Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Mỹ nỗ lực qua mặt WHO

Khi đề cập tới những sáng kiến y tế cộng đồng Mỹ từng hỗ trợ thông qua WHO, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ mong muốn "gạt bỏ bên trung gian".

"Ngoại trưởng yêu cầu Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) xác định và hợp tác với những tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ nước ngoài thay thế cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", bản ghi nhớ Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tới các nhân viên gần đây có đoạn.

Bất đồng giữa WHO và chính quyền Mỹ thêm sâu sắc hôm 14/4, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho tổ chức, cáo buộc họ che giấu tính nghiêm trọng của  và bảo vệ cho Trung Quốc.

Giới chức châu Âu tiết lộ Mỹ còn trì hoãn một nghị quyết ứng phó khủng hoảng y tế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Pháp tìm cách thúc đẩy trong nhiều tuần, bởi họ không nhất trí với điều khoản bày tỏ ủng hộ WHO trong dự thảo nghị quyết, đồng thời kêu gọi đồng minh nghi ngờ độ tin cậy của tổ chức y tế hàng đầu thế giới này.

Sự "thù địch" của Mỹ với WHO cũng khiến bộ trưởng y tế các nước G20 không thể ra được tuyên bố chung về Covid-19 sau cuộc họp trực tuyến đầu tháng 4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng hôm 22/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng hôm 22/4. Ảnh: Reuters.

Các quan chức WHO ban đầu tìm cách cách nhượng bộ Trump, với hy vọng họ có thể tránh đối đầu công khai và khiến Tổng thống Mỹ thay đổi quyết định ngừng tài trợ cho tổ chức. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận giữa WHO và Andrew Bremberg, đại sứ Mỹ tại tổ chức, không giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Trump, người từng nói rằng đại dịch đáng lẽ có thể được kiềm chế với "rất ít người chết" nếu WHO thực hiện công việc của họ, tiếp tục phàn nàn về tổ chức trong cuộc điện đàm của G7 tháng này. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, những lãnh đạo thế giới khác cảnh báo việc "thay ngựa giữa dòng" là không khôn ngoan, nói thêm rằng cuộc điều tra về các sai phạm nên tiến hành sau khi khủng hoảng Covid-19 lắng xuống. Sau cuộc điện đàm, vài lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố công khai ủng hộ WHO.

Giới chuyên gia nhận định những động thái của chính quyền Trump có thể gây thiệt hại cho WHO về lâu dài. "Mỹ ngừng cấp ngân sách là vấn đề đau đầu với WHO, nhưng không hẳn là một cuộc khủng hoảng hiện hữu. Tuy nhiên, nếu Mỹ viện trợ cho các tổ chức khác để họ tiến hành những chương trình y tế từng thuộc lĩnh vực phụ trách của WHO, Washington có nguy cơ đang phân tán nguồn lực một cách không hiệu quả và rời rạc", Richard Gowan, chuyên gia cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đánh giá.

"Cuộc khủng hoảng này đem lại một bài học rằng chúng ta cần hợp tác quốc tế tốt hơn để xử lý những thách thức y tế toàn cầu", ông nói thêm. Trong khi đó, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết chính phủ "đang tìm cách thúc đẩy WHO tập trung lại vào việc làm tròn những nhiệm vụ cốt lõi về chuẩn bị, ứng phó và phối hợp các bên liên quan".

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/4 công bố kế hoạch chuyển hướng nguồn tài trợ dành cho WHO, nhưng không nêu cụ thể tên bất cứ nhóm nào sẽ được nhận kinh phí, cũng không cho biết liệu Mỹ có hợp tác với WHO về các vấn đề sức khỏe trong tương lai hay không, lưu ý thêm rằng chính phủ đang xem xét chính sách.

Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập tới khả năng "không bao giờ nối lại tài trợ, trao tiền thuế của người Mỹ cho WHO". Hai quan chức giấu tên am hiểu vấn đề cho biết trong các cuộc thảo luận kín, Pompeo từng nêu ý tưởng vận hành một tổ chức song song với WHO, nơi sẽ tiếp nhận nguồn tài trợ của Mỹ để ứng phó Covid-19.

Xung đột giữa chính quyền Trump với WHO giữa một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khiến đảng Dân chủ, thậm chí một số thành viên đảng Cộng hòa, tỏ ra lo ngại. "Tôi không nghĩ đây là lúc để loại bỏ một trong những đối tác khỏi cuộc chiến, bất kể lo ngại như thế nào về hành động của họ", nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt, người đứng đầu ban giám sát viện trợ y tế của Thượng viện Mỹ, cho hay.

Một số người còn lo ngại Mỹ, nước tài trợ 533 triệu USD cho WHO vào năm ngoái, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, có thể đánh mất tầm ảnh hưởng tại tổ chức này vào tay Trung Quốc. Bắc Kinh hôm 23/4 quyết định đóng góp thêm 30 triệu USD cho WHO nhằm hỗ trợ ứng phó Covid-19 tại những nước đang phát triển.

"Vào thời điểm then chốt này, hỗ trợ WHO chính là ủng hộ chủ nghĩa đa phương và đoàn kết toàn cầu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter.

Những người chỉ trích Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lên án việc ông cùng đội ngũ chuyên gia của mình "cả tin" Trung Quốc khi đăng trên tài khoản Twitter chính thức tuyên bố hồi giữa tháng một của Trung Quốc rằng không có bằng chứng nCoV truyền từ người sang người, đồng thời cáo buộc họ để lỡ những cơ hội kêu gọi các quốc gia hành động có hành động "đánh chặn" Covid-19. 17 hạ nghị sĩ Cộng hòa tuần trước kêu gọi Tedros từ chức bởi họ không còn tin tưởng ông.

Các đối tác của WHO cũng thừa nhận tổ chức đáng lẽ có thể hành động nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, họ cho rằng việc cắt tài trợ cho tổ chức quốc tế này là sai lầm. "WHO không chỉ là một bên trung gian, mà còn đóng vai trò đa phương không thể thiếu. Đó là tổ chức duy nhất sở hữu năng lực tiếp cận và ủy nhiệm trên quy mô toàn cầu, giúp hỗ trợ ứng phó một đại dịch đang đe dọa mọi quốc gia trên hành tinh", Sheba Crocker, phó chủ tịch quỹ Care USA, nêu ý kiến.

Bloomberg hôm 24/4 đưa tin chính quyền Trump đang xem xét duy trì một số khoản viện trợ cho WHO để chống lại bệnh bại liệt và Covid-19 tại 7 quốc gia, động thái được cho là thừa nhận một số chương trình nhất định của WHO không dễ thay thế. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên cảnh báo vẫn chưa có quyết định cuối cùng về các điều khoản miễn trừ.

Một số người theo quan điểm bảo thủ ủng hộ quyết định cắt ngân sách dành cho WHO, với lý do tổ chức này không quan tâm đầy đủ đến những đại dịch đang hoành hành, nên việc tài trợ thông qua họ không giúp đảm bảo xử lý hiệu quả các cuộc khủng hoảng y tế.

"WHO dành rất nhiều tiền vào thứ khác ngoài bệnh truyền nhiễm", Brett Schaefer, thành viên nhóm nghiên cứu Quỹ Di sản tại Washington, cho biết, giải thích rằng WHO còn tiến hành các chương trình về bệnh tim, ung thư và vấn đề sức khỏe khác.

Schaefer thừa nhận việc phân tán nguồn viện trợ có thể thiếu tính phối hợp toàn cầu, nhưng chỉ ra rằng hệ thống của Liên Hợp Quốc, bao gồm WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, cũng có thể "bị manh mún và trùng lặp".

Mỹ đang dần giảm bớt sự hiện diện tại những sự kiện liên quan đến WHO. Hôm 24/4, họ không tham gia hội nghị trực tuyến phát động sáng kiến vaccine toàn cầu chống nCoV do WHO tổ chức, trong khi nhiều lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đều tham dự.

Một quan chức WHO giấu tên cho biết các lãnh đạo WHO "thực sự" hy vọng Mỹ góp mặt tại hội nghị và đã nhiều lần mời họ, nhưng thất bại. Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar gần đây cũng không dự cuộc họp với những người đồng cấp tới từ các nước thành viên G20 do bận đón lễ Phục sinh, một phát ngôn viên cho hay.

Trong khi những nỗ lực phối hợp ngăn chặn Covid-19 vẫn tiếp diễn, giới chức châu Âu lo ngại các vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ có thể là trở ngại trong quá trình ứng phó khủng hoảng.

"Chính quyền Mỹ vô cùng chú trọng tới chiến dịch tái tranh cử và việc có thể đổ lỗi cho ai về tình huống thảm khốc hiện nay. Họ đang đổ lỗi cho WHO và Trung Quốc. Vì vậy, rất khó để tìm tiếng nói chung về WHO", một quan chức châu Âu giấu tên nhận định.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét