Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Châu Âu tái mở cửa, y bác sĩ quay cuồng

Đối với nhiều nhân viên y tế tuyến đầu tại Pháp, việc giới chức bắt đầu quá trình nới phong tỏa là quyết định quá vội vàng và nguy hiểm.

Trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) thuộc bệnh viện Bichat ở Paris, Pháp, bác sĩ Alexy Tran Dinh nhẹ nhàng nâng đầu một bệnh nhân Covid-19 đã được gây mê sâu, tỉ mỉ hướng dẫn các y tá quy trình đặt người phụ nữ này nằm sấp và nằm ngửa. Họ sau đó thực hành theo nhịp đếm của bác sĩ một cách đồng nhất và hết sức cẩn thận, bởi bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút nếu họ vô tình làm rơi ống thở của bà.

"Một, hai, ba, nghiêng sang một bên", bác sĩ Tran Dinh chỉ đạo, rồi nhanh chóng đưa ra hiệu lệnh tiếp theo: "Đặt lưng xuống".

"Hoàn hảo", Tran Dinh nói, sau khi việc đổi tư thế nằm cho bệnh nhân hoàn tất.

Các y bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Bichat ở Paris, Pháp, hôm 22/4. Ảnh: AP.

Các y bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Bichat ở Paris, Pháp, hôm 22/4. Ảnh: AP.

Chuỗi hoạt động phối hợp này chỉ là một trong hàng nghìn biện pháp can thiệp y tế lớn và nhỏ, nhờ con người, máy móc và thuốc men, nhằm duy trì sự sống cho người phụ nữ 64 tuổi đang đứng trước lưỡi hái tử thần. Phổi của bà bị tổn thương nặng vì nhiễm nCoV, virus đã khiến hơn 3,1 triệu người chết trên toàn cầu.

Người phụ nữ này chỉ là một trong gần 6.000 ca bệnh nghiêm trọng vẫn phải điều trị trong các phòng ICU của Pháp tính đến tuần trước. Bất chấp việc con số này cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ làn sóng đại dịch thảm khốc đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định tái mở cửa các trường tiểu học từ ngày 19/4, đồng thời cho phép người dân đi lại tự do hơn vào tháng 5.

Tình huống tương tự cũng diễn ra tại các quốc gia châu Âu khác, giữa lúc nhu cầu về kinh tế, xã hội và giáo dục trở nên cấp thiết. Các chính phủ lấy lý do chiến dịch tiêm chủng đang được tăng cường để củng cố quan điểm nới lỏng biện pháp hạn chế, mặc dù mới chỉ 1/4 người trưởng thành ở châu Âu đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên.

Hy Lạp tuyên bố tái mở cửa ngành du lịch từ giữa tháng 5, ngay cả khi số bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch cao kỷ lục. Tây Ban Nha cũng không gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia, đi kèm với lệnh giới nghiêm và cấm đi lại, khi nó hết hạn vào ngày 9/5. Giới chức nước này cho hay tiêm chủng giúp tạo điều kiện giảm bớt các hạn chế một cách an toàn, dù hơn 2.200 bệnh nhân Covid-19 đang chiếm 1/5 số giường ICU của Tây Ban Nha.

Bắt đầu từ ngày 19/4, các trường học tại những vùng nguy cơ thấp ở Italy cũng có thể hoạt động toàn thời gian, dạy học trực tiếp, trong khi các nhà hàng và quán bar được phép phục vụ tại quán trong không gian mở.

Tại Hà Lan, chính phủ quyết định chấm dứt lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời tái mở cửa chỗ ngồi ngoài trời của các quán bar và cà phê lần đầu tiên kể từ giữa tháng 10/2020, ngay cả khi các bệnh viện phải giảm bớt quy mô chăm sóc những ca bệnh không cấp thiết để tăng số giường ICU cho bệnh nhân Covid-19.

Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết làn sóng lây nhiễm mới nhất, khiến số người chết vì Covid-19 ở vùng dịch lớn thứ tư thế giới tăng lên gần 103.000, đã bắt đầu suy yếu dần, cho phép toàn bộ trường học tái mở cửa và hạn chế đi lại ban ngày sẽ kết thúc vào 3/5.

Castex còn nêu triển vọng các cửa hàng cùng dịch vụ ngoài trời của nhà hàng và quán cà phê, vốn phải đóng cửa từ tháng 10/2020, có thể hoạt động trở lại từ giữa tháng sau. "Chúng ta dường như đã vượt qua đỉnh của làn sóng thứ ba. Áp lực từ đại dịch đang dần được gỡ bỏ", ông phát biểu hôm 22/4.

Tuy nhiên, Nadia Boudra, y tá phòng ICU tại bệnh viện Bichat, không cảm thấy thế. Ca làm kéo dài 12 giờ hôm 22/4 của cô bắt đầu bằng việc đặt thi thể của một người đàn ông 69 tuổi chết vì Covid-19 vào túi đựng xác, chỉ vài giờ trước khi con gái ông trở về từ Canada với hy vọng nhìn thấy bố còn sống.

"Chúng tôi tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra. Chúng tôi thấy rất nhiều người đang chết dần", Boudra nói. Đối với cô, việc tái mở cửa trường học và có khả năng là những hàng quán ngoài trời là "quá sớm", đồng thời truyền đi một thông điệp gây hiểu lầm rằng "mọi thứ đang trở nên tốt hơn", trong khi thực tế rõ ràng không như vậy.

Sau khi đưa thi thể người đàn ông đến nhà xác của bệnh viện, Boudra tới chăm sóc người phụ nữ 64 tuổi, giờ đây là người sống sót duy nhất trong phòng ICU tạm bợ, được thiết lập cho bệnh nhân Covid-19 tại nơi từng là phòng phẫu thuật. Trong lúc rất nhiều nỗ lực được dồn vào việc giữ tính mạng cho một người phụ nữ, những người khỏe mạnh bên ngoài đang lên kế hoạch dùng bữa với bạn bè và đi du lịch vào tháng 5.

Sáng 22/4, bác sĩ Tran Dinh thông báo qua điện thoại cho con gái của bệnh nhân 64 tuổi này rằng hơi thở của mẹ cô đã yếu đi. "Nếu gỡ máy móc ra, bà ấy sẽ tử vong trong vòng vài phút, thậm chí có lẽ chưa đến. Không có chỗ cho sai sót", bác sĩ nói.

Tuy nhiên, vẫn có những ca bệnh nguy kịch hơn. Một người đàn ông 53 tuổi tại bệnh viện Bichat đang duy trì sự sống dựa vào phổi nhân tạo, giải pháp cuối cùng cho những bệnh nhân Covid-19 bị tổn thương phổi nặng nề. Do tốn kém và mất nhiều nguồn lực, phương pháp điều trị này chỉ dành cho những bệnh nhân được đánh giá đủ khỏe để có cơ hội sống sót.

Bác sĩ Philippe Montravers, trưởng khoa ICU phẫu thuật tại bệnh viện Bichat, cho biết khoảng 50% bệnh nhân dùng phương pháp này vẫn tử vong. Toàn bộ 4 máy ECMO của khoa đều dành cho bệnh nhân Covid-19. Montravers cho biết hơn một tháng qua bệnh nhân 53 tuổi "không tiến triển chút nào".

"Chiếc máy này chỉ giúp kéo dài thêm thời gian, đóng vai trò như phao cứu sinh, không hơn không kém", bác sĩ nói. Trong khi đó, y tá Lea Jourdan của bệnh viện bày tỏ sự mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần khi chăm sóc cho một người với tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc.

"Bạn phải cẩn thận về mọi điều, toàn bộ các ống, không được để tuột bất cứ thứ gì trong lúc lật người ông ấy. Thật khó để nghĩ tích cực và tự nhủ rằng ông ấy sẽ sống sót", Jourdan cho hay.

Ánh Ngọc (Theo AP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét