Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Tháp cao nhất thế giới cổ vũ Ấn Độ giữa 'sóng thần' Covid-19

Tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, thắp sáng cờ Ấn Độ để cổ vũ nước này giữa "sóng thần" Covid-19.

"Xin gửi những hy vọng, lời nguyện cầu và sự ủng hộ tới đất nước Ấn Độ cùng tất cả người dân Ấn Độ trong thời điểm đầy thử thách này", tài khoản Twitter của tháp Burj Khalifa tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 25/4 cho hay, kèm theo dòng hashtag "Ấn Độ hãy vững vàng".

Bài đăng bao gồm video dài 23 giây cho thấy mặt tiền ngọn tháp thắp sáng quốc kỳ ba màu của Ấn Độ cùng dòng chữ "Ấn Độ hãy vững vàng".

Tháp cao nhất thế giới thắp cờ Ấn Độ giữa sóng thần Covid-19

Tháp Burj Khalifa thắp sáng cờ Ấn Độ hôm 25/4. Video: Twitter/Burj Khalifa.

Burj Khalifa là tòa nhà cao nhất thế giới với 164 tầng, cao 828 mét. Tòa tháp có hình dạng như chiếc kim nhọn vươn thẳng, sở hữu thang máy cao nhất và nhanh nhất thế giới với tốc độ 64 km/h.

Chiếu quốc kỳ các nước lên tháp Burj Khalifa là nghi thức được chính quyền Dubai và UAE thống nhất thực hiện nhằm thể hiện sự tôn trọng với những đối tác họ xem là đặc biệt.

"Trong lúc Ấn Độ chiến đấu với cuộc chiến khủng khiếp chống Covid-19, người bạn UAE đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất. Tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai đã thắp sáng quốc kỳ ba màu để thể hiện sự ủng hộ", Đại sứ quán Ấn Độ tại UAE đăng Twitter khi chia sẻ video.

Đại sứ Ấn Độ tại UAE Pavan Kapoor cũng nói rằng Ấn Độ "đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của UAE đối với người bạn thân trong thời điểm khó khăn".

Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất. Nước này hiện ghi nhận hơn 17,3 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 195.000 người đã chết. Hôm qua đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp Ấn Độ ghi nhận ca nhiễm hàng ngày cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới từ khi đại dịch bùng phát.

Trung bình 4 phút có một người Ấn Độ chết vì Covid-19. Các bệnh viện ở Delhi và trên khắp đất nước đang phải từ chối bệnh nhân do hết oxy và giường bệnh. Các bệnh viện và bác sĩ ra thông báo khẩn cho biết họ không thể đối phó với tình trạng bệnh nhân đổ xô đến, trong khi mạng xã hội tràn ngập lời cầu cứu.

Huyền Lê (Theo NDTV, Khaleejtimes)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét