Tổng thống Macron đang tích cực thúc đẩy ý tưởng triển khai sĩ quan huấn luyện tới Ukraine, song động thái này có thể khiến Pháp đối mặt nhiều vấn đề.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/6 cho biết một liên minh nhiều quốc gia châu Âu đã nhất trí triển khai sĩ quan huấn luyện tới Ukraine và nhấn mạnh đề nghị của Ukraine về việc phương Tây hỗ trợ đào tạo binh sĩ nước này là "hợp pháp".
"Chúng tôi sẽ tận dụng những ngày tới để xây dựng liên minh lớn nhất có thể", ông Macron nói, song không nêu chi tiết.
Bình luận được ông Macron đưa ra trong cuộc họp báo với Tổng thống Volodymyr Zelensky là dấu hiệu mới nhất cho thấy Pháp và các đồng minh NATO khác có thể sẵn sàng đưa binh sĩ tới lãnh thổ Ukraine, ý tưởng mà một số đồng minh như Mỹ từ lâu coi là động thái có thể gây leo thang căng thẳng với Nga.
Thông tin này xuất hiện khoảng một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà Washington viện trợ để tập kích các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga nhằm đối phó chiến dịch tấn công ở Kharkov.
Kể từ đầu xung đột, một số thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ và Đức, đã nhiều lần tự vạch ra các lằn ranh đỏ để tránh bị kéo sâu hơn vào xung đột với Nga. Song trong hơn hai năm qua, các ranh giới này dường như liên tục bị xóa bỏ.
Giới quan sát cho rằng lằn ranh cuối cùng mà phương Tây vẫn duy trì lúc này là lệnh cấm triển khai binh sĩ NATO tới Ukraine, điều mà Nga đã cảnh báo là kịch bản có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân. Song chính giới hạn này cũng đang lung lay, khi Pháp thúc đẩy gửi các sĩ quan huấn luyện tới Ukraine.
Ông Macron ngày 7/6 hạ thấp nguy cơ leo thang xung đột. "Đây không phải là hoạt động triển khai binh lính châu Âu ra tiền tuyến. Đây chỉ là công nhận chủ quyền của Ukraine trên lãnh thổ của họ. Chúng ta sẽ là ai nếu nhượng bộ trước những lời cảnh báo hoặc đe dọa của Nga?", ông nói.
Giới phân tích không nghĩ như vậy.
"Nếu điều đó xảy ra, hậu quả có thể nghiêm trọng và khó dự đoán hơn so với những điều phát sinh từ các động thái trong quá khứ, như cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí tầm xa mà phương Tây từng từ chối", Lee Hockstader, nhà bình luận của Washington Post, cảnh báo.
Mỹ, Đức và nhiều đối tác lớn trong liên minh hỗ trợ Ukraine từ lâu loại trừ khả năng triển khai binh sĩ tới Ukraine vì hai lý do chính.
Đầu tiên, quyết định này sẽ cho thấy thay đổi lớn về chính sách hỗ trợ Ukraine, khi phương Tây không chỉ dừng lại ở cung cấp vũ khí hạng nặng để củng cố khả năng phòng thủ của Kiev mà còn là nhân lực, cũng như chấp nhận khả năng thương vong cho binh sĩ NATO.
Lý do thứ hai là động thái này sẽ làm giảm sức nặng của thông điệp chính trị rằng Ukraine đang phải một mình gánh chịu tổn thất khổng lồ trong cuộc chiến với Nga để bảo vệ châu Âu, theo Hockstader.
Một số đồng minh phương Tây đã thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện nhỏ lẻ ở Ukraine trong hai năm qua. Tuy nhiên, ý tưởng của Tổng thống Macron có vẻ tham vọng hơn, công khai hơn và cũng rủi ro hơn, ngay cả khi các sĩ quan huấn luyện Pháp có thể chỉ được triển khai ở địa điểm cách xa tiền tuyến.
Quan điểm của lãnh đạo Pháp là phương Tây sẽ ở vị thế tốt hơn nếu khiến Điện Kremlin phải đoán già đoán non về những gì họ chuẩn bị làm, thay vì công khai loại trừ những gì họ sẽ không làm.
"Tôi không tin rằng ông Putin muốn đụng độ trực tiếp với một cường quốc NATO nếu nước đó không trực tiếp tham chiến", Francois Heisbourg, nhà phân tích nổi tiếng người Pháp ủng hộ cách tiếp cận của ông Macron, nói.
Tuy nhiên, nhà bình luận Hockstader chỉ ra rằng ông Macron gần như chưa làm gì để chuẩn bị cho dư luận trong nước về khả năng lính Pháp thiệt mạng ở Ukraine.
Nga đã cảnh báo Pháp và đồng minh về kế hoạch triển khai sĩ quan huấn luyện tới Ukraine. "Các sĩ quan hoặc lính đánh thuê đó đều là mục tiêu hợp pháp đối với lực lượng vũ trang của chúng tôi", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo.
Nếu chứng kiến những quan tài lính Pháp được chuyển về từ Ukraine, dư luận nước này có thể đối mặt với cú sốc lớn, ảnh hưởng đến sự ủng hộ của họ với Kiev cũng như với chính Tổng thống Macron.
Ngoài ra, hầu hết các đồng minh lớn trong NATO, vốn kiên quyết phản đối triển khai binh sĩ đến Ukraine, sẽ khó có khả năng tìm cách đối đầu trực tiếp hơn với Nga vì lý do quân Pháp thiệt mạng ở nước này, theo giới quan sát.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trước đó nêu rõ lập trường phản đối ý tưởng của Pháp.
"Chưa ai có thể giải thích cho tôi lợi ích hay giá trị gia tăng nào sẽ đạt được khi huấn luyện binh sĩ trên lãnh thổ Ukraine. Bởi vì mọi thứ bạn làm trên lãnh thổ Ukraine, bạn sẽ phải bảo vệ lãnh thổ đó", ông nói, thêm rằng điều động sĩ quan tới Ukraine huấn luyện "không phải là lựa chọn đối với chúng tôi".
Pháp có lực lượng vũ trang lớn mạnh và là một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Pháp có thể mang lại những lợi ích gì cho quân đội Ukraine đã được tôi luyện hơn hai năm trong thực chiến. Giới quan sát cho rằng có thể chính người Pháp lúc này cũng không tìm ra câu trả lời.
Hockstader lưu ý rằng bất chấp những tuyên bố hùng hồn của ông Macron, Pháp cho đến nay vẫn đi sau nhiều đồng minh NATO khác trong cung cấp vũ khí mà Ukraine cần.
Pháp đã cung cấp vài chục tên lửa tầm xa SCALP, đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine phá vỡ vòng phong tỏa của Nga trên Biển Đen, cùng nhiều loại vũ khí khác. Tuy nhiên, xét về tổng giá trị viện trợ cho Ukraine, Pháp xếp sau Hà Lan, Đan Mạch và Ba Lan, chưa kể đến các nhà tài trợ lớn hơn như Mỹ, Đức và Anh.
"Ông Putin có thể coi việc tấn công quân đội Pháp ở Ukraine không chỉ là cách để phơi bày chia rẽ trong nội bộ phương Tây, mà còn là cơ hội để sỉ nhục ông Macron, một trong những lãnh đạo châu Âu cứng rắn nhất với Nga", Hockstader cho hay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét