"Đây chính là vấn đề. Rủi ro nằm chính ở việc bạn phải đóng cửa một lần nữa", Steven Blitz, nhà kinh tế học tại công ty nghiên cứu thị trường TS Lombard, nhận định.
Mỹ đang chiến đấu với Covid-19 trên tất cả các mặt trận. Cục Dự trữ Liên bang và quốc hội đang dành một khoản viện trợ trị giá 9 nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế bị tổn thương, Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, cho hay.
Tới nay, những dấu hiệu khả quan mới được nhìn thấy rõ ràng trên thị trường tài chính hơn là trong cuộc sống thường ngày của người dân Mỹ.
Hàng triệu người đã mất việc làm trong những tuần gần đây, khiến nhiều gia đình phải cân nhắc lại thói quen chi tiêu. Ở Texas, Wise và cha mẹ cô đều mất việc. Trong 6 tuần qua, họ hạn chế hết mức chi tiêu bằng cách cắt giảm tiền truyền hình cáp, các bữa ăn nhà hàng, ngừng mua quần áo mới.
"Bỗng nhiên bạn phải tự hỏi 'mình cần làm gì đây?', không ai trong ngôi nhà này có việc làm", Wise nói.
Hai tuần sau khi Wise bị cho nghỉ việc không lương hồi giữa tháng ba, cha cô cũng mất việc. Cả hai đều nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng Wise cho hay họ cảm thấy hoang mang vì không biết bao giờ mới có thể đi làm trở lại. Trong lúc đó, các chi phí gia đình cứ chồng chất.
"Chúng tôi đã ngừng tiêu tiền, không chỉ bởi vì lệnh cách ly mà còn bởi chúng tôi không thể rút hầu bao vào lúc này", Wise chia sẻ. "Chúng tôi vẫn ổn. Đồ ăn vẫn còn trong tủ lạnh nhưng bạn không thể chi tiền khi không biết bao giờ mọi thứ sẽ quay về như bình thường".
Các chủ doanh nghiệp cho biết họ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa việc đảm bảo sức khỏe cho nhân viên và mong muốn kiếm tiền trở lại. Nhiều người nói họ không biết liệu khách hàng có tìm đến hay không nếu mở cửa trở lại, nhưng họ không thể liều lĩnh tiếp tục đóng cửa trong khi các đối thủ đã bắt đầu hoạt động.
Tại Texas, yêu cầu chỉ hoạt động 25% công suất mà chính quyền bang đưa ra khiến các chủ doanh nghiệp không biết có nên mở cửa trở lại hay không và bằng cách nào, theo Jason Mock, chủ tịch Phòng Thương mại khu vực San Marcos.
"Mọi người đều đang phân vân", ông nói. "Một số doanh nghiệp còn do dự nhưng số khác hăm hở muốn trở lại cuộc chơi vì họ đã đứng bên lề quá lâu rồi".
Một số chủ nhà hàng phân vân liệu họ có thể đáp ứng yêu cầu chỉ phục vụ 25% số ghế hay không. Mở cửa trở lại trong tuần này đồng nghĩa với việc họ phải trả tiền thực phẩm, điện nước, lương nhân viên trong khi không có gì đảm bảo khách hàng sẽ lập tức quay lại.
"Đây là quyết định rất khó khăn", Mock nhận xét. "Mọi thứ có lẽ sẽ diễn ra chậm. Nhưng các chủ nhà hàng hiểu rằng đây chỉ là bước đầu tiên trên con đường trở về như trước đây".
Tại cửa hàng bán vali, túi du lịch Luggage Shop of Lubbock, nơi mở cửa trở lại vào ngày 1/5, Tiffany Zarfas Williams, chủ cửa hàng, cho hay bà đang khuyến khích khách hàng đặt mua trực tuyến trước rồi mới tới nhận. Nếu khách muốn đích thân tới chọn, họ có thể đặt lịch qua mạng nhằm đảm bảo rằng cửa hàng không quá đông. Bà cũng dự trữ khẩu trang dùng một lần và nước rửa tay cho nhân viên cùng khách hàng.
"Tôi hơi lo lắng", Williams nói. "Tôi ghét việc là nơi đầu tiên mở cửa trở lại. Phải hai đến ba tuần nữa chúng ta mới biết liệu đây có phải ý tưởng tốt hay không".
Dù doanh số tháng trước giảm 90%, Williams vẫn trả lương đầy đủ cho hai nhân viên toàn thời gian. Bà đã thương thảo với chủ nhà hoãn trả tiền thuê trong hai tháng. Tuy nhiên, Williams cho biết bà đã chuẩn bị tâm lý đối diện với tình trạng sụt giảm doanh thu trong dài hạn. Có thể phải mất vài tháng, thậm chí vài năm trước khi người tiêu dùng cảm thấy thoải mái với việc chi vài trăm USD cho một chiếc vali, bà nhận định.
"Ngay cả khi mở cửa, tôi không tin rằng khách hàng sẽ lũ lượt kéo đến cửa hàng", bà nói. "Đây là thách thức đối với chủ của các cửa hàng bán vali, túi xách, đồ du lịch. Đó đều là những thứ mà hiện tại không ai nghĩ đến. Tôi không biết bao giờ nó sẽ thay đổi nữa. Không có gì là chắc chắn cả".
Tại Columbia, Nam Carolina, Darius Johnson dự kiến mở cửa lại cửa hàng sinh tố của mình vào ngày 4/5 sau một tháng đóng cửa. Johnson có kế hoạch giới thiệu một ứng dụng di động giúp khách hàng gọi đồ và trả tiền trên điện thoại. Anh cũng dự trữ nhiều nghệ, gừng và chanh để làm sinh tố với hy vọng chúng sẽ thu hút được các khách hàng giờ đây biết quan tâm tới sức khỏe hơn.
"Thực sự là một thách thức lớn khi mà bạn thức dậy mỗi sáng và biết rằng mình sẽ không thể kiếm ra một xu nào", Johnson, 28 tuổi, nói. "Tất nhiên ai cũng muốn được an toàn nhưng bạn vẫn phải làm những gì có thể để giữ công việc kinh doanh".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét