Phán quyết với ông Trump trong vụ án "chi tiền bịt miệng" và những diễn biến sau đó có thể phơi bày mối chia rẽ chưa từng có trên chính trường Mỹ.
Hành động đầu tiên của cựu tổng thống Donald Trump sau khi bị bồi thẩm đoàn New York tuyên có tội trong vụ kiện "chi tiền bịt miệng" là phát động một cuộc tấn công mới dữ dội vào nền pháp quyền Mỹ.
"Đây là một phiên tòa gian lận và đáng hổ thẹn. Phán quyết thực sự sẽ được đưa ra vào ngày 5/11 bởi người dân và họ biết chuyện gì đã xảy ra ở đây, mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra ở đây", Trump nói, vài phút sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố ông "có tội" với 34 cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh nhằm che giấu khoản chi cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels để cô không tiết lộ mối quan hệ trong quá khứ giữa họ trước thềm cuộc bầu cử năm 2016.
Ở một khía cạnh nào đó, việc Trump bị kết tội trong phiên tòa hình sự ở New York đã khẳng định nguyên tắc nền tảng của Mỹ rằng không ai, kể cả tỷ phú, cựu tổng thống và có thể là tổng thống tương lai, được hưởng quyền miễn trừ hay đứng trên pháp luật.
Nhưng phản ứng bộc phát của ông vài phút sau phán quyết và việc các đảng viên Cộng hòa hàng đầu dồn dập công kích hệ thống tư pháp Mỹ đã cho thấy những giá trị nền tảng trên đang bị đe dọa như thế nào, theo giới quan sát.
Sau khi quay trở lại Tháp Trump và chào người ủng hộ bằng nắm tay siết chặt, Trump ra tuyên bố bằng văn bản nói rõ rằng ông coi số phận của chính mình và quốc gia là một.
"Tôi là một người vô tội và không sao cả, tôi đang đấu tranh cho đất nước mình. Tôi đang đấu tranh cho hiến pháp của chúng ta. Cả đất nước đang bị lừa dối", ông viết.
Các luật sư của Trump có thời hạn đến ngày 27/6 để phản hồi về quyết định của bồi thẩm đoàn. Đây cũng là ngày diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và Tổng thống Joe Biden, ứng viên hàng đầu đảng Dân chủ.
Phiên tòa tuyên án Trump được ấn định vào ngày 11/7, chỉ vài ngày trước Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa, nơi ông dự kiến nhận đề cử của đảng và công bố ứng viên phó tổng thống. Hiện tại, ông đã tìm cách khắc họa mình là một nạn nhân của "âm mưu chính trị" và thề rằng sẽ dành nhiệm kỳ thứ hai để "trả đũa" các đối thủ.
"Phán quyết mới nhất chắc chắn sẽ gây ra giận dữ trong những người ủng hộ Trump và những lời ca ngợi từ phe chỉ trích ông. Nhưng trên thực tế, đây rõ ràng là một chương u ám, thậm chí bi thảm trong lịch sử Mỹ. Người Mỹ chưa bao giờ chứng kiến một cựu tổng thống bị kết tội và một đất nước vốn đã bị chia rẽ bởi tình trạng phân cực gay gắt về chính trị, văn hóa có nguy cơ rơi vào thời kỳ đầy khó khăn", Stephen Collinson, chuyên gia phân tích từ CNN, bình luận. "Tác động là vô cùng lớn".
Nó bắt đầu với những hậu quả tiềm tàng đối với cuộc bầu cử tháng 11, nơi kết quả có thể được định đoạt chỉ bằng vài nghìn phiếu bầu ở một số bang. Trump nhiều tháng qua đã chuẩn bị cho cử tri về khả năng ông sẽ bị kết tội. Cựu tổng thống tuyên bố 4 vụ án hình sự mà ông đang đối mặt là "âm mưu của Tổng thống Biden" nhằm triệt hạ ông.
"Về bản chất, Trump đang nỗ lực phá vỡ rào cản tư tưởng lớn nhất rằng một người phạm tội làm tổng thống là điều không thể tưởng tượng được", Collinson đánh giá.
Không ai biết cử tri Mỹ sẽ phản ứng thế nào với cú sốc Trump bị kết tội. Tuy nhiên, bản án chắc chắn sẽ tiếp thêm sinh lực cho những người ủng hộ ông và chiến dịch tranh cử của ông sẽ cố gắng tạo ra phản ứng dữ dội đối với phán quyết. Nếu nỗ lực của họ thành công, ngày bồi thẩm đoàn New York ra quyết định kết tội Trump có thể được coi là thời khắc đánh dấu thất bại với Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử.
Song bản án có thể khuếch đại thông điệp từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden rằng cựu tổng thống Trump quá sai trái và cực đoan để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Những cử tri ôn hòa và cử tri vùng ngoại ô mà Trump luôn nỗ lực lôi kéo có thể xa lánh ông hơn nữa, Collinson lưu ý.
Nhưng khả năng của Trump trong việc định hình quan điểm ở những người ủng hộ, cùng với hỗ trợ từ bộ máy truyền thông bảo thủ hoàn toàn có thể khiến hệ thống pháp luật Mỹ bị mất uy tín, qua đó khiến hàng triệu cử tri nghiêng về phía cựu tổng thống.
"Và nếu Trump tái đắc cử, nước Mỹ sẽ được lãnh đạo bởi một tổng thống phạm tội, người đáng lẽ phải là biểu tượng của hệ thống tư pháp", Collinson nhấn mạnh. "Mối nguy hiểm này là nghiêm trọng vì với nỗ lực duy trì quyền lực sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã cho thấy ông sẽ làm mọi thứ cần thiết để tự cứu mình, ngay cả khi hành động đó gây tổn hại nghiêm trọng đến các thể chế dân chủ".
Nhà sử học chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ Timothy Naftali đánh giá lời kêu gọi phát động chiến dịch chống lại hệ thống pháp luật của Trump đồng nghĩa với việc mọi đảng viên Cộng hòa sẽ buộc phải theo chân ông.
Naftali cho hay điều này sẽ tạo ra "một dòng chất độc" có thể còn tồi tệ hơn những gì mọi người đã thấy trong chiến dịch lật ngược kết quả bầu cử của Trump trước cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
"Nó sẽ gây bất ổn thêm cho một quốc gia vốn đã nhạy cảm", Naftali nói. "Tôi lo lắng vì chiến dịch 'ngăn đánh cắp bầu cử' (Stop the Steal) trước đây đã tạo ra tâm lý hoài nghi rộng rãi về tính trung thực của hệ thống, khiến nhiều người tin rằng kết quả bầu cử năm 2020 thực sự có gian lận".
Một câu hỏi được đặt ra từ lâu là liệu tội làm giả hồ sơ tài chính để che giấu khoản tiền bịt miệng có đủ nghiêm trọng để công tố viên New York Alvin Bragg phải mạo hiểm đối mặt với những hậu quả chính trị đặc biệt từ phiên tòa này hay không. Todd Blanche, luật sư của Trump, hôm 30/5 nói rằng thời điểm xét xử, diễn ra giữa chiến dịch tranh cử, là không công bằng đối với cựu tổng thống.
Theo giới chuyên gia, đảng Cộng hòa đang cho thấy họ sẽ không ngừng ủng hộ cựu tổng thống Trump bất kể ông làm gì. Điều này báo hiệu rằng nếu ông tái đắc cử, nhiệm kỳ thứ hai của ông thậm chí sẽ còn chịu ít ràng buộc hơn so với nhiệm kỳ đầu . Và nó sẽ đặt ra câu hỏi về tuyên bố của Trump rằng ông đang theo đuổi một chiến dịch lập lại "luật pháp và trật tự".
Một trong những đảng viên Cộng hòa đầu tiên phản ứng với quyết định của bồi thẩm đoàn New York là hạ nghị sĩ New York Elise Stefanik, chủ tịch hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
"Phán quyết hôm nay cho thấy hệ thống tư pháp được vũ khí hóa đã trở nên mục nát, gian lận và phi Mỹ như thế nào dưới thời Joe Biden và các đảng viên Dân chủ", Stefanik nói. "Ngay từ đầu, cán cân công lý đã bị vũ khí hóa để chống lại ông Trump".
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người đã đến ủng hộ Trump trong phiên tòa xét xử, cũng không đứng ngoài cuộc.
"Hôm nay là một ngày đáng xấu hổ trong lịch sử Mỹ. Các đảng viên Dân chủ đã reo hò khi họ kết án lãnh đạo đảng đối lập với những cáo buộc lố bịch, dựa trên lời khai của một kẻ phạm tội bị tước quyền hành nghề và bị kết án. Đây là một cuộc tấn công chính trị thuần túy và không hợp pháp", ông tuyên bố, đề cập đến Michael Cohen, cựu luật sư của Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, người đã ra làm chứng trong phiên tòa ở New York.
"Phán quyết này cho ta thấy nhiều thứ về hệ thống hơn là các cáo buộc. Nó sẽ bị coi là có động cơ chính trị và không công bằng. Nó sẽ phản tác dụng rất mạnh đối với phe cánh tả chính trị", một đồng minh hàng đầu khác của Trump, thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết. "Đây là một sự nhạo báng công lý".
Nhận xét của Graham là đại diện cho tư tưởng mà không ít người bảo thủ ủng hộ rằng một lãnh đạo đảng Cộng hòa chỉ có thể được xét xử công bằng nếu phiên tòa diễn ra ở khu vực nơi họ được đa số cử tri ủng hộ, không phải ở New York, nơi có xu hướng thân đảng Dân chủ.
"Đây là ý tưởng có thể chính trị hóa công lý vĩnh viễn", Collinson nhấn mạnh.
Một đảng viên Cộng hòa đã không vội vàng bác bỏ phán quyết của bồi thẩm đoàn là cựu thống đốc bang Maryland Larry Hogan, người đang tranh cử vào Thượng viện.
"Tại thời điểm chia rẽ nguy hiểm này trong lịch sử của chúng ta, tất cả các lãnh đạo, bất kể đảng nào, không được phép đổ thêm dầu vào lửa bằng tinh thần đảng phái độc hại hơn", ông tuyên bố trước khi bồi thẩm đoàn ra quyết định.
Ngay lập tức, Chris LaCivita, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử cho Trump, đã viết trên X rằng Hogan "vừa tự tay chấm dứt chiến dịch của mình".
Bình luận từ Hogan từng là phản ứng tiêu chuẩn của đảng Cộng hòa khi bất kỳ chính trị gia cấp cao nào trong đảng bị kết tội. Ở thời kỳ khác, phán quyết có tội sẽ ngay lập tức kết thúc chiến dịch tranh cử của Trump. Việc cựu tổng thống có thể sử dụng nó làm bàn đạp để chạy đua chính trị cho thấy những ngày đầy biến động đang ở phía trước, Collinson đánh giá.
"Quyết định của bồi thẩm đoàn New York thể hiện rằng bất cứ cựu tổng thống nào cũng có thể bị kết tội và điều đó cho thấy sức mạnh hệ thống của chúng ta", Naftali nói. "Tuy nhiên, phán quyết quan trọng hơn vẫn chưa được đưa ra, đó là liệu những người quyền lực có thể lợi dụng hệ thống chính trị để thoát khỏi hậu quả của việc bị kết tội hay không? Bản án này sẽ có vào tháng 11, khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu".
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét