Công dân Bỉ Valerie Leduc kẹt lại Johannesburg sau khi Thụy Sĩ cấm chuyến bay từ Nam Phi vì lo ngại biến chủng Omicron.
"Chúng tôi cảm tưởng mình vừa phạm tội ác nào đó", Valeria Leduc, 30 tuổi, chia sẻ bức xúc sau khi rời quầy vé.
Theo kế hoạch ban đầu, cô sẽ trở về Antwerp, Bỉ bằng chuyến bay hạ cánh ở Zurich, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, quan ngại về biến chủng Omicron ở Nam Phi và những nước láng giềng buộc chính phủ Thụy Sĩ siết đi lại quốc tế và từ chối nhập cảnh mọi cá nhân không phải công dân nước này.
Leduc cùng bạn là Sander Verstraelen phải chật vật đổi vé tại sân bay quốc tế Johannesburg, Nam Phi. Họ cuối cùng tìm được chuyến bay hồi hương cất cánh từ Ethiopia ba ngày sau. Mỗi vé có giá khoảng 1.130 USD.
Trong 24 giờ qua, Leduc, Verstraelen cùng nhiều hành khách quốc tế rơi vào cảnh bơ vơ giữa sân bay sau khi hàng loạt nước cấm chuyến bay từ Nam Phi. Công dân các nước xếp hàng chờ đợi, ngồi chật kín những quầy cà phê, loay hoay gọi điện cho công ty du lịch và đại sứ quán đề nghị hỗ trợ.
Nhiều hành khách quốc tế tìm vé ở Ethiopia hay Congo, những nước láng giềng châu Phi chưa cấm chuyến bay từ Nam Phi và chưa bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh của các nước ngoài châu lục. Một số người khác tìm giải pháp qua những quy định xét nghiệm Covid-19 "giờ chót" phức tạp, mong được điểm đến cân nhắc ngoại lệ nhờ âm tính với nCoV.
"Chúng tôi ban đầu cố đổi chuyến bay nhưng bất thành. Mọi chuyến bay khác đều kín ghế. Chúng tôi đã chộp lấy ngay chuyến đầu tiên mở bán", Laura Herde, sinh viên 25 tuổi đến từ Berlin, Đức, chia sẻ khi đang xếp hàng chờ chuyến bay sang Ethiopia.
Robert Giebel, 36 tuổi, chuyên gia địa chất người Đức, cho biết lều xét nghiệm ở sân bay đã hết mực in kết quả xét nghiệm Covid-19. Nhân viên cũng không thể gửi kết quả qua email cho cơ quan phụ trách, còn quản lý điểm xét nghiệm đang ở nhà.
Giebel giải thích chính phủ Đức yêu cầu công dân hồi hương xét nghiệm PCR âm tính với nCoV trong vòng 24 giờ trước khi lên máy bay. Trước đó, quy định lên máy bay chỉ gồm chứng nhận xét nghiệm. Điểm xét nghiệm ở sân bay Johannesburg không kịp chuẩn bị cho lượng khách tăng đột biến.
"Thật điên rồ. May mắn là họ vẫn cho chúng tôi về nhà", Ole Schroeder, đồng nghiệp của Giebel, chia sẻ.
Giới chuyên gia lo ngại biến chủng Omicron, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi với 32 đột biến, có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn biến chủng Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại toàn cầu. Một loạt quốc gia trên khắp thế giới đã khẩn trương siết kiểm soát đi lại với Nam Phi cùng khu vực lân cận trong hai ngày qua.
Trung Nhân (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét