Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Lái xe cứu thương quay cuồng giữa đại dịch

BrazilCarlos Marques lái xe cứu thương suốt 12 năm ở Sao Paulo nhưng không hề chuẩn bị cho những chấn thương tâm lý khi làm việc giữa đại dịch Covid-19.

Brazil là một trong những quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Khủng hoảng y tế tháng này lên tới đỉnh điểm, khi mỗi ngày có tới hơn 4.000 người chết vì Covid-19.

"Ngày nào tôi cũng hy vọng hôm nay tình hình sẽ khá hơn. Chúng tôi luôn hy vọng hôm nay không tồi tệ như những hôm trước, khi chúng tôi phải đưa đón những người đang khóc vì tuyệt vọng", Marques nói trước khi bắt đầu ca làm việc vào sáng sớm 16/4.

"Hết ngày làm việc, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi chúng tôi đã ở bên cạnh họ, chứng kiến nỗi đau của họ, không hề dễ chịu".

Cuộc sống của lái xe cứu thương Brazil trong đại dịch Covid-19

Một ngày làm việc của Carlos Marques. Video: AFP

Marques, 52 tuổi, được đào tạo sơ cứu và có nhiệm vụ giúp đỡ hai y tá đi cùng xe cứu thương khi cần thiết. Khi đại dịch tấn công Brazil, ông ký hợp đồng với một công ty tư nhân, chuyên vận chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện ở Santo Andre, trung tâm công nghiệp của đất nước tại bang Sao Paulo.

Ông làm việc theo ca 12 tiếng, nghỉ một ngày rưỡi. Marques sống cùng vợ, con gái và 4 cháu gái trong hai ngôi nhà liền kề giản dị tại một thị trấn nghèo phía đông Sao Paulo. Ông chưa từng nhiễm nCoV, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên nhưng lo lắng việc tiếp tục phơi nhiễm sẽ ảnh hưởng tới gia đình.

Marques chia sẻ những bi kịch mà ông đã chứng kiến, như cái chết của một đôi vợ chồng trên đường tới bệnh viện.

"Cả hai đặt nội khí quản, chết cách nhau 10 phút. Trên đường tới viện, dù bị ốm nhưng họ vẫn nói chuyện với y tá. Họ ra đi quá đột ngột khiến tôi cảm thấy rất đau lòng. Hai vợ chồng chết cùng lúc, bạn có tưởng tượng được không?", ông nói.

Marques từng lái xe chở 16 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Quốc gia đông dân nhất châu Mỹ Latinh ghi nhận hơn 380.000 ca tử vong trên dân số 212 triệu người, trong đó 90.000 ca ở bang Sao Paulo.

Dù Mỹ ghi nhận số ca nhiễm nhiều hơn, nhưng tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân của Brazil lại cao nhất ở cả châu Mỹ và nam bán cầu. Brazil cũng là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, với 14 triệu ca nhiễm, sau Mỹ và Ấn Độ.

Số ca tử vong và nhiễm mới có vẻ đã ngừng leo thang nhưng Marques có rất ít cơ hội nghỉ ngơi trong ngày. Ông vừa nhận một cuộc gọi, thông báo bệnh nhân đáng lẽ được chuyển tới bệnh viện khác nhưng đang hồi phục tốt và có lẽ sẽ ra viện sớm.

"Tuyệt vời", ông vui vẻ nói. "Chúng tôi thường đón những bệnh nhân đang than khóc, lo lắng, nghĩ rằng mình sắp chết. Khi được đón bệnh nhân ra viện, họ vui vẻ, chúng tôi cũng vui vẻ".

Bệnh nhân lên xe cứu thương tại một bệnh viện dã chiến ở Santo Andre, bang Sao Paulo, hôm 26/3. Ảnh: AFP

Bệnh nhân lên xe cứu thương tại một bệnh viện dã chiến ở Santo Andre, bang Sao Paulo, hôm 26/3. Ảnh: AFP

Marques mong muốn mọi người dân Brazil đều được tiêm chủng. Brazil đến nay chỉ tiêm chủng được một liều cho 13% dân số, chỉ 5% dân số tiêm đủ hai mũi.

"Tôi thích về nhà, kể cả lúc đó đang rất mệt, biết rằng mình đang làm một công việc quan trọng đóng góp cho cộng đồng", ông nói. "Một số người chào đón, khen ngợi chúng tôi, thậm chí còn gọi chúng tôi là anh hùng. Đây là một công việc tuyệt vời".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét