Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Mỹ khen Nam Phi sớm phát hiện chủng Omicron

Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi Nam Phi nhanh chóng phát hiện và chia sẻ thông tin về chủng Omicron, động thái dường như để ngầm chỉ trích Trung Quốc.

"Ngoại trưởng Antony Blinken đặc biệt ca ngợi các nhà khoa học Nam Phi đã nhanh chóng xác định biến chủng Omicron, cũng như chính phủ nước này vì sự minh bạch trong chia sẻ thông tin. Đây là hình mẫu cho cả thế giới", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor hôm qua.

Quan chức hai nước cũng thảo luận về hợp tác nhằm triển khai vaccine Covid-19 cho người dân châu Phi trong cuộc điện đàm.

Ngoại trưởng Blinken họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/11. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Blinken họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/11. Ảnh: AFP.

Biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn sau đó hai ngày và đổi tên biến chủng này thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.

Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh vaccine Covid-19 hiện tại hay không.

Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch về nguồn gốc và che giấu thông tin về nCoV trong thời gian dài, khiến đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán hồi tháng 12/2019 lan ra khắp thế giới và làm gần 5,2 triệu người chết.

Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn một của nhóm chuyên gia WHO tại Vũ Hán hồi đầu năm bị giới khoa học quốc tế và một số nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản chỉ trích còn nhiều thiếu sót do thiếu minh bạch, độc lập với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận điều này, khẳng định đã minh bạch và hoàn thành trách nhiệm hỗ trợ cuộc điều tra.

Tổng thống Biden hồi tháng 5 ra lệnh cho tình báo Mỹ thực hiện cuộc điều tra trong 90 ngày. Tuy nhiên, sau ba tháng "gấp đôi nỗ lực", cộng đồng tình báo vẫn chưa chắc chắn về nguồn gốc Covid-19.

Vũ Anh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét