Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Chiến dịch tiêm chủng nhiều trắc trở tại điểm nóng Omicron

Nam Phi, nơi số ca nhiễm biến chủng Omicron đang tăng nhanh, từng phải từ chối nhận thêm vaccine do vô số khó khăn trong chiến dịch tiêm chủng.

"Nam Phi đã từ chối đề xuất của Mỹ chuyển thêm vaccine Covid-19 cho nước này, cũng không đề nghị cấp thêm vaccine sau gần 8 triệu liều được Mỹ viện trợ trước đó", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo hôm 29/11.

Tiết lộ của Psaki khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi Nam Phi đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, khi nước này là nơi đầu tiên báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biến chủng Omicron. Quốc gia này cũng đang trở thành điểm nóng Covid-19, khi ghi nhận số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng theo cấp số nhân gần đây.

Không giống nhiều nước láng giềng ở châu Phi, Nam Phi không lâm vào tình trạng thiếu hụt vaccine và là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu lục. Thế nhưng, nước này tới nay mới chỉ tiêm đầy đủ vaccine cho chưa đầy 25% trong dân số 59,3 triệu người, dù nguồn cung không phải là vấn đề.

Tỷ lệ tiêm vaccine của Nam Phi hiện là 42 liều/100 người, trong khi mức trung bình toàn cầu đã vượt 100/100 và cao hơn nữa tại các quốc gia phát triển. Ở những nước châu Phi khác, con số này thậm chí thấp hơn nhiều, như Lesotho mới đạt 30/100 và Namibia là 25/100.

Nguồn cung vaccine của châu Phi phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương, những lô hàng tài trợ và từ chương trình Covax. Hồi đầu năm, các nước châu Phi gần như không nhận được vaccine thông qua Covax do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, nhưng tình hình được cải thiện vào tháng 7 và tháng 8.

Mặc dù nguồn cung cho châu Phi đã tăng lên, Liên minh Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) cho biết các lô vaccine đến nay vẫn được giao "đột xuất, ít được báo trước và hạn sử dụng ngắn".

Sau vài tháng chờ đợi mòn mỏi, nhiều nước, trong đó có Nam Phi, bỗng nhiên được tiếp nhận ồ ạt vài triệu liều cùng lúc, gây quá tải cho hạ tầng bảo quản cùng hệ thống y tế vốn hạn chế về năng lực, đồng thời khiến công tác lập kế hoạch tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức nghiên cứu Airfinity cho biết trong vài tháng qua, Nam Phi đã nhận 32,5 triệu liều vaccine, dù dân số trưởng thành của nước này là khoảng 40 triệu người. Toàn châu Phi, nơi có dân số hơn 1,2 tỷ người, đã nhận được 384 triệu liều.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 tại Soweto, Nam Phi, hôm 17/2. Ảnh: Reuters.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 tại Soweto, Nam Phi, hôm 17/2. Ảnh: Reuters.

Nguồn cung vaccine về nhiều đến mức Bộ Y tế Nam Phi tuần trước phải thông báo tạm ngừng nhận thêm vì đã dự trữ quá nhiều. Theo một quan chức, Nam Phi hiện có 16,8 triệu liều vaccine lưu trong kho. Vài nước châu Phi đã phải vứt bỏ một phần vaccine vì hết hạn, hoặc không có kho bảo quản đủ tiêu chuẩn đối với những loại như của Pfizer, đòi hỏi được trữ trong tủ đông sâu.

Ron Whelan, người đứng đầu nhóm chuyên trách Covid-19 của công ty bảo hiểm Discovery, đơn vị tham gia triển khai tiêm chủng tại Nam Phi, cho biết nước này không thiếu kho dự trữ đáp ứng tiêu chuẩn, nhưng lại vướng nhiều vấn đề khác khiến công tác tiêm chủng bị đình trệ và không thể tiếp nhận thêm vaccine.

Theo Whelan, các yếu tố ảnh hưởng quan trọng bao gồm tâm lý ngần ngại vaccine, thái độ thờ ơ của người dân và những rào cản về hậu cần, khi nhiều người không thể di chuyển đến địa điểm tiêm chủng. Ông cho biết công suất tối đa trong chương trình tiêm chủng của Nam Phi là khoảng 211.000 liều mỗi ngày. Đến tháng 9, tỷ lệ này giảm xuống còn 110.000 liều mỗi ngày.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla chỉ ra rằng tin giả đang khiến người dân, đặc biệt là các nhóm người trẻ, thiếu tin tưởng vào vaccine. Những thông tin sai lệch, hoặc tình trạng thiếu tin tích cực, gieo rắc nỗi sợ hãi về mức độ an toàn khi tiêm chủng, dù thực tế cho thấy các biến chứng nghiêm trọng cực kỳ hiếm.

Cùng với sự thật là những người đã tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus, một bộ phận dân Nam Phi tin rằng vaccine không hiệu quả, mà không để ý đến yếu tố vaccine giúp giảm mức độ diễn tiến nghiêm trọng của Covid-19, ngăn nhập viện và tử vong ở hầu hết những người được tiêm.

Khả năng tiếp cận vaccine của người dân cũng là yếu tố quan trọng cản trở công tác tiêm chủng. Theo một báo cáo được gửi lên Bộ Y tế Nam Phi, tại khu vực tây bắc đất nước, nhiều người dân vùng nông thôn rất khó di chuyển đến điểm tiêm chủng.

Sarah Downs, nhà nghiên cứu về vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Wits ở thành phố Johannesburg, cho biết các địa điểm tiêm chủng không được thiết lập tại khu vực cư trú của người dân, trong khi hệ thống giao thông công cộng lạc hậu ở nhiều nơi gây trở ngại và tốn kém khi di chuyển. Một số người còn hiểu lầm rằng họ phải trả tiền để được tiêm.

Nhà Trắng hôm 29/11 cho biết một số cơ quan liên bang đang làm việc với các chuyên gia và tổ chức châu Phi nhằm cung cấp nguồn lực, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để tăng khả năng tiếp cận vaccine tại châu lục này. Mỹ đã cung cấp hơn 273 triệu USD cho các nước miền nam châu Phi thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế của nước này, bao gồm gần 12 triệu USD để cung cấp và phân phối vaccine.

"Nguồn cung vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng đã đến lúc hướng sự chú ý sang công tác vận chuyển vaccine", Amanda Glassman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu của Mỹ, nhận định. Glassman cho rằng cần chú trọng hơn vào số lượng vaccine hiện có và cách vận chuyển, phân phối chúng đến người cần tiêm.

Một khảo sát của Đại học Johannesburg cho thấy người da trắng ở Nam Phi có thái độ ngần ngại tiêm chủng hơn so với người da màu, nhưng lại là những người có cơ hội tiêm cao hơn, do dễ tiếp cận với dịch vụ y tế hơn.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác tại châu Phi lại không vấp phải những trở ngại này và tiến hành chiến dịch tiêm chủng khá thuận lợi, dù nguồn cung hạn chế. Khảo sát tại Botswana, láng giềng của Nam Phi, cho thấy 76% người dân nước này chấp nhận tiêm vaccine, giúp họ tiêm chủng nhanh và đề nghị thế giới cung cấp thêm vaccine.

Dù chưa rõ nguồn gốc chính xác của biến chủng Omicron cũng như mức độ lây truyền và khả năng né tránh vaccine của nó, các chuyên gia dịch tễ quốc tế đều cho rằng các biến chủng nCoV là hậu quả dễ dự đoán của tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu.

"Khi vẫn còn lượng lớn người chưa được tiêm chủng, nCoV vẫn có cơ hội đột biến và tiếp tục lây lan", tiến sĩ Michael Saag, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama, nhận định. "Biến chủng xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian và nếu tình trạng này càng kéo dài, nguy cơ càng tăng".

Ánh Ngọc (Theo Washington Post, BBC)

Adblock test (Why?)

Triều Tiên cảnh báo 'mây đen hạt nhân' vì AUKUS

Triều Tiên chỉ trích liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, cho rằng nó có nguy cơ gây chiến tranh hạt nhân, đe dọa hòa bình thế giới.

"Cộng đồng quốc tế nên cẩn trọng với AUKUS, vì nó có thể mang mây đen chiến tranh hạt nhân đến với thế giới. Lo ngại bắt nguồn từ thực tế Australia sẽ tiếp nhận công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ, quốc gia gây chiến tranh và xâm lược nhiều nhất thế giới", Hiệp hội Triều - Á viết trong bài xã luận đăng trên website của Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm qua.

Bài viết cũng chỉ trích liên minh AUKUS là "công cụ chiến tranh" của Mỹ và có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình thế giới.

Từ dưới lên, tàu ngầm USS Santa Fe của Mỹ di chuyển theo đội hình cùng tàu ngầm HMAS Collins, HMAS Farncomb, HMAS Dechaineux và HMAS Sheean của Australia tháng 2/2019. Ảnh: RAN.

Tàu ngầm Mỹ (dưới) di chuyển theo đội hình cùng tàu ngầm Australia hồi tháng 2/2019. Ảnh: RAN.

Australia hôm 16/9 quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận AUKUS. Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho một quốc gia kể từ sau lần chuyển giao cho Anh vào năm 1958.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên hồi tháng 9 cảnh báo thỏa thuận tàu ngầm của Australia với Mỹ và Anh sẽ khơi mào chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á - Thái Bình Dương. "Đây là những hành động cực kỳ nguy hiểm và không được mong đợi, sẽ làm đảo lộn cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khơi mào chạy đua vũ trang hạt nhân", cơ quan này cho hay.

AUKUS được đánh giá là một phần nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đối phó Trung Quốc trỗi dậy. Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối thỏa thuận an ninh này.

Quan hệ giữa chính quyền Biden với Triều Tiên lạnh nhạt hơn so với thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng có một số hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, các hội nghị này không giải quyết được vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Thái độ lá mặt lá trái của Mỹ ngày càng rõ nét hơn sau khi chính quyền mới làm xói mòn các quy tắc và trật tự quốc tế, vốn được chấp nhận rộng rãi, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của thế giới", quan chức Triều Tiên cho biết hồi tháng 9, khẳng định nước này sẽ đáp trả tương xứng nếu AUKUS tác động tiêu cực đến an ninh của Bình Nhưỡng.

Vũ Anh (Theo Yonhap)

Adblock test (Why?)

Abe: Mỹ, Nhật sẽ hành động nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan

Cựu thủ tướng Nhật Abe khẳng định liên minh Nhật Bản và Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn nếu Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan.

"Tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản, do đó cũng là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật - Mỹ. Người dân Bắc Kinh, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, không bao giờ được hiểu sai về điều này", cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chính sách Đài Loan tổ chức hôm nay.

Theo Abe, quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và các đảo Sakishima, Yonaguni của Nhật chỉ cách Đài Loan 100 km. Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào đảo Đài Loan sẽ là mối nguy lớn đối với Nhật.

Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm đền chiến tranh Yasukuni ở Tokyo hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm đền chiến tranh Yasukuni ở Tokyo hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản là nơi đặt các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, trong đó có đảo Okinawa ở phía nam, cách Đài Loan chặng bay ngắn và đóng vai trò quan trọng với hành động của Washington trong khu vực.

Ông Abe từ chức thủ tướng năm ngoái, nhưng vẫn là người có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

"Một Đài Loan mạnh hơn, thịnh vượng và đảm bảo tự do, nhân quyền cũng là lợi ích của Nhật Bản. Tất nhiên, điều này cũng vì lợi ích của toàn thế giới", ông nói tại diễn đàn.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Căng thẳng eo biển Đài Loan liên tục gia tăng sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc" trở thành lãnh đạo Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân quanh đảo Đài Loan, đồng thời điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo. Đợt áp sát dày đặc nhất diễn ra hồi đầu tháng 10 với khoảng 150 máy bay tham gia.

Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng là bên cung cấp vũ khí lớn nhất cho hòn đảo. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước nói rằng Mỹ và các đồng minh sẽ "hành động" nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng đối với đảo Đài Loan.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Nga sắp biên chế 'siêu tên lửa' cho chiến hạm

Putin cho biết tên lửa siêu vượt âm mới cho tàu chiến, với tốc độ Mach 9, sẽ được Nga biên chế năm 2022, nhưng không nêu tên vũ khí.

"Chúng ta đã phóng thử thành công và sẽ đưa vào biên chế tên lửa siêu vượt âm phóng từ tàu chiến từ năm sau. Nó sẽ đạt tốc độ Mach 9 (gấp 9 lần vận tốc âm thanh)", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu hôm qua. "Thời gian tên lửa bay tới mục tiêu là 5 phút".

Putin nói thêm rằng nếu một đòn tấn công tên lửa được phát động từ trên lãnh thổ Ukraine, quốc gia sát biên giới Nga, thời gian để tên lửa bay được tới Moskva sẽ là 7-10 phút, dài hơn thời gian tên lửa siêu vượt âm Nga giáng đòn vào những "kẻ ra lệnh tấn công".

Tên lửa siêu vượt âm Nga diệt tàu chiến cách hơn 400 km

Tên lửa Zircon rời bệ phóng trên tàu Đô đốc Gorshkov trong video công bố hôm 29/11. Video: BQP Nga.

"Hãy tưởng tượng kịch bản đó, chúng ta sẽ làm gì? Nga phải phát triển khí tài tương tự những bên đang đe dọa chúng ta. Giờ đây Nga đã làm được điều đó", Putin nói thêm, nhưng không nêu tên loại tên lửa siêu vượt âm sắp được biên chế.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/11 thông báo tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon, đánh trúng mục tiêu mô phỏng tàu chiến ở khoảng cách hơn 400 km. Tổng thống Putin hồi đầu tháng 11 cho biết quá trình thử nghiệm tên lửa Zircon sắp hoàn tất và loại vũ khí này sẽ được chuyển giao cho hải quân Nga từ năm sau.

Nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ công ty quốc phòng NPO Mashinostroyenia đã khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt tên lửa Zircon, dù các đợt bắn thử nghiệm cấp nhà nước vẫn đang diễn ra.

Hộ vệ hạm Đô đốc Gorshkov của Nga phóng thử tên lửa siêu vượt âm Zircon trên Biển Trắng tháng 12/2020. Ảnh: BQP Nga.

Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov phóng tên lửa Zircon trên Biển Trắng tháng 12/2020. Ảnh: BQP Nga.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon được cho là có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền ở khoảng cách 1.000 km với tốc độ tối đa 11.000 km/h, nhanh gấp 9 lần âm thanh. Nga dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho hàng loạt chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, nhờ khả năng dùng chung bệ phóng thẳng đứng với tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks trong biên chế hiện nay.

Nga gần đây phát triển nhiều loại vũ khí tối tân với mục tiêu giành lợi thế trong các cuộc chạy đua vũ trang hoặc xung đột với Mỹ và phương Tây. Ngoài các "siêu vũ khí" như Zircon, Nga còn chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình dùng động cơ năng lượng hạt nhân Burevestnik.

Vũ Anh (Theo TASS)

Adblock test (Why?)

Các nước lo sợ, 1 nước vẫn bình chân, tự tin tuyên bố chặn cả siêu biến thể

Khi các quốc gia trên thế giới cấp tập áp đặt lệnh cấm đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, Trung Quốc vẫn tỏ ra bình tĩnh, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

CÁC NƯỚC VỘI VÃ, TRUNG QUỐC VẪN BÌNH CHÂN

Mặc dù đã có 2 trường hợp được xác nhận là mắc siêu biến thể ở Hồng Kông, các chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào các biện pháp kiểm soát biên giới hiện có của nước này.

Phản ứng của Trung Quốc gần như không gây ngạc nhiên. Các lệnh phong tỏa biên giới của nước này được coi là nghiêm ngặt nhất trên thế giới, hầu hết người nước ngoài, từ khách du lịch đến sinh viên, đều không được cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục. Những người được phép nhập cảnh cũng như công dân Trung Quốc về nước phải trải qua ít nhất 14 ngày cách ly tập trung nghiêm ngặt. Và có thể được chính quyền địa phương kéo dài tới 28 ngày.

Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải cho biết biến thể mới sẽ "không có tác động lớn đến Trung Quốc vào thời điểm này."

Ông Zhang viết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm Chủ nhật: "Chiến lược phản ứng nhanh và năng động hiện tại của Trung Quốc có khả năng đối phó với tất cả các loại biến thể mới".

Tà tại một hội nghị ở Quảng Châu vào cuối tuần qua, Zhong Nanshan, một chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp và cố vấn của chính phủ, cho biết Trung Quốc không có kế hoạch thực hiện bất kỳ "hành động lớn" nào để đối phó với biến thể Omicron.

Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, cách tiếp cận không khoan nhượng đang được ca ngợi như một lợi thế của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại biến thể mới.

"Các quốc gia phương Tây đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh với Nam Phi, cho thấy rằng các quốc gia này đang lo sợ. Việc thiết lập một lá chắn miễn dịch chỉ dựa vào vắc-xin đã thực sự được chứng minh là một con đường rủi ro và thậm chí có thể nói là đã thất bại", Thời báo Hoàn cầu viết trong một bài xã luận hôm Chủ nhật.

TIẾP TỤC THEO ĐUỔI ZERO COVID

Bài xã luận cho biết: "Chính sách Zero Covid năng động của Trung Quốc đã bị phương Tây chỉ trích theo nhiều cách. Tuy nhiên, nếu biến thể Omicron gây ra một làn sóng tấn công mới, thì chính Trung Quốc sẽ có thể ngăn chặn một cách tốt nhất". Bài báo cũng tuyên bố Trung Quốc là "một pháo đài bất khả xâm phạm thực sự chống lại sự lây lan của virus".

Khả năng phòng thủ của Trung Quốc "bất khả xâm phạm" trước các biến thể vẫn cần thảo luận, do biến thể Delta đã nhiều lần khiến dịch tái bùng phát ở đại lục, với tần suất ngày càng tăng và thời gian kéo dài hơn.

Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu và hàng loạt lệnh cấm đi lại liên quan đến biến thể Omicron rất có thể khiến dư luận ủng hộ duy trì cách tiếp cận Zero Covid.

Một nghiên cứu của các nhà toán học tại Đại học Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc có thể phải đối mặt với hơn 630.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày nếu nước này bỏ các biện pháp cấm đi lại.

Trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố trên tạp chí China CDC Weekly, các nhà toán học đã đánh giá kết quả tiềm năng nếu Trung Quốc áp dụng chiến thuật kiểm soát đại dịch tương tự như các nước như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel.

Theo nghiên cứu, nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược đại dịch của Mỹ, số ca mắc mới hàng ngày của họ sẽ đạt ít nhất 637.155.

Báo cáo cho biết: "Các ước tính cho thấy khả năng thực sự của một đợt bùng phát khổng lồ, gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng cho hệ thống y tế".

"Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa sẵn sàng để áp dụng các chiến lược mở cửa chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch bầy đàn do tiêm chủng do một số nước phương Tây đưa ra", báo cáo viết.

Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại CDC của Trung Quốc, đã nhanh chóng chia sẻ những phát hiện tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào Chủ nhật, gọi chính sách ngăn chặn không khoan nhượng của Trung Quốc là "vũ khí ma thuật" để kiểm soát đại dịch.

Trong khi thừa nhận rằng có "một số ý kiến ​​khác nhau" đối với cách tiếp cận trong cộng đồng, Wu nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn không khoan nhượng và các hạn chế biên giới là hoàn toàn cần thiết trong những tháng tới.

"Chúng ta phải kiên trì theo đuổi, ít nhất là trong suốt mùa đông này và mùa xuân", ông nói.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/31hbYij

Adblock test (Why?)

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: "Kinh hoàng"

Âm mưu và kế hoạch bài bản của người phụ nữ này khiến cảnh sát bị "quay như chong chóng".

Ly hôn, tan vỡ hạnh phúc gia đình là điều chẳng ai trên đời này mong muốn. Tuy là chuyện buồn nhưng với nhiều người nó là một sự kết thúc, giải thoát để bắt đầu lại từ đầu, tìm kiếm hạnh phúc thực sự. Vậy mà, đối với Heather Strube (25 tuổi), ly hôn lại trở thành căn nguyên khiến cô mất mạng.

Phát đạn chí mạng

Sau thời gian ngắn chung sống, Heather và chồng Steven đã xảy ra cãi vã đến mức không thể hàn gắn và quyết định đường ai nấy đi. Trong thời gian chờ tòa giải quyết đơn ly hôn và tuyên bố người được quyền nuôi cậu con trai chung Carson (18 tháng tuổi), cặp đôi tự thỏa thuận sẽ chia nhau thời gian ở bên con. Tức Heather chăm con khoảng 1 tuần thì lại chuyển cho Steven.

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-1

Hình ảnh nạn nhân Heather Strube (25 tuổi).

Như thường lệ, vào khoảng 18h ngày 26 tháng 4 năm 2009, Heather và Steven gặp nhau tại bãi gửi xe một siêu thị thuộc thành phố Snellville, bang Georgia (Mỹ), để Heather đón con về nhà mình.

Họ gặp nhau trong chốc lát, Steven mang con đến rồi rời đi lập tức. Bé Carson được đưa vào ngồi trong xe ô tô một cách an toàn. Nhân chứng cho biết khi ấy trời vẫn còn sáng nên họ nhìn rõ Steven rời đi. Tuy nhiên, ngay sau đó, một người trông dáng vẻ giống đàn ông đã đến gặp Heather và tranh cãi với cô và còn can ngăn không cho cô bước lên xe. Thế rồi điều không tưởng đã xảy ra: Kẻ đó đã bắn thẳng vào đầu Heather. Người mẹ trẻ gục chết ngay trước mắt con trai nhỏ.

Sĩ quan cảnh sát tên Neil Carter của Sở cảnh sát Snellville nói với chương trình "Killer Motive", phát sóng vào các ngày thứ Bảy trên kênh Oxygen: "Mọi người rất hoảng loạn khi chứng kiến cảnh tượng ấy. Vào thời điểm đó, Neil mới chỉ là một nhân viên mới, anh nhớ lại và miêu tả cảnh tượng người mẹ trẻ chết trên mặt đất bằng 2 chữ "kinh hoàng".

Camera giám sát bên ngoài siêu thị chỉ ghi lại được hình ảnh hung thủ rời khỏi hiện trường. Các nhân chứng cho biết kẻ giết người có thể đã đội tóc giả và để ria mép giả. Băng ghi hình cho thấy kẻ nổ súng có dáng đi lạ với những bước chân rất dài, chân bước phía trước thẳng ở đầu gối. Các nhà chức trách sau đó đã công bố bản phác thảo chân dung kẻ nổ súng là một gã đàn ông, dáng dong dỏng từ 1m67 tới 1m76, để ria, tóc bù xù nhưng có thể là tóc giả.

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-2

Hình ảnh về kẻ xả súng do camera ghi lại được.

Chó cảnh sát được đưa tới hiện trường để lần theo hung thủ nhưng nhanh chóng bị mất dấu.

Cảnh sát tin rằng kẻ xả súng đã lên một chiếc xe đậu ở khu vực vắng vẻ và lái đi. Họ cũng cho rằng tội ác đã được lên kế hoạch cẩn thận từ trước, và không có vẻ như Heather bị nhắm mục tiêu một cách ngẫu nhiên. 

Họ bắt đầu cuộc điều tra bằng cách thu hẹp các đối tượng tình nghi xuống còn hàng chục người, bao gồm những người biết rõ rằng Heather và Steven thường xuyên gặp nhau ở bãi đậu xe của siêu thị để trao đổi việc chăm sóc con nhỏ.

Mặc dù họ biết rằng Steven đã được nhìn thấy lái xe khỏi hiện trường vụ án ngay trước khi vụ nổ súng xảy ra, nhưng các điều tra viên vẫn thẩm vấn anh ta. Steven, người từng bị bắt vì ăn trộm và thời điểm đó đang bị quản chế, đã tỏ ra khá căng thẳng trong cuộc thẩm vấn. Anh ta giải thích rằng sau khi rời khỏi chỗ Heather, anh ta đã đi rửa xe rồi đến gặp bạn gái. Chứng cứ ngoại phạm của anh ta đã được kiểm tra, nhưng các nhà điều tra không loại trừ khả năng Steven đã thuê người giết vợ.

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-3

Heather và con trai nhỏ.

Kẻ giết người không ngờ

Có một điều trùng hợp xảy ra là đúng vào lúc xảy ra vụ án, một tài xế xe tải đang dùng ống nhòm để quan sát từ một khách sạn gần đó. Với kinh nghiệm của bản thân, anh ta nhanh chóng ghi nhớ được đặc điểm của chiếc xe bán tải màu trắng mà hung thủ sử dụng. Anh ta khẳng định có thể nhận ra chiếc xe nếu nhìn thấy lần nữa. Trùng hợp thay, mẹ chồng của nạn nhân, tức bà Joanna Hayes, 45 tuổi, cũng có một chiếc xe như thế và tài xế xe tải nhanh chóng khẳng định đó là chiếc xe anh nhìn thấy rời khỏi hiện trường.

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-4

Hình ảnh phác thảo thủ phạm.

Tuy nhiên, khi bị cảnh sát thẩm vấn, bà Hayes đã xuất trình biên lai của một quán ăn nhanh cách siêu thị nơi xảy ra vụ án vài chục km để làm bằng chứng ngoại phạm.

Khi điều tra sâu hơn về người phụ nữ này, cảnh sát nhận ra bà ta luôn muốn tận tay chăm sóc cháu nội và việc vợ chồng con trai ly hôn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến điều đó. Tại thời điểm này, cảnh sát đã lên chiến lược và quyết định “gây áp lực” để phá vụ án. 

Vào ngày 5 tháng 5 năm 2009, họ cho Steven xem đoạn video cho thấy cảnh nghi phạm xuất hiện ở bãi đậu xe. Steven đã rất run khi nhận ra người trong video và xác định người đó chính là mẹ ruột của mình.

Steven sẵn sàng đồng ý giúp các nhà điều tra bằng cách gọi cho mẹ mình để xem liệu bà có nói về vụ giết người hay không. Trong bản ghi âm cuộc gọi, người ta có thể nghe thấy tiếng Steven nói: "Có vẻ như đó là mẹ... dáng đi bộ giống hệt mẹ".

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-5

Mẹ anh hỏi anh liệu anh có nói với chính quyền điều tương tự không. Bà Hayes phủ nhận và hỏi con trai có nói như thế với nhà chức trách hay không. Khi con trai nói có, Hayes nói sẽ chờ đợi được cảnh sát thẩm vấn.

Ngày 6/5/2009, bà Hayes bước vào phòng thẩm vấn nhưng kiên quyết phủ nhận gây án. Hơn 5 tháng sau, bà ta lại tiếp tục được thẩm vấn một lần nữa nhưng thái độ vẫn không thay đổi.

Hayes vẫn không thay đổi thái độ khi bị phỏng vấn lại vào ngày 29 tháng 10 năm 2009, nhưng gần 8 tháng sau khi gây án, Hayes bị bắt và bị buộc tội giết người vào tháng 12 năm 2009. 

Phiên tòa bắt đầu vào ngày 4 tháng 5 năm 2011, nhưng các công tố viên không có trong tay vũ khí giết người hoặc thậm chí cả bộ tóc giả mà Hayes được cho là đã đội.

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-6

Không muốn con dâu được quyền nuôi con sau ly hôn, mẹ chồng nghĩ kế trừ khử khiến cảnh sát miêu tả hiện trường bằng 2 chữ: Kinh hoàng-7

Tuy nhiên, những gì họ có là đoạn video ghi lại phản ứng và cảm xúc của Steven khi anh ta nhìn thấy kẻ tình nghi trong video trung tâm mua sắm và ngay lập tức xác định kẻ xả súng là mẹ của anh ta. 

Theo các nhà điều tra, biên lai quầy bar bán đồ ăn nhanh mà Hayes đưa ra như một bằng chứng ngoại phạm đã phản bác lời khai của bà ta. Nó thực sự cho thấy rằng bà ta hoàn toàn có đủ thời gian để thực hiện vụ giết người và đến điểm bán đồ ăn nhanh. 

Các công tố viên cũng có bằng chứng thuyết phục để giải thích cho hành động giết người của Hayes. Đó là Carson. "Bà ta muốn sở hữu cháu nội theo điều kiện của bà ta", Christa Kirk, cựu trợ lý luật sư quận Gwinnett, nói.

Bồi thẩm đoàn đã bị thuyết phục. Hayes bị kết tội giết người vào ngày 27 tháng 5 năm 2011. Bà ta bị kết án tù chung thân, với khả năng được ân xá sau 30 năm. Bà ta kháng cáo nhưng bị bác bỏ vào năm 2013.

THEO PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC 

Adblock test (Why?)

Hàn Quốc phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron

Putin nói vũ khí siêu vượt âm Mỹ vượt mặt Trung Quốc

Putin cho rằng Mỹ đang đi trước Trung Quốc về vũ khí siêu vượt âm, dù không đưa ra những tuyên bố ồn ào về vấn đề này.

"Chúng tôi đã chứng kiến phản ứng của Mỹ với vụ thử vũ khí siêu vượt âm gần đây của Trung Quốc", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại diễn đàn đầu tư "Nước Nga vẫy gọi" hôm qua. "Nhưng chúng tôi biết rằng Mỹ đang đi trước một chút trong phát triển vũ khí siêu vượt âm. Họ chỉ đơn giản là không nói về việc đó và không ai gây ồn ào về nó".

Tuyên bố được Putin đưa ra một tháng sau khi Trung Quốc bị nghi thử tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay vòng quanh Trái Đất. Truyền thông Mỹ dẫn lời một số quan chức nói rằng họ "bất ngờ" với tiến bộ này của Trung Quốc.

Phó tư lệnh Quân chủng Vũ trụ Mỹ David Thompson hôm 20/11 cho rằng năng lực vũ khí siêu vượt âm của nước này "không tiên tiến" như các chương trình do Nga và Trung Quốc phát triển, cảnh báo Washington đang tụt hậu so với các đối thủ trong cuộc đua phát triển vũ khí tối tân.

Nga hôm 18/11 cũng thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm của Mỹ trong tháng 10 đều được cho là đã thất bại.

Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga coi trọng đối thoại về ổn định chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. "Chúng tôi tính đến bảo đảm an ninh quốc gia và hợp tác với các đối tác theo hướng quan trọng với đất nước. Một ví dụ là cần đối thoại về ổn định chiến lược với Mỹ và Trung Quốc", ông nói.

Mỹ và Trung Quốc chưa bình luận về tuyên bố của Putin.

Tên lửa mang phương tiện lướt siêu vượt âm rời bệ phóng ở Cơ sở Thử nghiệm Tên lửa Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii tháng 3/2020. Ảnh: US Navy.

Tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm của Mỹ phóng thử ở Hawaii tháng 3/2020. Ảnh: US Navy.

Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h, có khả năng di chuyển phức tạp và chuyển hướng trong khi bay. Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống.

Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa hoặc phương tiện lướt siêu vượt âm nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Washington.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cuối tháng 10 đánh giá Washington chậm chân hơn Moskva và Bắc Kinh vì vũ khí siêu vượt âm Mỹ không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. "Điều này khiến vũ khí Mỹ cần có độ chính xác cao hơn nhiều, đặt ra nhiều thách thức phát triển so với những hệ thống trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga và Trung Quốc", CRS cho hay.

Vũ Anh (Theo TASS)

Adblock test (Why?)

Phơi nắng bé gái tới chết, cựu thành viên IS lĩnh án chung thân

ĐứcCựu thành viên IS Taha Al-J bị kết án chung thân vì bắt một bé gái 5 tuổi người Yazidi phơi nắng đến chết.

Tòa án Frankfurt, Đức, hôm 30/11 kết tội Taha Al-J, 29 tuổi, về các tội ác chống loài người, tội ác chiến tranh và tổn hại thân thể dẫn tới thiệt mạng. Ngoài bản án chung thân, Taha Al-J còn phải bồi thường 50.000 euro (hơn 56.000 USD) cho gia đình nạn nhân.

Chủ tọa phiên tòa Christoph Koller tuyên bố đây là vụ kết án đầu tiên trên thế giới vì tội danh diệt chủng liên quan tới cuộc đàn áp có hệ thống của IS đối với nhóm thiểu số tôn giáo Yazidi.

Cựu thành viên IS Taha Al-J. (che mặt) tại phiên tòa ở Frankfurt, Đức, hôm 30/11. Ảnh: NY Times.

Cựu thành viên IS Taha Al-J. (che mặt) tại phiên tòa ở Frankfurt, Đức, hôm 30/11. Ảnh: NY Times.

Al-J năm 2015 mua một phụ nữ Yazidi và con gái 5 tuổi của cô, Reda, làm nô lệ tại một căn cứ IS ở Syria. Y buộc hai mẹ con bé Reda phải "giữ nhà và sống theo các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt", không cho họ ăn đủ no và thường xuyên đánh đập để trừng phạt.

Tháng 8/2015, do bé Reda tiểu tiện ra giường, Al-J đã xích em dưới cái nắng gay gắt 50 độ C, khiến cô bé thiệt mạng.

"Đây là thời khắc người Yazidi đã chờ đợi từ lâu. Cuối cùng sau 7 năm, họ đã được nghe thẩm phán tuyên bố những điều họ phải chịu đựng chính là tội diệt chủng. Họ đã được chứng kiến một gã đàn ông phải đối mặt trước công lý vì khiến một bé gái Yazidi thiệt mạng", luật sư Amal Clooney của mẹ bé gái Reda nói.

Al-J là công dân Iraq, bị bắt ở Hy Lạp năm 2019 và bị dẫn độ sang Đức. Vợ của y là Jennifer W., công dân Đức, bị bắt ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 khi đang cố gia hạn giấy tờ tùy thân tại đại sứ quán Đức và bị trục xuất về nước. Jennifer W. trước đó đã bị kết án 10 năm tù vì bỏ mặc bé Reda.

Ngọc Ánh (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đi nổi qua eo biển Đài Loan

Một tàu ngầm hạt nhân lớp Type-094 của hải quân Trung Quốc đi nổi qua eo biển Đài Loan, hoạt động được các chuyên gia nhận định là "bất thường".

Ảnh vệ tinh chụp ngày 29/11 được chuyên gia H.I. Sutton của Viện Hải quân Mỹ (USNI) công bố cho thấy một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đi nổi qua eo biển Đài Loan cùng một tàu hộ tống khác.

"Con tàu để lại phía sau vệt nước đặc trưng của một tàu ngầm với mũi tròn. Chiều dài và bối cảnh liên quan cho thấy đây là tàu ngầm Type-094", Sutton nhận định, cho rằng con tàu đang xuất phát từ căn cứ hải quân Du Lâm nằm trên đảo Hải Nam và tiến về phía bắc qua ngả eo biển Đài Loan.

Sutton cho rằng đây là một chuyến quá cảnh thông thường khi các tàu ngầm Trung Quốc cần quay lại nhà máy đóng tàu trên biển Bột Hải ở phía bắc để sửa chữa hoặc đại tu.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự khác nhận định một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đi nổi là điều bất thường, đặc biệt với tàu ngầm lớp Type-094 tiên tiến của hải quân Trung Quốc.

Tàu ngầm được cho là Type-094 của hải quân Trung Quốc cùng tàu hộ tống đi qua eo biển Đài Loan trong ảnh vệ tinh công bố ngày 29/11. Ảnh: Sentinel Hub.

Tàu ngầm được cho là Type-094 của hải quân Trung Quốc cùng tàu hộ tống đi qua eo biển Đài Loan trong ảnh vệ tinh công bố ngày 29/11. Ảnh: Sentinel Hub.

Tàu ngầm Type-094 mang tên lửa đạn đạo với tầm bắn 7.000 km, đủ sức đánh trúng khu vực phía đông bắc nước Mỹ. Hải quân Trung Quốc hồi tháng 4 biên chế tàu ngầm Type-094A, được cho là mang tên lửa đạn đạo JL-3 với tầm bắn hơn 10.000 km và uy lực lớn hơn.

"Vũ khí Type-094 mang theo được thiết kế để nhắm vào Mỹ", chuyên gia Antony Wong Tong tại Macau nhận định. "Tàu ngầm thường không đi nổi trên mặt nước, trừ khi quân đội Trung Quốc muốn mọi người nhìn thấy nó".

Cùng ngày tàu ngầm Type-094A đi nổi qua eo biển Đài Loan, một máy bay tuần thám săn ngầm P-8 của hải quân Mỹ bay qua khu vực, theo Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh. Chiếc P-8 của Mỹ bay cách thành phố Phúc Châu khoảng 30 km, nơi các nhóm máy bay quân sự Trung Quốc xuất phát áp sát đảo Đài Loan.

Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS.

Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS.

Chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định tàu ngầm Trung Quốc đi nổi qua eo biển Đài Loan "có thể hiểu là tín hiệu răn đe Mỹ về vấn đề Đài Loan", đồng thời khẳng định quân đội Mỹ giám sát chặt chẽ con tàu.

Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện của lực lượng phòng vệ Đài Loan, cho biết một tàu ngầm hạt nhân chiến lược đi nổi là điều bất thường khi máy bay và vệ tinh Mỹ giám sát khu vực. "Có thể điều gì đó xảy ra với tàu ngầm Type-094 này, buộc chiến hạm phải đi nổi vì cần thiết và an toàn hơn", ông Lã nói.

Chuyên gia Chu Thần Minh tại Bắc Kinh cho biết eo biển Đài Loan có địa hình phức tạp cùng núi lửa ngầm đang hoạt động, vốn không thân thiện với tàu ngầm. Chuyên gia cho biết tàu ngầm Trung Quốc thường di chuyển qua eo biển Ba Sĩ và Miyako khi đi từ nam lên bắc hoặc ngược lại.

"Đi qua eo biển Đài Loan sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho tàu ngầm trên đường đến nhà máy đóng tàu Bột Hải để nâng cấp hoặc đại tu", ông Chu nói.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân quanh đảo Đài Loan, đồng thời thường xuyên điều máy bay áp sát hòn đảo.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Ca Covid-19 Hàn Quốc cao chưa từng thấy

Hàn Quốc ghi nhận hơn 5.000 ca mới một ngày, mức cao nhất từ khi đại dịch bùng phát, trong bối cảnh giới y tế lo ngại biến chủng Omicron lây lan toàn cầu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 5.123 ca Covid-19, trong đó có 5.075 ca trong cộng đồng, nâng tổng ca nhiễm lên 452.350. Đây là lần đầu tiên ca nhiễm hàng ngày ở Hàn Quốc vượt 5.000, mức cao nhất hàng ngày trước đó được ghi nhận vào 24/11 với 4.115 ca.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 34 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 3.658. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc là 0,81%.

Số ca Covid-19 nặng cũng tăng cao chưa từng thấy với 723 trường hợp, đánh dấu lần đầu tiên vượt mức 700. Mức cao kỷ lục hàng ngày trước đó được ghi nhận hôm 30/11 với 661 trường hợp.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người đàn ông tại trung tâm xét nghiệm ở Seoul, Hàn Quốc hôm 24/11. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người đàn ông tại trung tâm xét nghiệm ở Seoul, Hàn Quốc hôm 24/11. Ảnh: AFP.

Ca nhiễm tăng kỷ lục trong bối cảnh biến chủng Omicron xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặt Hàn Quốc vào tình trạng cảnh giác cao độ. Nước này hôm qua ghi nhận ca nghi nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên và giới chức y tế cho biết cần xét nghiệm thêm để biết chính xác.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul hôm 30/11, Bộ trưởng Nội vụ Jeon Hae-cheol nói rằng chính phủ đang cân nhắc các biện pháp bổ sung sau khi quyết định ngừng nới lỏng thêm quy định giãn cách xã hội.

KDCA trước đó cho biết mức độ rủi ro đại dịch, hệ thống đánh giá 5 cấp được giới thiệu tuần trước nhằm đánh giá mức độ rủi ro Covid-19, đã đạt mức cao nhất ở vùng thủ đô Seoul. Theo giới chức y tế, Hàn Quốc không thể chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch "sống chung với Covid-19" bắt đầu vào đầu tháng này.

Ban đầu, Hàn Quốc có kế hoạch nới lỏng hơn nữa các hạn chế ngăn virus lây lan vào giữa tháng 12, sau 4 tuần của giai đoạn đầu kế hoạch "sống chung với Covid-19", để dần trở lại cuộc sống bình thường.

Huyền Lê (Theo Yonhap)

Adblock test (Why?)

Vợ trùm ma túy 'El Chapo' lĩnh án ba năm tù

Emma Coronel Aispuro, vợ trùm ma túy khét tiếng Mexico 'El Chapo', bị một thẩm phán Mỹ kết án ba năm tù vì tội buôn ma túy và rửa tiền.

Bản án được đưa ra hôm 30/11 tại một tòa án liên bang ở Washington, Mỹ, nhẹ hơn so với mức 4 năm tù được các công tố viên đề nghị. Thẩm phán Rudolph Contreras cho biết bên cạnh ba năm tù, Emma Coronel Aispuro sẽ phải trả 1,5 triệu USD theo một thỏa thuận bồi thường được nhất trí trước phiên xét xử.

Các công tố viên và luật sư bào chữa cho Coronel cho biết bị cáo 32 tuổi không tham gia vào hoạt động làm ăn chính của Sinaloa, một trong những băng đảng buôn ma túy lớn nhất và bạo lực nhất Mexico do Joaquin Guzman, hay còn gọi là "El Chapo", điều hành từ năm 1989 đến 2014.

Emma Coronel Aispuro, vợ trùm ma túy Mexico El Chapo, tại New York, Mỹ, hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters.

Emma Coronel Aispuro, vợ trùm ma túy Mexico "El Chapo", tại New York, Mỹ, hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters.

"Vai trò trên thực tế của bị cáo không đáng kể. Bị cáo không phải thủ lĩnh, người tổ chức, cấp trên hay nắm vị trí quản lý nào. Thay vào đó, cô ta là mắt xích trong hệ thống rất rộng lớn của một tổ chức tội phạm", công tố viên Anthony Nardozzi nói trước tòa, đồng thời lưu ý Coronel từng đóng vai trò chủ chốt giúp chồng mình trốn khỏi một nhà tù của Mexico.

Tuy nhiên, Nardozzi cho biết Coronel "đã lựa chọn chịu trách nhiệm vì hành động của mình" ngay sau khi bị bắt. Thẩm phán Contreras cũng ghi nhận rằng Coronel mới ở tuổi thiếu niên khi kết hôn với "El Chapo", đồng thời tỏ thái độ sẵn sàng nhận tội sau khi bị bắt hồi tháng 2.

Coronel, một cựu hoa hậu Mexico, đã gửi lời xin lỗi trước tòa. "Tôi bày tỏ sự hối hận thực sự về tất cả những tổn hại mà tôi có thể đã gây ra. Tôi đang phải gánh chịu hậu quả từ nỗi đau mà tôi đã gây ra cho gia đình mình", cô cho hay, đồng thời xin phép tòa để được nuôi hai con gái sinh đôi 9 tuổi của mình.

Sau khi tuyên án, thẩm phán Contreras chúc Coronel may mắn. "Tôi hy vọng bạn sẽ nuôi dạy cặp song sinh trong một môi trường khác với những gì bạn từng trải qua", thẩm phán nói.

Coronel, người mang hai dòng máu Mỹ và Mexico, kết hôn với "El Chapo" hồi năm 2007 và có hai con gái sinh đôi. "El Chapo" bị bắt ở Mexico năm 1993 và hai lần vượt ngục thành công vào năm 2001 và 2014. Năm 2016, Mexico bắt được trùm ma túy này và dẫn độ sang Mỹ, nơi y bị kết án tù chung thân vào tháng 7/2019.

Ánh Ngọc (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Mắc kẹt trong cuộc chiến phản gián Hàn - Triều

Song Chun-son nói rằng cô đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc với mong ước có một cuộc đời mới, nhưng mọi chuyện diễn ra không như kế hoạch.

Song Chun-son cho biết trước khi đào tẩu năm 2018, cô từng là công nhân trang trại vịt và làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên. Tới Hàn Quốc, cô vừa học để trở thành nhân viên chăm sóc cho các bệnh nhân ở viện dưỡng lão, vừa làm bồi bàn bán thời gian.

Nhưng đó là trước khi các nhân viên phản gián Hàn Quốc nắm được thông tin về quá khứ của Song. Khi ở Triều Tiên, cô từng tham gia vào nỗ lực thuyết phục người đào tẩu Triều Tiên đang ở Hàn Quốc trở về nước. Hàn Quốc hồi tháng 5 bắt Song với cáo buộc giúp đỡ Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên.

Trường hợp của Song mang đến cái nhìn hiếm hoi về cuộc chiến phản gián bí mật giữa Seoul và Bình Nhưỡng, cũng như ảnh hưởng của nó với những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc như cô.

Triều Tiên được cho là luôn muốn đưa những người đào tẩu ở Hàn Quốc trở về nước bằng mọi cách, nhưng giới chức phản gián Hàn Quốc cũng quyết tâm ngăn chặn hành động này, sàng lọc cẩn thận những người đào tẩu mới đến để bắt bất kỳ ai được cho là có liên quan tới nỗ lực trên.

Tuần trước, tòa án ở thành phố Suwon, phía nam thủ đô Seoul, kết án Song ba năm tù. Thay vì tận hưởng cuộc sống mới ở Hàn Quốc, Song phải ngồi sau song sắt, mắc kẹt trong cuộc chiến phản gián giữa quê hương cũ và nơi ở mới của cô.

Bức ảnh Song Chun-son trong điện thoại của em gái. Ảnh: NY Times.

Bức ảnh Song Chun-son trong điện thoại của em gái. Ảnh: NY Times.

Hơn 33.800 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc kể từ những năm 1990. Nhưng trong thập kỷ qua, ít nhất 28 người trong số họ đã quay về quê hương. Làm thế nào và tại sao họ lại trở về là một bí ẩn lớn.

Triều Tiên đã tổ chức các cuộc họp báo để những người trở về mô tả họ đã may mắn ra sao khi thoát khỏi "địa ngục trần gian" ở Hàn Quốc.

Song đã khai trước tòa về con đường cô đến Hàn Quốc. Là người gốc Onsong, một thị trấn Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc, Song từng làm công việc môi giới, giúp những người đào tẩu ở Hàn Quốc chuyển tiền mặt cho người thân ở Triều Tiên.

Năm 2016, Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên phát hiện công việc bất hợp pháp của Song và yêu cầu cô hợp tác với các đặc vụ để chuộc lỗi. "Chị ấy phải hợp tác để sống sót, không còn lựa chọn nào khác", em gái Song, Chun-nyo, người đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2019, cho biết.

Trong phiên tòa hôm 23/11, chủ tọa Kim Mi-kyong đã bác đơn kháng cáo của Song, cho rằng cô đã hợp tác với tình báo Triều Tiên vì lợi ích cá nhân.

Song thừa nhận đã cung cấp cho Yon Chol-nam, nhân viên an ninh Triều Tiên, số điện thoại của một người Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc mà cô quen khi làm môi giới chuyển tiền. Cô cũng thừa nhận đã gọi điện cho người này để nhờ anh ta giúp đỡ Yon, nói dối rằng Yon là chồng cô và đang hỗ trợ các gia đình Triều Tiên kết nối với người thân ở Hàn Quốc.

Các công tố viên cho hay với sự giúp đỡ của người mà Song quen, Yon đã tìm được ba người đào tẩu khác ở Hàn Quốc. Yon cố gắng thuyết phục họ về nước bằng cách cho họ nói chuyện với người thân qua điện thoại.

Kang Chol-woo, một trong ba người đào tẩu này, năm 2016 cùng bạn gái, cũng là người Triều Tiên đào tẩu, quay về nước qua ngả Trung Quốc và sau đó xuất hiện trên truyền hình quốc gia Triều Tiên.

Triều Tiên gọi những người đào tẩu là "kẻ phản bội", nhưng các kênh truyền hình lại thường xuyên phỏng vấn người thân của họ. Các thành viên gia đình rơi nước mắt kêu gọi họ trở về, khẳng định mọi sai lầm đều sẽ được tha thứ.

Song Chun-nyo, em gái của Song Chun-son, người đang thụ án ba năm tù với cáo buộc giúp Triều Tiên lôi kéo những người đào tẩu trở về. Ảnh: NY Times.

Song Chun-nyo, em gái của Song Chun-son, người đang thụ án ba năm tù với cáo buộc giúp Triều Tiên lôi kéo những người đào tẩu trở về. Ảnh: NY Times.

Tháng 8/2016, Song được Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên cử đến Trung Quốc để theo dõi những người Triều Tiên rời bỏ quê hương và các nhà truyền giáo đã giúp họ đào tẩu. Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên đã đặt cho Song mật danh "hoa cúc". Nhưng hai năm sau, Song quyết định đào tẩu, chạy sang Hàn Quốc. Song khẳng định đã khai rõ với Hàn Quốc những việc cô đã làm ở Triều Tiên.

"Cô ấy nghĩ mình đã an toàn sau khi được thả khỏi trung tâm thẩm vấn để có một cuộc sống mới ở Hàn Quốc", Park Heon-hong, luật sư của Song, nói.

Nhưng cuối cùng, Song bị bắt và lĩnh án tù. Từ năm 2009 đến 2019, các quan chức phản gián Hàn Quốc bắt ít nhất 14 người Triều Tiên nhập cảnh vào Hàn Quốc với tư cách là người đào tẩu, cáo buộc họ vào nước này nhằm thực hiện các nhiệm vụ gián điệp, trong đó có đưa người đào tẩu trở lại Triều Tiên.

Tuy nhiên, cơ quan phản gián Hàn Quốc cũng từng bị cáo buộc ngụy tạo bằng chứng trong quá trình săn lùng gián điệp Triều Tiên. Năm 2016, Hàn Quốc thông báo tiếp nhận 12 nữ bồi bàn trẻ Triều Tiên và một nam quản lý, nói rằng họ đến đây tự nguyện và nhấn mạnh vụ đào tẩu là chiến thắng của Seoul trước Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, người quản lý sau đó nói rằng Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã dàn xếp với ông để đưa những cô gái này đi trái với ý muốn của họ.

"Khi đến Hàn Quốc, chị đã thú nhận những gì từng làm ở Triều Tiên để xây dựng một khởi đầu mới tại đây", Song viết trong bức thư hồi tháng 8 gửi cho em gái. "Chị bị ép làm những việc đó nhưng họ nói rằng điều này không thể giúp chị xóa tội".

"Song nghĩ rằng cô ấy đã thoát được sự kiểm soát của cơ quan an ninh Triều Tiên khi trốn sang Hàn Quốc", Jung Gwang-il, người đứng đầu No Chain, nhóm hoạt động vì người Triều Tiên đào tẩu, nói. "Nhưng điều chờ đợi cô ấy ở Hàn Quốc lại là những sĩ quan tình báo đang háo hức lập công trong cuộc chiến phản gián với Triều Tiên".

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc và Triều Tiên chưa bình luận về những thông tin này.

Vũ Hoàng (Theo NY Times)

Adblock test (Why?)

Mỹ Latinh ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên

Brazil ghi nhận hai công dân nhiễm biến chủng Omircon, trở thành những trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Mỹ Latinh.

Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 30/11 cho biết hai ca nhiễm biến chủng Omicron bao gồm một công dân Brazil bay từ Nam Phi tới Sau Paulo và vợ, người không tới Nam Phi. Đây cũng là hai ca nhiễm Omicron đầu tiên được ghi nhận ở khu vực Mỹ Latinh, làm dấy lên lo ngại biến chủng này đã lây ra toàn cầu trước khi các lệnh cấm đi lại ban hành gần đây có hiệu lực.

Y tá lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Sao Gongaclo, gần Rio de Janeiro, Brazil, hôm 4/12/2020. Ảnh: Reuters

Y tá lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Sao Gongaclo, gần Rio de Janeiro, Brazil, hồi tháng 12/2020. Ảnh: Reuters.

Người chồng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Guarulhos ở Sao Paulo hôm 23/11 và xét nghiệm âm tính với nCoV. Nhưng trước khi quay lại Nam Phi theo kế hoạch, người này và vợ nhận kết quả dương tính và mẫu bệnh phẩm được gửi đi phân tích thêm, sau đó xác định họ đã nhiễm biến chủng Omicron.

Người chồng trở về Sau Paulo trước thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố về biến chủng Omicron và Brazil dừng đón mọi chuyến bay từ Nam Phi cùng 5 quốc gia miền nam châu Phi.

Giám đốc Sở Y tế Sao Paulo Jean Gorinchteyn cho hay hai vợ chồng là người truyền giáo, không có giấy chứng nhận cho thấy họ đã tiêm chủng. Chính quyền bang đang cân nhắc lại kế hoạch nới lỏng quy định đeo khẩu trang vì hai ca nhiễm này.

Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. WHO hôm 26/11 tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại.

Giới khoa học toàn cầu đang tìm hiểu liệu biến chủng mới có đột biến đáng kể so với các chủng trước hay không, cũng như mức độ lây nhiễm, khả năng gây tử vong và tránh miễn dịch. Quá trình này dự kiến mất nhiều tuần.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp đặt lệnh cấm đi lại chủ yếu với các chuyến bay từ miền nam châu Phi, bất chấp cảnh báo của WHO rằng lệnh cấm đi lại không ngăn được biến chủng mới lây lan.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Nổ súng ở trường học Mỹ, ba người chết

Một vụ nổ súng xảy ra tại trường cấp ba ở bang Michigan, Mỹ, khiến ba người chết, 8 người bị thương và nghi phạm 15 tuổi đã bị bắt.

Michael McCabe, cảnh sát hạt Oakland, bang Michigan, cho biết họ nhận được các cuộc gọi báo cáo về vụ nổ súng tại trường cấp ba Oxford, thuộc vùng ngoại ô phía bắc thành phố Detroit, vào khoảng 12h51 ngày 30/11. "Chúng tôi nhận được hơn 100 cuộc gọi khẩn cấp", ông nói.

Lực lượng cảnh sát và dịch vụ khẩn cấp được triển khai tại trường cấp ba Oxford, hạt Oakland, bang Michigan, Mỹ, hôm 30/11. Ảnh: Detroit News.

Lực lượng cảnh sát và dịch vụ khẩn cấp được triển khai tại trường cấp ba Oxford, hạt Oakland, bang Michigan, Mỹ, hôm 30/11. Ảnh: Detroit News.

Ba nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ súng bao gồm một nam sinh 16 tuổi, cùng hai nữ sinh 14 và 17 tuổi. Trong số 8 người bị thương được cho là có một giáo viên. Hai trường hợp đang được phẫu thuật và 6 người còn lại trong tình trạng ổn định.

McCabe cho biết nghi phạm 15 tuổi là một nam sinh trong trường và đã bị bắt 5 phút sau khi giới chức tiến hành ứng phó. Phụ huynh của nghi phạm đã thuê luật sư và chưa cho phép con nói chuyện với cảnh sát.

Giới chức đã tịch thu một khẩu súng ngắn từ nghi phạm và thu thập nhiều vỏ đạn trong trường học, đánh giá 15-20 phát đạn đã được bắn. "Tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng nghi phạm hành động một mình", McCabe cho hay, nói thêm rằng giới chức đã biết cách nghi phạm mang súng vào trường, nhưng từ chối nêu chi tiết.

Gia đình của các nạn nhân đã được thông báo về vụ nổ súng. Hiện chưa rõ ba học sinh thiệt mạng có phải mục tiêu của nghi phạm hay không. "Chúng tôi đã thực hiện ba đợt rà soát trong trường để đảm bảo không còn nạn nhân nào. Chúng tôi chưa rõ động cơ và đang điều tra", McCabe nói.

"Tôi nghĩ đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với mọi phụ huynh, một thảm kịch không thể tưởng tượng nổi. Tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể vượt qua và động viên các gia đình, những đứa trẻ bị ảnh hưởng, nhân viên trường học cũng như cộng đồng này", Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer cho biết, nói thêm rằng nổ súng tại trường học là "vấn đề đặc biệt của Mỹ cần được giải quyết".

Ánh Ngọc (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Hàn Quốc phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron

Ngày 30/11, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đã phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron ở nước này trong bối cảnh Hàn Quốc siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới xâm nhập vào nước này.

Giới chức y tế Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm giải trình tự gene đối với một cặp đôi mới tới Hàn Quốc từ Nigeria và cho xét nghiệm dương tính. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo vào chiều 1/12.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc(KDCA), hai người này vốn đã hoàn thành tiêm chủng, tới Nigeria từ ngày 14 - 23/11 và có xét nghiệm dương tính vào ngày 25/11. Các xét nghiệm đang được thực hiện để xác định liệu 2 người này có nhiễm biến thể Omicron hay không.

Ngay sau khi có thông tin về ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron, Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Người phát ngôn của Tổng thống Moon Jae-in, Park Kyung-mee cho biết nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng phát triển bộ kít xét nghiệm biến thể Omicron và đưa ra chiến lược mới kiểm soát biến thể mới này.

Từ ngày 28/11, Hàn Quốc đã hạn chế cấp thị thực và hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập vào nước này. Hàn Quốc đã cùng với một loạt nước áp đặt lệnh cấm đi lại tới khu vực này.

Biến thể Omicron đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại. Mặc dù sẽ phải cần thời gian để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể này, nhưng WHO cho rằng biến thể này có nguy cơ gây tái nhiễm cao.

Theo Báo tin tức

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/3d2zBgY

Adblock test (Why?)

Việt - Nga nhất trí mở rộng hoạt động doanh nghiệp dầu khí

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí hai nước khi hội đàm tại Moskva.

Cuộc hội đàm diễn ra hôm 30/11 tại Moskva, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Năng lượng và dầu khí, một trong các trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, nằm trong những chủ đề được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Hai lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hôm 30/11. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hôm 30/11. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước và Tổng thống Putin cũng thống nhất tạo thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực cung cấp khí hóa lỏng, nhiệt điện - khí, năng lượng điện tái tạo, đồng thời đẩy nhanh dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là một trong những dự án trọng điểm giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai lãnh đạo đánh giá cao hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, truyền thông, cũng như công tác phòng chống Covid-19 thời gian qua, bao gồm những hành động chia sẻ thiết thực, hỗ trợ nhau chống dịch như trao tặng khẩu trang, vật tư y tế, vaccine.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Putin đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030, nhằm định hướng hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nga từ ngày 29/11 đến 2/12. Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, sau đó quyết định nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2001. 11 năm sau, hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ giữa hai nước được tăng cường thông qua trao đổi các phái đoàn và những cuộc gặp song phương ở mọi cấp.

Ánh Ngọc

Adblock test (Why?)

Nỗ lực lùng sục giúp Đài Loan đóng tàu ngầm hiện đại

Để chế tạo hạm đội tàu ngầm hiện đại, Đài Loan nhiều năm qua âm thầm tìm kiếm trợ giúp về công nghệ, nhân lực từ khắp nơi trên thế giới.

Lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan đang sở hữu 4 tàu ngầm được đánh giá là lạc hậu, gồm hai chiếc lớp Hải Sư được Mỹ chế tạo từ thời Thế chiến II và hai chiếc lớp Hải Long đóng vào giữa những năm 1980. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang biên chế tới 58 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân, theo dữ liệu Lầu Năm Góc.

Nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua đã tìm cách mua tàu ngầm ứng phó nguy cơ bị tấn công qua eo biển, song không bên nào đồng ý bán. Bên cung cấp vũ khí chính cho đảo Đài Loan là Mỹ, nhưng nước này từ lâu chỉ vận hành tàu ngầm năng lượng hạt nhân và không còn chế tạo tàu ngầm diesel - điện.

Tàu ngầm Hải Long (trước) và hộ vệ hạm Trịnh Hòa (sau) của lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan trong cuộc diễn tập gần căn cứ Nghi Lan năm 2018. Ảnh: Reuters.

Tàu ngầm Hải Long (trước) và hộ vệ hạm Trịnh Hòa (sau) của lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan trong cuộc diễn tập gần căn cứ Nghi Lan năm 2018. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, các quốc gia khác từ chối chuyển giao tàu ngầm cho Đài Loan do lo ngại làm mất lòng hoặc chọc giận Trung Quốc, vốn luôn coi hòn đảo là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc luôn phản ứng dữ dội khi các bên bán vũ khí hiện đại cho đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc đại lục gần đây tăng áp lực quân sự lên đảo Đài Loan, nhiều công ty nước ngoài đang bí mật hỗ trợ chương trình chế tạo tàu ngầm hiện đại cho hòn đảo, theo một cuộc điều tra được Reuters tiến hành và công bố ngày 29/11.

Dữ liệu từ cuộc điều tra cho thấy đảo Đài Loan đã âm thầm tìm kiếm nguồn công nghệ, linh kiện và chuyên gia từ ít nhất 7 nước để tiến hành dự án chế tạo lớp tàu ngầm mới, vốn được coi là loại vũ khí có thể gây thiệt hại nặng cho hải quân Trung Quốc nếu nổ ra xung đột ở eo biển.

Theo đó, các hãng công nghiệp quốc phòng Mỹ cung cấp cho đảo Đài Loan nhiều công nghệ tàu ngầm quan trọng như hệ thống tác chiến và thủy âm. Các công ty quốc phòng Anh cũng tham gia hỗ trợ quá trình này.

Một nguồn tin cho biết cựu chuẩn tướng hải quân Anh Ian McGhie là người có vai trò chủ chốt trong tuyển mộ chuyên gia tàu ngầm cho Đài Loan. Ông này thành lập một công ty ở Gibraltar để tuyển các kỹ sư giàu kinh nghiệm, trong đó có các cựu thành viên hải quân Anh.

Tài liệu Reuters thu được theo Đạo luật Tự do Thông tin cho thấy giới chức Anh đã phê chuẩn nhiều giấy phép xuất khẩu trong 3 năm qua cho các công ty nước này cung cấp linh kiện, công nghệ, phần mềm liên quan tới tàu ngầm cho đảo Đài Loan. Giá trị các công nghệ được phép xuất khẩu cho hòn đảo tăng đều trong những năm qua.

Đảo Đài Loan còn tuyển được một số kỹ sư, kỹ thuật viên và cựu sĩ quan tàu ngầm từ Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Canada. Nhóm chuyên gia và cựu sĩ quan này làm việc tại một nhà máy đóng tàu ở Cao Hùng thuộc sở hữu của tập đoàn CSBC Đài Loan, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển tàu ngầm mới cho hòn đảo.

"Đó là trò chơi ghép hình. Đảo Đài Loan lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm chuyên môn cùng công nghệ, linh kiện tàu ngầm mà họ không thể chế tạo", Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Đài Loan, cho biết.

"Đài Loan xẻ miếng bánh thành những phần nhỏ để xác định phần việc nào cần bên ngoài hỗ trợ, ví dụ công đoạn hoàn thiện thiết kế tàu ngầm", Hammond-Chmabers nói.

Hai nguồn tin liên quan đến chương trình tàu ngầm của Đài Loan cho biết các nỗ lực chế tạo tàu ngầm của hòn đảo được tiến hành trong bí mật, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc gây áp lực buộc chính phủ và công ty nước ngoài ngừng hợp tác với họ.

Nhóm phát triển tàu ngầm Đài Loan tiếp cận trực tiếp với các công ty quốc phòng nước ngoài, thay vì đợi chính phủ sở tại phê duyệt. Khi đã chắc chắn về đơn đặt hàng của Đài Loan, các công ty này xin giấy phép xuất khẩu từ chính phủ họ. Chiến thuật này được áp dụng cho thương vụ mua những thành phần quan trọng, liên quan đến hệ thống tác chiến của tàu ngầm.

Mô hình tàu ngầm lớp IDS do đảo Đài Loan phát triển tại triển lãm ở thành phố Cao Hùng năm 2016. Ảnh: Reuters.

Mô hình tàu ngầm lớp IDS do đảo Đài Loan phát triển tại triển lãm ở thành phố Cao Hùng năm 2016. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, lo ngại nguy cơ Trung Quốc trả đũa khiến một số thương vụ chuyển nhượng công nghệ tàu ngầm cho đảo Đài Loan bị ảnh hưởng. Hai nguồn tin cho biết một công ty cung cấp thiết bị quan trọng của Đức đột ngột chấm dứt hợp đồng với đảo Đài Loan vào năm 2020. Lãnh đạo công ty này sau đó báo với phía Đài Loan rằng thương vụ bị công ty mẹ, vốn có nhiều lợi ích tại Trung Quốc đại lục, ngăn chặn.

Để giảm thiểu những nguy cơ như vậy, nhóm phát triển tàu ngầm Đài Loan tìm cách tiếp cận hai hoặc ba nguồn cung công nghệ để đề phòng trường hợp một nhà cung cấp rút lui.

Đến năm 2017, Đài Loan công bố chương trình chế tạo tàu ngầm diesel - điện hiện đại mang tên "Tàu ngầm Phòng thủ Nội địa" (IDS), tên mã Hải Xương. Tập đoàn CSBC khởi đóng tàu ngầm lớp IDS đầu tiên vào năm 2020 và dự kiến bàn giao chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm Hải Xương vào năm 2025.

Chương trình tàu ngầm IDS của Đài Loan có tổng trị giá lên tới 16 tỷ USD, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London.

Giới chuyên gia nhận định trong trường hợp nổ ra xung đột, 8 tàu ngầm hiện đại mà Đài Loan đang chế tạo có thể cho phép hòn đảo hỗ trợ Mỹ và đồng minh giữ chân hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất, khái niệm dùng để chỉ nhóm các đảo chạy từ Nhật Bản tới Đài Loan, Philippines và kết thúc ở đảo Borneo của Indonesia.

Thành công trong nỗ lực âm thầm của Đài Loan để chế tạo tàu ngầm được cho là dấu hiệu thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng của phương Tây đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cùng với áp lực mà Bắc Kinh gây ra với hòn đảo, một số quan chức ngoại giao giấu tên cho biết.

Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda.

Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda.

Khi sở hữu 8 tàu ngầm Hải Xương mới cùng hai chiếc lớp Hải Long, phòng vệ trên biển Đài Loan sẽ tăng đáng kể uy lực phòng thủ. Trong trường hợp nổ ra chiến sự, Trung Quốc sẽ phải huy động nhiều chiến hạm, tàu vận tải cho chiến dịch đổ bộ lên hòn đảo và chúng nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu cho những tàu ngầm Đài Loan trang bị ngư lôi và tên lửa diệt hạm.

Hai nguồn tin ở Đài Loan cho biết các tàu ngầm mới sẽ được triển khai ở vùng biển sâu hơn phía đông hòn đảo, nơi cách xa Trung Quốc đại lục nhất. Cách bố trí lực lượng này giúp các căn cứ tàu ngầm Đài Loan tránh được đòn tập kích tên lửa và duy trì hoạt động khi chiến sự nổ ra.

Khi được hỏi về thông tin các bên hỗ trợ đảo Đài Loan chế tạo tàu ngầm Hải Xương, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "giới chức Đài Loan đang cấu kết với thế lực nước ngoài", đồng thời kêu gọi các bên liên quan "ngừng quan hệ quân sự với đảo Đài Loan hoặc hỗ trợ các lực lượng ly khai tại hòn đảo". "Họ đang đùa với lửa và sẽ bị bỏng tay", phát ngôn viên này nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Ăn cưới cạnh đám cháy

Ấn ĐộCác khách mời tại một đám cưới ở thành phố Bhiwandi gây chú ý khi tiếp tục dùng bữa bất chấp đám cháy lớn bùng phát ngay cạnh.

Trong video được đăng trên mạng xã hội hôm 29/11 và đã thu về hơn 22.000 lượt xem, hai người đàn ông dự tiệc cưới tại thành phố Bhiwandi, bang Maharashtra, Ấn Độ, tỏ ra bình tĩnh thưởng thức đồ ăn, giữa lúc đám cháy lớn sau lưng họ thiêu rụi một phần địa điểm tổ chức hôn lễ.

Ngồi ăn cưới cạnh đám cháy lớn

Hai người đàn ông ăn cưới cạnh đám cháy ở thành phố Bhiwandi, Ấn Độ, hôm 28/11. Video: Twitter/Musab Qazi.

Người đàn ông mặc sơ mi trắng được cho là có phần lưỡng lự khi nhiều lần quay lại để quan sát đám cháy. Tuy nhiên, khách mời này cuối cùng tiếp tục dùng bữa, trong khi người đàn ông ngồi cạnh vẫn trò chuyện với những người xung quanh và dường như không quan tâm đến vụ hỏa hoạn.

Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ thích thú và cho rằng tình huống này khá hài hước. Một số người khác cảm thấy ngỡ ngàng bởi các khách mời tỏ ra thản nhiên dù ngồi cạnh đám cháy lớn.

"Đồ ăn hẳn là rất ngon", nhà báo Harish Iyer nhận xét. Người dùng Twitter có tên Saharsh Damani bổ sung rằng những người này đã có sẵn những ưu tiên ngay trước mặt.

Đám cháy bùng phát tối 28/11 tại một địa điểm tổ chức tiệc cưới ở thành phố Bhiwandi. Giới chức chưa xác định chính xác nguyên nhân vụ hỏa hoạn, nhưng nghi ngờ do đốt pháo. Hai chiếc xe 6 bánh cùng một nhà kho cất ghế và đồ trang trí bị thiêu rụi hoàn toàn. Không ai bị thương sau sự cố.

Ánh Ngọc (Theo Independent)

Adblock test (Why?)

WHO kêu gọi ứng phó 'hợp lý' với chủng Omicron

WHO kêu gọi các nước giữ bình tĩnh và thực hiện biện pháp "hợp lý" trước biến chủng Omicron, sau những phản ứng gấp rút ban đầu.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp giảm thiểu rủi ro một cách hợp lý và tương xứng. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, có sự phối hợp và mạch lạc", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm nay phát biểu.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một phiên họp ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 29/11. Ảnh: AFP.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một phiên họp ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 29/11. Ảnh: AFP.

Sau khi Nam Phi hôm 25/11 công bố về Omicron, biến chủng nCoV mới có tới 50 đột biến, nhiều nước trên toàn cầu đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng này, thúc đẩy hàng loạt chính phủ nhanh chóng áp lệnh hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi. Tuy nhiên, WHO không khuyến khích động thái này, bởi lo ngại gây ra bất công đối với các nước phát hiện chủng mới đầu tiên.

"Tôi xin gửi lời cảm ơn Botswana và Nam Phi vì đã phát hiện, giải trình gene và báo cáo về biến chủng mới rất nhanh chóng", Tedros cho biết, đồng thời bày tỏ "lo ngại sâu sắc khi những nước này đang bị trừng phạt vì làm điều đúng đắn".

Giám đốc WHO nhấn mạnh chưa rõ mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron. "Chúng ta vẫn có nhiều câu hỏi hơn đáp án về ảnh hưởng của Omicron đối với sự lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh, cũng như hiệu quả xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng", ông cho hay.

Tedros cho biết mong muốn bảo vệ công dân của các nước là điều dễ hiểu, nhưng ông cũng lo ngại một số quốc gia thành viên WHO "đang đưa ra những biện pháp thiếu cân nhắc, đánh đồng" và sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

"Chúng ta càng cho phép đại dịch kéo dài, bằng cách không giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine, hoặc không thực hiện các biện pháp y tế và xã hội một cách phù hợp và nhất quán, thì càng tạo cơ hội cho virus đột biến theo những hướng không thể dự đoán hoặc ngăn chặn", Tedros nói.

Biến chủng Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. WHO hôm 26/11 tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại.

Omicron có tới hơn 50 đột biến, trong đó ít nhất 32 đột biến nằm trên protein gai, bộ phận giúp virus bám dính và xâm nhập tế bào của người, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dễ dàng và thậm chí né miễn dịch. Tuy nhiên, WHO cho hay vẫn chưa thể chắc chắn về các đặc tính của biến chủng này.

Ánh Ngọc (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Những dự án hạ tầng tỷ đô 'thoi thóp' ở Mỹ

Dự án đường sắt 4 tỷ USD đầy tham vọng ở Honolulu đội vốn gấp ba lần và chưa thể hoàn thành sau hơn 10 năm thi công.

Cùng với quá trình mở rộng đô thị ra phía tây Trân Châu Cảng, các nhà hoạch định chính sách của Honolulu, thủ phủ bang Hawaii của Mỹ, đã đề xuất dự án đầy tham vọng xây dựng tuyến đường sắt đô thị hơn 30 km kết nối vùng ven với trung tâm thành phố. Khi công bố dự án năm 2006, họ ước tính chi phí là 4 tỷ USD, mức khá rẻ với chi phí đầu tư khoảng 125 triệu USD cho mỗi km đường ray.

Tuy nhiên, dự án đã bị vấp trở ngại ngay trong giai đoạn đầu, do đi qua khu nghĩa trang của người Hawaii bản địa và sau đó là hàng loạt vấn đề kỹ thuật khác, như các mối hàn và đường ray bị nứt. Hồi đầu năm nay, các kỹ sư nhận ra ở một số đoạn, bánh tàu nhỏ hơn đường ray gần 1,3 cm.

Sở Giao thông Honolulu tin họ có thể giải quyết bằng cách hàn những vết nứt và thay thế bánh tàu phù hợp với đường ray, nhưng sẽ khiến dự án đội vốn lên tới 11,4 tỷ USD, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2031.

Một tàu hỏa ở trung tâm vận hành đường sắt ở Waipahu, thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ. Ảnh: Honolulu Civil Beat.

Một tàu hỏa ở trung tâm vận hành đường sắt ở Waipahu, thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ. Ảnh: Honolulu Civil Beat.

Dự án đường sắt ở Honolulu là một trong hàng loạt đại công trình tỷ USD bị chậm tiến độ của Mỹ trong thập kỷ qua, khi gặp hàng loạt vướng mắc như chi phí vượt ước tính, trở ngại kỹ thuật, pháp lý, chính trị. Điều này cũng đặt ra thách thức cho tham vọng cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden với gói ngân sách 1.200 nghìn tỷ USD được ký đầu tháng 11.

Gói ngân sách này đề ra những mục tiêu táo bạo, như dành 500 tỷ USD cho các dự án đường cao tốc, 39 tỷ USD cho giao thông đô thị, 65 tỷ USD cho các dự án băng thông rộng và 73 tỷ USD cho lưới diện cùng nhiều hạng mục khác. Hành lang đường sắt đông bắc nối từ Boston, bang Massachusetts đến Washington của Tập đoàn Vận tải Hành khách Đường sắt Quốc gia Mỹ (Amtrak), tuyến đường sắt bận rộn nhất Mỹ, sẽ nhận được phần lớn ngân sách trong gói 66 tỷ USD cho ngành đường sắt.

Tuy nhiên, gói chi tiêu cơ sở hạ tầng tham vọng này được cho là khó có thể giải cứu một số đại dự án "bị sa lầy" hiện nay, theo Ralph Vartabedian, biên tập viên của NY Times. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng dù được rót ngân sách mới, các công trình cũng khó có thể tăng tốc nhanh như mong đợi.

Ngành xây dựng của Mỹ đang đối mặt với giá thép tăng khoảng 142% trong 12 tháng qua, chi phí nhiều vật liệu quan trọng khác cũng tăng. Tình trạng thiếu lao động lành nghề cũng trở nên nghiêm trọng hơn vì Covid-19.

Hồi đầu tháng, Tổng thống Biden phàn nàn rằng cơ sở hạ tầng Mỹ từng được đánh giá là tốt nhất thế giới, nhưng giờ chỉ xếp hạng 13 toàn cầu.

Chi phí xây dựng của Mỹ tại một số dự án cao hơn Tây Âu và các nước châu Á, theo Ethan Elkind, giáo sư luật tại Đại học California. "Xây dựng các dự án ở đây khó khăn hơn rất nhiều và chúng tôi không có nhiều kỹ năng thực hiện như họ", ông nói.

California năm 2008 phê chuẩn dự án đường sắt cao tốc từ Los Angeles tới San Francisco, dự kiến hoàn thành năm 2020 với chi phí 33 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành công trình giờ đây được lùi tới năm 2033, với tổng chi phí đội lên gấp ba.

Dự án tham vọng này là nỗ lực nghiêm túc nhất của Mỹ để xây dựng tuyến tàu cao tốc hoàn chỉnh, nhưng đã bị trì hoãn trong thời gian dài vì vấn đề thu hồi đất, kiện tụng môi trường, vướng mắc giấy phép, lương nhân viên và thay đổi thiết kế, kéo theo nhiều tranh cãi chính trị.

Dự án tuyến mở rộng East Side Access của hệ thống đường sắt Long Island ở New York, nhằm giảm tới 40 phút di chuyển từ Queens tới ga Grand Central Terminal với 24 chuyến tàu mỗi giờ vào lúc cao điểm, cũng bị đình trệ nghiêm trọng.

Được lên ý tưởng từ hơn nửa thế kỷ trước, với hợp đồng xây dựng được ký kết năm 2006, dự án từng được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Chi phí dự tính ban đầu khoảng 2,2 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,3 tỷ USD vào năm 2006 và 6,4 tỷ USD vào năm 2008. Cơ quan Giao thông Đô thị New York hiện dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12/2022 với chi phí 11,1 tỷ USD.

Thay đổi thiết kế, vấn đề thi công hay phối hợp với các cơ quan khác là những nguyên nhân chính khiến công trình bị chậm trễ và tăng chi phí.

Một trong những dự án cơ sở hạ tầng môi trường quan trọng nhất và có lẽ là khó khăn nhất về mặt kỹ thuật của Mỹ đã được tiến hành suốt nhiều thập kỷ qua ở Hanford, nơi từng là cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân ở bang Washington. Kể từ năm 2013, quá trình xây dựng hai nhà máy xử lý gần 212.000 m3 bùn phóng xạ đã bị đình lại.

Sau đánh giá độc lập vào năm 2015 cho thấy công trình có 362 vấn đề thiết kế, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo đình chỉ dự án trong 17 năm và công trình chỉ có thể đi vào hoạt động đầy đủ sớm nhất năm 2036. Vấn đề mà dự án gặp phải là không tính đến khả năng xảy ra động đất hoặc các vụ nổ khí hydro khi xử lý vật liệu phóng xạ.

Quyết định này đã buộc Bộ Năng lượng Mỹ phải sử dụng giải pháp thay thế để bắt đầu xử lý các loại chất thải phóng xạ nồng độ thấp từ cuối năm 2023. Chi phí ước tính cuối cùng cho nhà máy này vào khoảng 17 tỷ USD, tăng từ 12,3 tỷ năm 2013 và khoảng 4 tỷ cách đây 20 năm.

Những vấn đề dẫn tới công trình bị đình trệ, như khảo sát địa chất, chi phí lao động, giải phóng mặt bằng là những thách gây trở ngại cho gần như tất cả dự án cơ sở hạ tầng lớn của Mỹ. Sai lầm phổ biến của các chủ đầu tư là không lập kế hoạch và ngân sách phát sinh cho chúng, theo Joseph Schofer, chuyên gia kỹ thuật tại Đại học Northwestern.

"Bạn không thể nói đó chỉ là sự cố", ông nói về những dự án đội vốn. "Chúng ta có thể làm tốt hơn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đã không có những ước tính trung thực".

Schofer thêm rằng nhiều dự án được phê duyệt với tính toán rằng lợi ích trong tương lai sẽ lớn hơn nhiều chi phí dự tính, nhưng khi chi phí tăng vọt, không ai xem lại tỷ lệ này.

"Với các dự án dân sự, ngân sách ước tính đầu tiên luôn là khoản ít hơn thực tế", Willie Brown, cựu thị trưởng San Francisco, nói trong một bài báo vào năm 2013. "Nếu mọi người biết chi phí thực ngay từ đầu, sẽ không có dự án nào được chấp thuận".

Một phần hệ thống tàu điện ngầm thuộc dự án East Side Access của đường sắt Long Island, New York, Mỹ. Ảnh: NY Times.

Một phần hệ thống tàu điện ngầm thuộc dự án East Side Access của đường sắt Long Island, New York, Mỹ. Ảnh: NY Times.

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ từ chối bình luận về các thông tin trên, nhưng mootjj số quan chức chính quyền Biden nói gói cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng và tăng hiệu quả của nền kinh tế Mỹ, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng việc làm cho ngành xây dựng.

Đạo luật cơ sở hạ tầng mới của Biden đã có những bước cải cách đầu tiên, như chỉ định một cơ quan liên bang phụ trách mỗi dự án, thành lập một đơn vị chuyên trách để giám sát sử dụng ngân sách hiệu quả, tránh lãng phí... Quá trình đánh giá tác động môi trường cũng được siết chặt hơn để tránh kiện tụng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không lạc quan về những thay đổi mà tham vọng hạ tầng của Biden có thể tạo ra.

Ronald N. Tutor, giám đốc Tutor Perini, công ty ở California phụ trách xây dựng một số dự án lớn nhất của Mỹ, nói bản chất của ngành xây dựng là phức tạp và khó dự đoán.

"Tất cả dự án lớn đều gặp vấn đề về ước tính chi phí và thời gian thi công", ông thừa nhận. "Sự thật là chúng đều là các dự án khó và rủi ro cao, với tình hình thường xuyên thay đổi. Thật ngây thơ khi cho rằng có thể dự trù chính xác chi phí từ đầu".

Thanh Tâm (Theo NY Times)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Thái tử Nhật chỉ trích báo lá cải bịa đặt về con gái

Thái tử Nhật chỉ trích báo lá cải đưa tin sai và "khủng khiếp" về lùm xùm sau lễ đính hôn của con gái ông, cựu công chúa Mako.

"Tôi không chắc phải nói chính xác điều này như thế nào, nhưng nếu bạn đọc các tờ báo lá cải, có rất nhiều điều trong đó là bịa đặt, dù cũng có một số ý kiến chúng tôi nên lắng nghe", Thái tử Nhật Akishino nói tại cuộc họp báo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 56 của ông ở Tokyo hôm nay, khi được hỏi mối liên quan giữa tin tức trên truyền thông và tình trạng của cựu công chúa Mako sau lễ đính hôn năm 2017.

Thái tử Nhật Akishino tại cuộc họp báo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 56 của ông ở Tokyo hôm nay. Ảnh: Japan Times.

Thái tử Nhật Akishino tại cuộc họp báo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 56 của ông ở Tokyo hôm nay. Ảnh: Japan Times.

Mako và Kei Komuro tổ chức lễ đính hôn năm 2017. Người Nhật ban đầu hân hoan, chúc tụng sự kiện này khi công chúa quyết định từ bỏ địa vị hoàng gia để kết hôn với thường dân. Tuy nhiên, bê bối tài chính liên quan mẹ Komuro khiến một số hãng truyền thông và nhiều người dân thay đổi thái độ, thậm chí chỉ trích dữ dội.

Bê bối khiến Mako và Komuro hoãn cưới suốt ba năm. Cô cũng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn trong thời kỳ này.

"Cũng có rất nhiều bình luận về các bài báo trên mạng, và một số trong số đó nói những điều thực sự khủng khiếp", Thái tử Akishino, em trai Nhật hoàng Naruhito, nói thêm. "Có những người bị tổn thương sâu sắc bởi sự vu khống này".

Bình luận của Thái tử Akishino được đánh giá là thẳng thắn khác thường so với phong cách hoàng gia Nhật.

Một số nhà quan sát hoàng gia Nhật cho rằng nếu Cơ quan Nội chính Hoàng gia (IHA) nên làm nhiều hơn để giảm bớt sự phẫn nộ của công chúng, giống như cách xử lý của hoàng gia nước khác. Thái tử Akishino nói rằng IHA đôi khi đính chính thông tin sai trên trang web của mình, nhưng ông cũng ngụ ý rằng họ có thể cần làm nhiều hơn.

"Nếu định bác bỏ một bài báo, bạn phải đặt ra các tiêu chuẩn thích hợp và can thiệp khi tiêu chuẩn bị vượt qua", ông nói. "Những bản tin tiêu cực có thể tiếp tục, nên tôi nghĩ cần xem xét thiết lập các tiêu chuẩn như vậy với sự tham vấn của IHA".

Mako sinh năm 1991, là con gái lớn của thái tử Akishino. Cô lặng lẽ kết hôn hôm 26/10, không có nghi lễ truyền thống cũng không tổ chức tiệc mừng. Vợ chồng cô đã chuyển đến sống ở New York trong tháng này.

Cựu công chúa Mako cúi đầu chào gia đình khi rời dinh thự hoàng gia ở Tokyo trong ngày tổ chức hôn lễ hôm 26/10. Ảnh: Kyodo.

Cựu công chúa Mako cúi đầu chào gia đình khi rời dinh thự hoàng gia ở Tokyo trong ngày tổ chức hôn lễ hôm 26/10. Ảnh: Kyodo.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Jill Biden gây tranh cãi vì cách bài trí Giáng sinh

Một số người cho rằng cách trang trí Giáng sinh của đệ nhất phu nhân Mỹ "đơn điệu", "xấu xí", trong khi những người khác khen chúng "trang nhã".

Đệ nhất phu nhân Mỹ hôm 29/11 đăng Twitter ảnh cây linh sam Fraser cao hơn 5 m trong Phòng Xanh và công bố cách bài trí trong những căn phòng còn lại của Nhà Trắng. Cây được đưa đến Nhà Trắng tuần trước từ bang Bắc Carolina, được thắp sáng rực rỡ với ánh đèn trắng và các đồ trang trí bằng màu vàng, bạc.

Cây cũng được tô điểm bằng những con chim bồ câu trắng ghi tên tất cả bang và vùng lãnh thổ của Mỹ theo thứ tự bảng chữ cái.

Cây linh sam Fraser cao trong Phòng Xanh, Nhà Trắng hôm 29/11. Ảnh: Twitter/Jill Biden.

Cây linh sam Fraser cao trong Phòng Xanh, Nhà Trắng hôm 29/11. Ảnh: Twitter/Jill Biden.

"Màu sắc ở đâu? Trông như cái cây khổng lồ bị treo đầy đèn ngủ", một người dùng Twitter viết.

"Có vẻ ổn, nhưng cần nhiều màu hơn. Một chút màu đỏ sẽ làm cây trở nên sống động", người khác cho hay.

Những người khác tỏ ra gay gắt hơn. "Cây thông Noel tà giáo xấu xí", một người đăng Twitter, trong khi người dùng so sánh với cây trang trí trong Nhà Trắng thời tổng thống John F. Kennedy.

"Tôi hơi nhớ đồ trang trí Giáng sinh bình thường", người này đăng kèm chú thích khi chia sẻ ảnh cố tổng thống Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy đứng trước cây được trang trí bằng kẹo, đồ trang trí và nến.

Một người khác gọi cách trang trí gồm nhiều hộp quà màu đỏ xếp chồng lên nhau ở Cánh Đông Nhà Trắng là "xấu xí" và khen cách trang trí của cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump.

"Melania luôn giám sát công việc trang trí Giáng sinh tuyệt đẹp tại Nhà Trắng. Đó có thể không phải nhiệm vụ yêu thích của bà ấy nhưng chúng rất trang nhã và dễ thương. Những người phê bình cũng hết cách chỉ trích bà ấy. Cái thứ vớ vẩn vô vị này đến cửa hàng một đô cũng không treo. Những món quà giả xấu xí", người này chia sẻ trên Twitter.

Cánh Đông Nhà Trắng được trang trí bằng nhiều hộp quà màu đỏ xếp chồng lên nhau. Ảnh: Twitter/Jill Biden.

Cánh Đông Nhà Trắng được trang trí bằng nhiều hộp quà màu đỏ xếp chồng lên nhau. Ảnh: Twitter/Jill Biden.

Thực tế, Melania cũng từng bị chỉ trích gay gắt vì sắp xếp 40 cây thông đỏ như máu, khiến nhiều người ví như bối cảnh phim kinh dị. Cựu tổng thống Donald Trump khi đó bảo vệ cách trang trí này, nói rằng "mọi người có sở thích khác nhau".

Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng xã hội cũng khen ngợi cách bài trí của bà Jill, nói rằng chúng không có điểm nào kỳ dị và tương phản với cách trang trí thời Trump.

"Sự lộng lẫy trang nhã đã trở lại Nhà Trắng, cảm ơn tiến sĩ Jill. Phu nhân bài trí có đẳng cấp. Và một lần nữa chúng tôi có thể mỉm cười trước sự thanh lịch thay vì sự khó chịu trước đây", một người bình luận.

"Cảm ơn bà rất nhiều vì đã trang trí Nhà Trắng theo cách không cần hàng giờ trị liệu sau đó", một người khác cho hay.

Huyền Lê (Theo NY Post)

Adblock test (Why?)