Gaza sẽ ra sao sau chiến sự và ai sẽ quản lý khu vực đang là câu hỏi quan trọng nhất đối với những người lính Israel vừa tham chiến ở dải đất.
Để mở chiến dịch quy mô lớn tấn công vào Dải Gaza từ tháng 10/2023, Israel đã gọi tái ngũ hàng trăm nghìn quân nhân dự bị để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và hỗ trợ. Những người lính dự bị này cho hay họ cam kết phục vụ đất nước, nhưng cũng hoài nghi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Gaza.
Hầu hết người Israel ủng hộ nỗ lực của chính phủ nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas, coi đây là một trận chiến sinh tồn. Nhưng Tel Aviv hiện không đạt được đồng thuận chính trị về cách quản lý Dải Gaza sau khi giao tranh kết thúc.
Đây là câu hỏi đang khiến giới lãnh đạo Israel đau đầu và làm phật lòng các đồng minh. Nó cũng là thứ đang đè nặng tâm trí một số quân nhân dự bị khi chiến sự khiến cuộc sống bình thường của họ bị đảo lộn.
"Tôi thực sự muốn biết kết cuộc sẽ ra sao, nhưng không ai có câu trả lời cho chúng tôi", Lia Golan, 24 tuổi, lính dự bị chịu trách nhiệm hướng dẫn điều khiển xe tăng, đồng thời là sinh viên Đại học Tel Aviv, nói.
Golan đã phục vụ ở miền nam Israel hơn hai tháng sau khi giao tranh nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái. Cô nói rằng bản thân cảm thấy lo lắng trước những tổn thất mà xung đột gây ra: Các con tin Israel ở Gaza đang chết, binh lính đang bỏ mạng trên chiến trường và công dân Israel vẫn phải sơ tán.
Sau thời hạn phục vụ, Golan quay lại cuộc sống dân sự bình thường, nhưng cô sẽ không ngần ngại tiếp tục tái ngũ nếu được gọi.
"Mọi người đang chiến đấu và thiệt mạng, làm sao tôi có thể nói không?", Golan nhấn mạnh.
Quân đội Israel (IDF) đã huy động đại đa số trong 465.000 lính dự bị vào những ngày đầu xung đột. Họ tuyên bố sẽ "xóa sổ" Hamas, sau khi các tay súng của nhóm này sát hại khoảng 1.200 người Israel và bắt hơn 250 người đưa về Gaza làm con tin trong cuộc đột kích chưa từng có ngày 7/10/2023.
Sau vài tháng tham chiến, nhiều lính dự bị đã quay lại với công việc thường nhật. Nhưng khi chiến sự kéo dài, quân đội Israel tiếp tục triệu tập lính dự bị, yêu cầu họ quay lại đơn vị chỉ sau vài ngày thông báo. Một số lữ đoàn dự bị đang chiến đấu ở Rafah, phía nam Gaza, và tham gia một chiến dịch gần đây ở Jabalya, phía bắc dải đất.
"Một đơn vị dự bị thực sự giống như gia đình và nó mang lại rất nhiều động lực chiến đấu", Ariel Heimann, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, cựu lãnh đạo lực lượng dự bị của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho hay.
Tuy nhiên theo ông, lính dự bị Israel cũng giống như sợi dây cao su, nếu kéo quá căng và lâu, cuối cùng nó sẽ đứt. "Chúng ta phải rất cẩn thận trong việc sử dụng lực lượng dự bị", Heimann lưu ý.
Trước xung đột, lính Israel xuất ngũ được xếp vào diện dự bị, có thể phải phục vụ 54 ngày mỗi năm trong ba năm để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nhưng Israel đã ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 10/2023, cho phép Bộ Quốc phòng liên tục triệu tập quân dự bị.
Bộ gần đây cũng đề xuất thay đổi luật quân sự và quân dự bị của Israel, tìm cách kéo dài thời gian phục vụ đối với cả lính nghĩa vụ và quân dự bị, nhưng chưa được quốc hội xem xét.
Chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza tới nay đã khiến ít nhất 293 binh sĩ Israel thiệt mạng, nhưng chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn chưa vạch ra được tầm nhìn chiến lược để chấm dứt chiến sự và quản lý Gaza hậu xung đột, gây chia rẽ và bất bình ngay bên trong nội các thời chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant hôm 15/5 lên tiếng phản đối gay gắt kịch bản quân đội Israel quản lý Dải Gaza hậu chiến sự, điều mà ông cho rằng sẽ dẫn đến đổ máu nhiều hơn và làm kiệt quệ nền kinh tế. Ba ngày sau, Bộ trưởng Nội các thời chiến Israel Benny Gantz đe dọa sẽ từ chức nếu kế hoạch hậu chiến không được sớm phê duyệt.
Nhưng một số quân nhân dự bị cho biết họ coi việc Israel tiếp tục kiểm soát quân sự ở Gaza là cách duy nhất để kết thúc xung đột và ngăn chặn cuộc giao tranh khác nổ ra.
Theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố gần đây, 40% người Israel tin rằng quân đội nước này nên quản lý Gaza sau xung đột.
"Giải pháp duy nhất là quay trở lại Gaza, giống như trước năm 2005", Yechezkal Garmiza, 38 tuổi, lính dự bị thuộc Lữ đoàn Givati, nói. Quân đội Israel từng chiếm đóng và quản lý Gaza, trước khi rút hoàn toàn binh lính và người định cư khỏi vùng đất này năm 2005, sau các phong trào nổi dậy của người Palestine.
Garmiza cho rằng Israel cũng nên xây dựng lại các khu định cư người Do Thái ở Gaza. Garmiza sống cùng vợ và 4 con nhỏ tại khu định cư Nokdim ở Bờ Tây, nhưng chỉ về nhà chớp nhoáng từ khi chiến sự nổ ra.
"Nếu quân đội không cai quản Gaza, mọi thứ sẽ lại tái diễn", anh nói, đề cập đến cuộc tấn công của Hamas. "Chúng ta phải hoàn thành công việc".
Ariel Shauliyan, 41 tuổi, cũng là lính dự bị và là hàng xóm của Garmiza ở Nokdim, có cùng quan điểm. "Chúng tôi vẫn nghĩ rằng quân đội cai quản Gaza là đúng đắn", ông cho hay.
Ông bố ba con nói rằng giống như Thủ tướng Netanyahu, ông không muốn Chính quyền Palestine kiểm soát Gaza. Lực lượng của họ đã bị Hamas đẩy khỏi Gaza vào năm 2007 và Shauliyan không nghĩ rằng cách tiếp cận tương tự sẽ ngăn Hamas quay trở lại nắm quyền.
Khi xung đột leo thang, người dân, trường học, doanh nghiệp và các nhóm cựu chiến binh trên khắp Israel đã huy động hỗ trợ cho những người lính dự bị phải rời bỏ công việc, giảng đường đại học để lên đường chiến đấu.
Họ cung cấp thực phẩm và chăm sóc trẻ em cho những hộ gia đình có cha mẹ là lính dự bị được quân đội triệu tập. Bộ Quốc phòng đã điều động nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần tới từng đơn vị dự bị, thiết lập đường dây nóng khẩn cấp 24/24, đồng thời tăng cường các nguồn lực cho quân dự bị trước và sau khi xuất ngũ.
Tuy nhiên, lính công binh dự bị Avichai Levi, 41 tuổi, cho biết ông bị chẩn đoán rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc hơn hai thập kỷ trước và những hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng là chưa đủ.
Tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn kể từ ngày 7/10/2023, sau khi ông tham chiến với nhiệm vụ lái chiếc máy ủi bọc thép D9, phá hủy các tòa nhà trên khắp Dải Gaza. Chỉ riêng trong tháng 5, ông đã được điều động đến cả Rafah và Jabalya, nơi quân đội vừa kết thúc một chiến dịch kéo dài nhiều tuần.
"Tôi suýt chết rất nhiều lần", Levi nói. Nhưng điều khó khăn nhất đối với ông là trở về nhà ở Rosh Haayin, miền trung Israel, nơi ông thường xuyên bị chứng mất ngủ hành hạ.
Đối với ông, việc Israel rút khỏi Gaza gần 20 năm trước là một "thảm họa", vì Hamas đã giành được quyền kiểm soát vùng đất ngay sau đó, đẩy Israel vào nguy cơ bị tấn công ở biên giới.
"Chúng ta không thể rời đi nếu chưa đạt được chiến thắng tuyệt đối", Levi tuyên bố.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều tin rằng áp đặt kiểm soát quân sự là giải pháp, ngay cả khi họ muốn thấy Hamas bị đánh bại hoàn toàn.
Oren Shvill, 52 tuổi, là chỉ huy lực lượng dự bị đặc nhiệm, đồng sáng lập tổ chức Brothers and Sisters in Arms, nhóm gồm những quân nhân và cựu quân nhân dự bị đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải tổ tư pháp của Thủ tướng Netanyahu vào năm ngoái.
Con gái lớn của ông cũng là quân nhân dự bị, còn con trai là lính nghĩa vụ. Vợ ông ở nhà một mình nhiều tháng, trong khi chồng con tham gia chiến dịch ở Gaza.
"Tôi hy vọng sẽ có giải pháp, một cơ quan quốc tế có thể đến và điều hành khu vực này", ông nói. "Phải có ai đó chịu trách nhiệm quản lý, nhưng không phải Hamas".
Sau khi xuất ngũ, Shvill và nhóm của ông gần đây bắt đầu biểu tình trở lại, kêu gọi Thủ tướng Netanyahu từ chức.
"Netanyahu có những lợi ích mâu thuẫn với việc chấm dứt xung đột và đưa các con tin trở về", Shvill nói, cho rằng Thủ tướng muốn kéo dài chiến sự nhằm duy trì quyền lực và tránh bị buộc tội tham nhũng.
Nhưng tại biên giới với Gaza, quân nhân dự bị Moshe, 28 tuổi, nhấn mạnh rằng bây giờ không phải là lúc để phản đối chính phủ.
"Israel cần một khởi đầu mới sau xung đột", anh nói. "Chúng ta không muốn tạo thêm hỗn loạn nữa".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét