Video bị rò rỉ cho thấy tiêm kích F-35B Anh lao xuống Địa Trung Hải khi cất cánh, củng cố giả thuyết hút phải tấm che mưa bằng nhựa.
Video dài 16 giây được cho là do camera an ninh trên tàu sân bay ghi lại và được một nhà bình luận quốc phòng đăng trên Twitter hôm 29/11 cho thấy tiêm kích tàng hình F-35B từ từ lăn bánh dọc boong và lên cầu nhảy trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Tuy nhiên, thay vì cất cánh, tiêm kích đâm thẳng xuống biển, khiến những người xung quanh hoảng hốt chạy tới.
Một chiếc dù sau đó xuất hiện trên mặt biển khi phi công kích phóng ghế thoát hiểm khỏi tiêm kích gặp nạn. Phi công treo lơ lửng dưới sàn đáp do dây dù vướng vào rìa boong tàu, nhưng chỉ bị thương nhẹ và được trực thăng giải cứu an toàn.
Điều tra viên nghi ngờ sự cố ngày 17/11 xảy ra do tấm che mưa bằng nhựa không được tháo đúng cách trước khi tiêm kích tàng hình F-35B, trị giá 100 triệu bảng Anh (133 triệu USD) cất cánh. Tấm nhựa che mưa này nhiều khả năng đã bị hút vào động cơ tiêm kích, khiến nó mất lực đẩy trong lúc máy bay đang chạy đà.
Phi công điều khiển lập tức phát hiện vấn đề và cố gắng hủy cất cánh, nhưng không thể hãm tiêm kích nặng gần 20 tấn trên đường băng ngắn của tàu sân bay.
Lính hải quân Anh hôm 22/11 cho biết đã nhìn thấy các mảnh nhựa trôi ở vùng biển gần hiện trường tai nạn. Bộ Quốc phòng Anh chưa xác nhận thông tin này.
Để bảo quản máy bay trên hạm, hải quân các nước thường dùng những tấm nhựa chống nước bịt kín động cơ và nhiều thiết bị bên ngoài thân máy bay như ống không tốc, cảm biến góc tấn khi chúng đậu trên boong, nhằm ngăn nguy cơ hư hỏng và bảo đảm hoạt động chính xác.
Các tấm chắn đều có màu đỏ và gắn kèm những miếng cảnh báo bằng vải màu đỏ để thu hút sự chú ý của kỹ thuật viên và phi công. Tài liệu vận hành phi cơ cũng đề ra quy trình kiểm tra và tháo bỏ các tấm nhựa trước chuyến bay, tránh gây ra tai nạn.
Giới chuyên gia cho rằng Anh và Mỹ đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm xác chiếc F-35B trước Nga, nhất là khi nó được cho là còn gần như nguyên vẹn vì lao xuống biển ở tốc độ thấp ngay sau khi cất cánh. Nga chưa bình luận về sự việc, nhưng nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Anh cho biết "lực lượng Nga không rời mắt khỏi HMS Queen Elizabeth" từ sau tai nạn.
Trước khi xảy ra tai nạn, tàu sân bay Queen Elizabeth vận hành 18 tiêm kích F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, gồm 8 chiếc của Phi đoàn số 617 không quân Anh và 10 máy bay thuộc Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến số 211 của Mỹ.
Đây là lần đầu Anh mất một trong 24 tiêm kích F-35, là vụ rơi thứ năm của dòng tiêm kích này, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, và cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
Huyền Lê (Theo Sky)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét