), mô tả trại này "như một quả bom hẹn giờ".
"Đây chính là nơi ươm mầm thế hệ IS tiếp theo, khi những thiếu niên này nguy cơ cao bị cực đoan hóa do chất lượng sống kém", ông nói. Các quan chức SDF ở trại Al-Hol đã nhiều lần phát hiện các video huấn luyện quân sự, giết chóc.
SDF và Mỹ đang thúc đẩy hồi hương số người bị giam ở đây. Các đồng minh cho rằng đây là giải pháp khả thi duy nhất cho tình trạng này.
Lượng người trong trại Al-Hol giảm 42% so với mức đỉnh 73.000 người năm 2019, nhưng quá trình hồi hương diễn ra quá chậm và nhiều nước đang trì hoãn, không muốn nhận lại công dân vì rủi ro an ninh.
Phần lớn người trong trại cũng không có thái độ tích cực với liên minh do Mỹ dẫn đầu. Theo SDF, cần ít nhất 7 năm nữa để giảm thêm 50% lượng người hiện tại ở Al-Hol.
Như một giải pháp tạm thời, SDF đã ra chính sách tách các trẻ em 14 tuổi khỏi mẹ, đưa số trẻ này đến hai cơ sở gọi là "trung tâm phục hồi".
Khi các phóng viên tiếp cận một cơ sở, bên trong còn có trẻ 11 tuổi. Một phụ nữ ở Al-Hol cho biết con trai 10 tuổi bị SDF tách khỏi cô, đưa đến đây.
Theo SDF, chính sách này là cần thiết để ngăn các thiếu niên bị cực đoan hóa, chặn thế hệ chiến binh IS mới ra đời.
Liên Hợp Quốc khẳng định chính sách tách trẻ khỏi mẹ trong nhà tù của SDF vi phạm hoàn toàn luật pháp quốc tế. Nhưng SDF cho biết không còn cách khả dĩ, khi các giải pháp thay thế còn tồi tệ hơn.
Ở sân trong của "trung tâm phục hồi" Orkesh, Shamil Chakar đang đá bóng. Đây là thói quen của cậu thiếu niên gốc Đức vào mỗi sáng trước khi nắng nóng ập đến. Hồi nhỏ, bố mẹ Chakar đã đưa cậu đến Raqqa, thành trì cũ của IS.
Các thiếu niên ở đây bị giam trong phòng có giường, ngày ăn ba bữa, được hỗ trợ tâm lý 5 ngày một tuần. Nhưng nhiều em đã chia sẻ việc bị áp giải đầy bạo lực khỏi vòng tay mẹ ở trại Al-Hol.
Khi ngồi nói chuyện với các phóng viên, Chakar thậm chí không nhớ tuổi của mình, nhưng ký ức về đêm bị lính SDF lôi khỏi trại, đưa đến Orkesh vẫn nguyên vẹn.
"Một người đàn ông đến kéo tôi dậy, trói tay tôi ra sau lưng. Mẹ tôi hét lên: 'Để thằng bé yên!'. Lính canh bảo tôi mang giày vào, tôi từ chối và bị đánh", Chakar nói. Các thiếu niên khác cũng kể tương tự, ai cũng bày tỏ nỗi nhớ mẹ da diết.
Đức Trung (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét