Bị phát xít Nhật bao vây trong Thế chiến II, thủy thủ Hà Lan dùng cành cây ngụy trang chiến hạm Abraham Crijnssen thành "hòn đảo" để thoát ra ngoài an toàn.
Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II chứng kiến những trận hải chiến khốc liệt trên vùng biển rộng lớn, cùng nhiều chiến dịch đổ bộ chiếm đảo. Đến năm 1942, khu vực này trở thành một trong những chiến trường chính, nơi quân Đồng minh và phát xít Nhật trực tiếp đối đầu.
Giao tranh tại mặt trận Thái Bình Dương phức tạp chưa từng có, khi các hòn đảo nằm xa nhau khiến công tác hậu cần trở nên phức tạp. Trong số các hòn đảo quan trọng tại khu vực có Java, khi đó thuộc lãnh thổ Đông Ấn Hà Lan.
Đảo Java có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, cao su và thiếc, trở thành mục tiêu lớn mà Nhật hướng tới nhằm phục vụ hoạt động quân sự. Đảo Java cũng trở thành rào cản tự nhiên ngăn quân đội Nhật tiến về phía nam tới Australia và các khu vực khác ở Thái Bình Dương.
Hải chiến Java diễn ra vào tháng 2/1942 là nỗ lực tuyệt vọng của hạm đội Đồng minh, gồm chiến hạm Mỹ, Anh, Hà Lan và Australia, nhằm ngăn chặn đà tiến của hải quân Nhật.
Bất chấp hạm đội Đồng minh kháng cự quyết liệt, họ bị áp đảo về vũ khí lẫn lực lượng và chịu tổn thất đáng kể. Thất bại trong hải chiến Java giáng đòn mạnh vào hải quân Đồng minh trong khu vực, khiến hòn đảo trở nên dễ tổn thương và tạo điều kiện cho quân Nhật Bản đổ bộ kiểm soát nơi này vào tháng 3/1942.
Một số chiến hạm Đồng minh còn sót lại sau trận hải chiến, trong đó có tàu quét mìn HNLMS Abraham Crijnssen của Hà Lan, đối mặt lựa chọn nghiệt ngã là phải tìm cách chạy trốn đến nơi an toàn, hoặc bị quân Nhật bắt sống, đánh chìm.
Tàu Abraham Crijnssen thuộc lớp Jan van Amstel, được biên chế tháng 5/1937, không được trang bị vũ khí mạnh nhất trong hạm đội Hà Lan. Tuy nhiên, chúng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hàng hải khi làm nhiệm vụ dọn dẹp thủy lôi trên biển, loại vũ khí gây ra mối đe dọa đáng kể cho tàu dân sự và quân sự.
Abraham Crijnssen không có khả năng đối đầu trực tiếp với chiến hạm đối phương mạnh hơn. Tốc độ tối đa của tàu là 28 km/h, chậm hơn đáng kể so với nhiều tàu của hải quân Nhật. Việc chạy thẳng đến vùng biển an toàn gần như là hành động tự sát.
Thủy thủ đoàn của Abraham Crijnssen quyết định biến con tàu thành hòn đảo nổi để trốn khỏi khu vực, một trong những chiến thuật ngụy trang được đánh giá là sáng tạo nhất trong lịch sử hải quân thế giới.
Lợi dụng cảnh quan rừng rậm của các hòn đảo trong khu vực, thủy thủ đoàn ban ngày thả neo tàu Abraham Crijnssen gần bờ và dùng cành cây, bụi rậm phủ kín con tàu. Lớp ngụy trang này khiến Abraham Crijnssen trông như một hòn đảo nhỏ, khiến máy bay hoặc chiến hạm đối phương ở xa không thể phát hiện.
Khi mặt trời lặn, tàu Abraham Crijnssen khởi hành và di chuyển trong đêm. Bóng tối giúp Abraham Crijnssen không bị lực lượng truy lùng của Nhật phát hiện. Hoạt động này lặp đi lặp lại suốt 8 ngày, cùng một chút may mắn giúp tàu Abraham Crijnssen thoát khỏi vòng vây của đối phương.
Tàu Abraham Crijnssen cập cảng Fremantle, bang tây Australia ngày 20/3/1942, là con tàu cuối cùng thoát khỏi Java sau trận hải chiến và cũng là phương tiện duy nhất thuộc lớp Jan van Amstel trong khu vực sống sót.
Hà Lan chuyển giao tàu Abraham Crijnssen cho hải quân Australia ngày 26/8/1942. Chiến hạm phục vụ trong lực lượng Australia tới tháng 5/1943 và được trả lại cho hải quân Hà Lan.
Nguyễn Tiến (Theo NH, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét