Chỉ trích gay gắt Trung Quốc, Tổng thống Zelensky có thể đẩy Bắc Kinh lại gần Moskva hơn nữa, điều sẽ gây nhiều bất lợi cho Kiev trong tương lai.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ thất vọng trước lập trường của Trung Quốc trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cáo buộc Bắc Kinh giúp Moskva cản trở các nước dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp diễn ra ở Thụy Sĩ.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố lập trường của họ đối với cả Nga và Ukraine là "công bằng", thêm rằng Bắc Kinh "khó tham dự" hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ là do sự kiện này "không bình đẳng" khi Nga không được mời tham gia.
Các nhà phân tích cho rằng phản ứng gay gắt của Tổng thống Zelensky là một động thái mạo hiểm, có thể khiến Trung Quốc xa lánh Ukraine, đồng thời đẩy Bắc Kinh xích lại gần Nga hơn nữa.
Astrid Nordin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hoàng gia London, nhận định Trung Quốc muốn thể hiện mình là bên kiến tạo hòa bình và muốn giới lãnh đạo Ukraine "khẳng định vai trò đó, mối quan hệ đó và câu chuyện đó".
"Nếu Ukraine từ chối công nhận điều đó, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể thay đổi kịch bản, nhấn mạnh vai trò của mình như một bức tường thành vững chắc, sát cánh cùng Tổng thống Nga Putin chống lại ảnh hưởng từ phương Tây", bà lưu ý.
Theo Nordin, Trung Quốc có thể dễ dàng báo hiệu việc họ đã thay đổi quan điểm bằng cách "đối xử nghiêm khắc với Ukraine và tăng cường ủng hộ Nga", nhằm khiến Tổng thống Zelensky nhận ra mình đã phạm sai lầm.
Phản ứng giận dữ được Tổng thống Zelensky thể hiện sau những nỗ lực lâu dài từ các quan chức Ukraine nhằm lôi kéo Trung Quốc, với hy vọng Bắc Kinh có thể tác động, thuyết phục Moskva chấm dứt chiến sự.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phản ứng lạnh nhạt, khi Chủ tịch Tập Cận Bình mới chỉ điện đàm một lần với Tổng thống Ukraine trong hơn hai năm xung đột, trái ngược hoàn toàn với các chuyến thăm và gặp gỡ cấp nhà nước thân mật mà ông đã chia sẻ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo mà ông mô tả là "người bạn thân nhất".
Trung Quốc tuần trước xác nhận họ sẽ không cử phái đoàn tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ. Nga đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh này, nhấn mạnh cuộc họp không có Nga hiện diện là vô nghĩa và chắc chắn sẽ thất bại.
Lập trường của Bắc Kinh đã gây ra phản ứng dữ dội từ Zelensky. Phát biểu tại diễn đàn Shangri-La, ông cáo buộc Nga "lợi dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực để phá hoại hội nghị hòa bình". Ông cũng cho rằng việc "quốc gia lớn, độc lập, hùng mạnh như Trung Quốc" trở thành "công cụ bị Nga lợi dụng" là điều đáng tiếc.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh "chủ nghĩa bá quyền và chính trị quyền lực không phải phong cách ngoại giao của Trung Quốc", thêm rằng Bắc Kinh luôn duy trì quan điểm các cuộc đàm phán phải "cởi mở và minh bạch".
Ukraine đã nỗ lực rất nhiều để thuyết phục các nước có ảnh hưởng tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình, nhưng Trung Quốc và Arab Saudi nằm trong số các quốc gia sẽ không tới cuộc họp. Điều này khiến Kiev không khỏi cảm thấy thất vọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ không có mặt, thay vào đó ông chọn tham dự một buổi gây quỹ tranh cử ở California. Nhà Trắng cho biết họ sẽ cử Phó tổng thống Kamala Harris và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tới đại diện cho Mỹ trong sự kiện kéo dài hai ngày này. Tổng thống Zelensky cho rằng việc Tổng thống Biden vắng mặt sẽ chỉ nhận được "tiếng vỗ tay nhiệt liệt" từ Tổng thống Putin ở Moskva.
Jie Yu, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở London, đánh giá những bình luận của Tổng thống Zelensky đối với Trung Quốc cho thấy "thái độ không hài lòng đối với mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga" hơn là thể hiện rằng ông "đã từ bỏ thuyết phục Bắc Kinh".
"Ukraine cần càng nhiều quốc gia ủng hộ càng tốt để đóng góp vào quá trình tái thiết sau xung đột. Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tái thiết dựa trên các khoản đầu tư vào Ukraine trong hai thập kỷ qua. Một số nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đều đã chọn quan điểm giống như Trung Quốc", Jie nói.
Ấn Độ dự kiến cử đại diện tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình nhưng không có quan chức cấp cao. Brazil sẽ bỏ qua sự kiện và Nam Phi vẫn chưa xác nhận.
Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Mỹ, cho rằng Tổng thống Zelensky công khai chỉ trích Trung Quốc tại Shangri-La với hy vọng rằng rằng nó sẽ dẫn đến những thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh với Moskva.
"Nhưng tôi rất nghi ngờ vào kịch bản đó", Glaser nói. "Việc Trung Quốc không cử đại diện tham dự hội nghị hòa bình Ukraine cho thấy họ rõ ràng ưu tiên mối quan hệ với Nga, đặc biệt là mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin".
Vũ Hoàng (Theo CNBC, Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét