Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Mỹ bồi thường 5 triệu USD cho gia đình người gốc Việt bị bắn chết

Gia đình Tommy Le, chàng trai gốc Việt 20 tuổi bị cảnh sát bắn chết năm 2017, được bồi thường 5 triệu USD sau 4 năm đi kiện.

Gia đình Tommy Le hôm 24/3 cho biết sẽ nhận được 5 triệu USD tiền dàn xếp từ văn phòng cảnh sát hạt King, bang Washington. Thỏa thuận dàn xếp được công bố gần một tuần trước khi vụ kiện đưa ra xét xử ở tòa án liên bang. Gia đình Le muốn nhận 10 triệu USD tiền bồi thường trong đơn kiện năm 2018.

"Đó là nỗi đau hằn sâu trong gia đình tôi mỗi ngày, không gì thay đổi được", Sunny Le, bố của Tommy, nói. "Tôi muốn con trai mình sống lại".

Tommy Le, 20 tuổi, trước khi bị bắn chết hồi tháng 6/2017. Ảnh: King5

Tommy Le, 20 tuổi, trước khi bị bắn chết hồi tháng 6/2017. Ảnh: King5

Le, 20 tuổi, sắp tốt nghiệp cấp ba khi bị bắn chết ở Burien hồi tháng 6/2017. Cảnh sát tới nơi sau khi hàng xóm gọi 911, trình báo Le đang hành động bất thường, đập cửa và dùng dao đe dọa họ.

Sĩ quan Cesar Molina là cảnh sát thứ ba có mặt tại hiện trường và nổ súng sau chưa đầy hai phút. Ban đầu, sĩ quan này khai rằng nổ súng để tự vệ vì Le dùng dao tấn công. Tuy nhiên, không có con dao nào được tìm thấy tại hiện trường. Một tuần sau, văn phòng cảnh sát rút lại tuyên bố, cho biết Le chỉ cầm một cây bút bi.

Các nhà điều tra cho hay trong cơ thể Le có một lượng nhỏ thuốc gây ảo giác LSD, không mang vũ khí. Gia đình Le đã dành 4 năm để đấu tranh và vạch trần sự thật mà cảnh sát hạt King đã che giấu.

Jeff Campiche, luật sư của gia đình, cho hay nhân chứng nhìn thấy Le không cầm gì trong tay khi bị giết. Luật sư cho hay loại bút tìm thấy ở hiện trường cũng là loại được sử dụng trong văn phòng cảnh sát, cho thấy nó có thể được để lại hiện trường làm giả chứng cứ.

Bằng chứng lớn nhất ủng hộ đơn kiện của gia đình Le là vị trí cậu bị bắn. Khám nghiệm tử thi cho thấy Le trúng hai phát đạn vào lưng, một phát vào cổ tay. Điều này đặt câu hỏi làm thế nào mà cậu có thể đe dọa được cảnh sát khi rất có thể đang quay lưng bỏ chạy. Luật sư của gia đình Le cho biết kết quả khám nghiệm tử khi không được đưa vào hồ sơ điều tra.

"Văn phòng cảnh sát hạt King đã che đậy sự thật bằng cách bỏ qua, che giấu, đưa ra thông báo sai, thậm chí làm giả bằng chứng", Campiche nói. "Kết quả dàn xếp này đã đòi lại công lý cho Tommy Le, là sự thật về chuyện đã xảy ra".

Luật sư Campiche cho hay điều đáng nói trong vụ án là thói quen che giấu của cảnh sát địa phương đã trở thành đặc hữu. "Đó là lý do đường phố của chúng ta đầy rẫy công dân yêu cầu minh bạch, trách nhiệm và cải cách chính sách".

Vụ dàn xếp diễn ra sau một báo cáo từ Văn phòng Thực thi Pháp luật công bố tháng 9 năm ngoái, nhấn mạnh "hồ sơ thực tế không đầy đủ, thiếu bằng chứng pháp y trong quá trình xem xét" của văn phòng cảnh sát sau cái chết của Le.

Dow Constantine, người đứng đầu hạt King, hy vọng "vụ dàn xếp mang tới bình yên cho gia đình Le và cộng đồng. Bi kịch này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng các chính sách thực thi pháp luật và quy trình xem xét khi cảnh sát liên quan tới một vụ chết người".

Hồng Hạnh (Theo Kiro)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét