Bầu không khí u ám bao trùm Đại học Công nghệ Tshwane, nơi ghi nhận nhiều ca nCoV gần đây ở Nam Phi, chủ yếu do biến chủng Omicron.
Số ca dương tính với nCoV tăng nhanh trong các sinh viên đã khiến Đại học Công nghệ Tshwane (TUT) ở thủ đô Pretoria của Nam Phi đã quyết định đình chỉ tất cả bài kiểm tra.
"Tuần trước, giới chức kiểm tra số liệu và nhận ra có quá nhiều sinh viên TUT mắc Covid-19", Nhlanhla Africa Maphosa, sinh viên của trường, cho biết hôm 27/11. "Chúng tôi không có số liệu cụ thể, chỉ biết rằng tỷ lệ sinh viên nhiễm virus là rất cao".
Nam Phi là quốc gia đầu tiên báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới về Omicron, biến chủng nCoV mới được cho là có khả năng lây lan cao hơn cả Delta. Dù chưa rõ biến chủng này có gây bệnh nặng hơn hay không, giới chức Pretoria và nhà trường đang thúc giục thanh niên, sinh viên tích cực đi tiêm chủng.
Rất ít sinh viên TUT muốn nói tới biến chủng Omicron, nhưng sự xuất hiện của nó khiến nhiều người không tiêm vaccine suy nghĩ lại, dù trung tâm tiêm chủng của trường đóng cửa cuối tuần qua. Chỉ 22% thanh niên 18-34 tuổi ở Nam Phi đã tiêm vaccine Covid-19.
Manqoba Zitha, một sinh viên đã tiêm, cho hay sẽ giục bạn cùng lớp đi tiêm.
"Tôi đang cố động viên họ đi tiêm bởi làm thế có thể tránh được nCoV, loại virus gây chết người và con số tử vong đang tăng lên", Zitha nói. "Bây giờ, khi mở tivi lên, chúng ta đều thấy người dân khắp nơi đi tiêm chủng, nên các bạn tôi cũng phải đi tiêm".
Hàng chục quốc gia trên thế giới đã đưa ra những biện pháp quyết liệt để ngăn biến chủng Omicron lây lan, trong đó có việc áp hạn chế đi lại với Nam Phi và các nước láng giềng.
Biện pháp này đã khiến nhiều lãnh đạo châu Phi giận dữ, bởi dù WHO coi Omicron là một biến chủng "đáng lo ngại", các nhà khoa học tới nay vẫn chưa rõ về độc lực hay khả năng né tránh vaccine của nó.
Những bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người từng nhiễm nCoV, theo WHO, nhưng có thể mất vài tuần để tìm hiểu các loại vaccine hiện nay có bị giảm hiệu quả bảo vệ trước biến chủng mới hay không.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả những quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với đất nước chúng tôi và các quốc gia láng giềng ở khu vực phía nam châu Phi lập tức và khẩn cấp đảo ngược quyết định của họ", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 28/11 tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc gia sau khi phát hiện biến chủng mới vào tuần trước.
Nhiều chuyên gia vẫn hy vọng vaccine vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng và tiếp tục khuyến khích mọi người tiêm chủng.
Tỉnh Gauteng, nơi đặt thủ đô hành chính Pretoria và thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg, là tâm chấn của làn sóng Covid-19 mới. Theo các bác sĩ Nam Phi, các ca nhiễm biến chủng mới có triệu chứng tương đối nhẹ và số ca nhập viện không tăng đột biến.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo đợt lây nhiễm lần này xảy ra chủ yếu ở thanh niên Nam Phi và tình hình có thể nghiêm trọng hơn nếu virus lan sang những người lớn tuổi chưa tiêm chủng. 41% người trên 18 tuổi ở Nam Phi đã tiêm chủng, nhưng tỷ lệ tiêm ở thanh niên rất thấp.
Ít nhất ba cơ sở giáo dục đại học Nam Phi là Đại học Cape Town, Đại học Witwatersrand ở Johannesburg và Đại học Free State ở Bloemfontein, đã thông báo quy định tiêm chủng bắt buộc với sinh viên vào năm tới. Một số chuyên gia cho rằng Nam Phi cần đề ra biện pháp quyết liệt hơn.
"Tôi cho rằng quyết định mà Nam Phi sắp đưa ra có lẽ xoanh quanh yêu cầu bắt buộc tiêm chủng với người dân", Mosa Moshabela, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học KwaZulu-Nata ở Durban, nói.
Người dân Nam Phi ngần ngại vaccine đến mức chính phủ gần đây đã yêu cầu các bên hoãn giao hàng để có thời gian tiêm hết 19 triệu liều vaccine Pfize và Johnson & Johnson còn tồn trong kho.
Tổng thống Ramaphosa hôm qua cũng kêu gọi người dân nhanh chóng đi tiêm. "Tối nay, tôi kêu gọi ai chưa tiêm hãy tới điểm tiêm chủng gần nhất", ông nói. "Nếu có ai trong gia đình hay bạn bè của bạn chưa tiêm, hãy động viên họ làm điều đó".
Các nhà khoa học từ lâu đã dự đoán sẽ xuất hiện biến chủng mới, nhưng sự trỗi dậy nhanh chóng của Omicron vẫn khiến các chuyên gia y tế Nam Phi bị sốc.
Làn sóng ca nhiễm này bắt đầu sau vài bữa tiệc sinh viên ở Pretoria. Số ca dương tính ban đầu chỉ vài trăm mỗi ngày, nhưng nhanh chóng tăng vọt lên vài nghìn. Nam Phi hôm 27/11 ghi nhận 3.220 ca nhiễm mới, trong đó 82% được phát hiện ở điểm nóng Gauteng. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của làn sóng trước, khi Nam Phi mỗi ngày ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm.
Tulio de Oliveira, giám đốc Nền tảng Nhiên cứu Sáng tạo và Giải trình tự gene KwaZulu-Natal, cho hay 90% ca nhiễm mới ở tỉnh Gauteng do biến chủng Omicron gây ra. Biến chủng này cũng đã được ghi nhận trên toàn 9 tỉnh của Nam Phi.
"Chúng tôi từng dự đoán có thể sẽ xuất hiện biến chủng mới trong làn sóng thứ tư, nhưng không nghĩ đó sẽ là một biến thể mang theo nhiều đột biến như vậy", Moshabela, chuyên gia của Đại học KwaZulu-Natal, nói. "Chúng tôi thực sự bị sốc".
Hồng Hạnh (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét