Để chế tạo hạm đội tàu ngầm hiện đại, Đài Loan nhiều năm qua âm thầm tìm kiếm trợ giúp về công nghệ, nhân lực từ khắp nơi trên thế giới.
Lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan đang sở hữu 4 tàu ngầm được đánh giá là lạc hậu, gồm hai chiếc lớp Hải Sư được Mỹ chế tạo từ thời Thế chiến II và hai chiếc lớp Hải Long đóng vào giữa những năm 1980. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang biên chế tới 58 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân, theo dữ liệu Lầu Năm Góc.
Nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua đã tìm cách mua tàu ngầm ứng phó nguy cơ bị tấn công qua eo biển, song không bên nào đồng ý bán. Bên cung cấp vũ khí chính cho đảo Đài Loan là Mỹ, nhưng nước này từ lâu chỉ vận hành tàu ngầm năng lượng hạt nhân và không còn chế tạo tàu ngầm diesel - điện.
Trong khi đó, các quốc gia khác từ chối chuyển giao tàu ngầm cho Đài Loan do lo ngại làm mất lòng hoặc chọc giận Trung Quốc, vốn luôn coi hòn đảo là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc luôn phản ứng dữ dội khi các bên bán vũ khí hiện đại cho đảo Đài Loan.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc đại lục gần đây tăng áp lực quân sự lên đảo Đài Loan, nhiều công ty nước ngoài đang bí mật hỗ trợ chương trình chế tạo tàu ngầm hiện đại cho hòn đảo, theo một cuộc điều tra được Reuters tiến hành và công bố ngày 29/11.
Dữ liệu từ cuộc điều tra cho thấy đảo Đài Loan đã âm thầm tìm kiếm nguồn công nghệ, linh kiện và chuyên gia từ ít nhất 7 nước để tiến hành dự án chế tạo lớp tàu ngầm mới, vốn được coi là loại vũ khí có thể gây thiệt hại nặng cho hải quân Trung Quốc nếu nổ ra xung đột ở eo biển.
Theo đó, các hãng công nghiệp quốc phòng Mỹ cung cấp cho đảo Đài Loan nhiều công nghệ tàu ngầm quan trọng như hệ thống tác chiến và thủy âm. Các công ty quốc phòng Anh cũng tham gia hỗ trợ quá trình này.
Một nguồn tin cho biết cựu chuẩn tướng hải quân Anh Ian McGhie là người có vai trò chủ chốt trong tuyển mộ chuyên gia tàu ngầm cho Đài Loan. Ông này thành lập một công ty ở Gibraltar để tuyển các kỹ sư giàu kinh nghiệm, trong đó có các cựu thành viên hải quân Anh.
Tài liệu Reuters thu được theo Đạo luật Tự do Thông tin cho thấy giới chức Anh đã phê chuẩn nhiều giấy phép xuất khẩu trong 3 năm qua cho các công ty nước này cung cấp linh kiện, công nghệ, phần mềm liên quan tới tàu ngầm cho đảo Đài Loan. Giá trị các công nghệ được phép xuất khẩu cho hòn đảo tăng đều trong những năm qua.
Đảo Đài Loan còn tuyển được một số kỹ sư, kỹ thuật viên và cựu sĩ quan tàu ngầm từ Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Canada. Nhóm chuyên gia và cựu sĩ quan này làm việc tại một nhà máy đóng tàu ở Cao Hùng thuộc sở hữu của tập đoàn CSBC Đài Loan, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển tàu ngầm mới cho hòn đảo.
"Đó là trò chơi ghép hình. Đảo Đài Loan lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm chuyên môn cùng công nghệ, linh kiện tàu ngầm mà họ không thể chế tạo", Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Đài Loan, cho biết.
"Đài Loan xẻ miếng bánh thành những phần nhỏ để xác định phần việc nào cần bên ngoài hỗ trợ, ví dụ công đoạn hoàn thiện thiết kế tàu ngầm", Hammond-Chmabers nói.
Hai nguồn tin liên quan đến chương trình tàu ngầm của Đài Loan cho biết các nỗ lực chế tạo tàu ngầm của hòn đảo được tiến hành trong bí mật, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc gây áp lực buộc chính phủ và công ty nước ngoài ngừng hợp tác với họ.
Nhóm phát triển tàu ngầm Đài Loan tiếp cận trực tiếp với các công ty quốc phòng nước ngoài, thay vì đợi chính phủ sở tại phê duyệt. Khi đã chắc chắn về đơn đặt hàng của Đài Loan, các công ty này xin giấy phép xuất khẩu từ chính phủ họ. Chiến thuật này được áp dụng cho thương vụ mua những thành phần quan trọng, liên quan đến hệ thống tác chiến của tàu ngầm.
Tuy nhiên, lo ngại nguy cơ Trung Quốc trả đũa khiến một số thương vụ chuyển nhượng công nghệ tàu ngầm cho đảo Đài Loan bị ảnh hưởng. Hai nguồn tin cho biết một công ty cung cấp thiết bị quan trọng của Đức đột ngột chấm dứt hợp đồng với đảo Đài Loan vào năm 2020. Lãnh đạo công ty này sau đó báo với phía Đài Loan rằng thương vụ bị công ty mẹ, vốn có nhiều lợi ích tại Trung Quốc đại lục, ngăn chặn.
Để giảm thiểu những nguy cơ như vậy, nhóm phát triển tàu ngầm Đài Loan tìm cách tiếp cận hai hoặc ba nguồn cung công nghệ để đề phòng trường hợp một nhà cung cấp rút lui.
Đến năm 2017, Đài Loan công bố chương trình chế tạo tàu ngầm diesel - điện hiện đại mang tên "Tàu ngầm Phòng thủ Nội địa" (IDS), tên mã Hải Xương. Tập đoàn CSBC khởi đóng tàu ngầm lớp IDS đầu tiên vào năm 2020 và dự kiến bàn giao chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm Hải Xương vào năm 2025.
Chương trình tàu ngầm IDS của Đài Loan có tổng trị giá lên tới 16 tỷ USD, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London.
Giới chuyên gia nhận định trong trường hợp nổ ra xung đột, 8 tàu ngầm hiện đại mà Đài Loan đang chế tạo có thể cho phép hòn đảo hỗ trợ Mỹ và đồng minh giữ chân hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất, khái niệm dùng để chỉ nhóm các đảo chạy từ Nhật Bản tới Đài Loan, Philippines và kết thúc ở đảo Borneo của Indonesia.
Thành công trong nỗ lực âm thầm của Đài Loan để chế tạo tàu ngầm được cho là dấu hiệu thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng của phương Tây đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cùng với áp lực mà Bắc Kinh gây ra với hòn đảo, một số quan chức ngoại giao giấu tên cho biết.
Khi sở hữu 8 tàu ngầm Hải Xương mới cùng hai chiếc lớp Hải Long, phòng vệ trên biển Đài Loan sẽ tăng đáng kể uy lực phòng thủ. Trong trường hợp nổ ra chiến sự, Trung Quốc sẽ phải huy động nhiều chiến hạm, tàu vận tải cho chiến dịch đổ bộ lên hòn đảo và chúng nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu cho những tàu ngầm Đài Loan trang bị ngư lôi và tên lửa diệt hạm.
Hai nguồn tin ở Đài Loan cho biết các tàu ngầm mới sẽ được triển khai ở vùng biển sâu hơn phía đông hòn đảo, nơi cách xa Trung Quốc đại lục nhất. Cách bố trí lực lượng này giúp các căn cứ tàu ngầm Đài Loan tránh được đòn tập kích tên lửa và duy trì hoạt động khi chiến sự nổ ra.
Khi được hỏi về thông tin các bên hỗ trợ đảo Đài Loan chế tạo tàu ngầm Hải Xương, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "giới chức Đài Loan đang cấu kết với thế lực nước ngoài", đồng thời kêu gọi các bên liên quan "ngừng quan hệ quân sự với đảo Đài Loan hoặc hỗ trợ các lực lượng ly khai tại hòn đảo". "Họ đang đùa với lửa và sẽ bị bỏng tay", phát ngôn viên này nhấn mạnh.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét