Nam Phi, nơi số ca nhiễm biến chủng Omicron đang tăng nhanh, từng phải từ chối nhận thêm vaccine do vô số khó khăn trong chiến dịch tiêm chủng.
"Nam Phi đã từ chối đề xuất của Mỹ chuyển thêm vaccine Covid-19 cho nước này, cũng không đề nghị cấp thêm vaccine sau gần 8 triệu liều được Mỹ viện trợ trước đó", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo hôm 29/11.
Tiết lộ của Psaki khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi Nam Phi đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, khi nước này là nơi đầu tiên báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biến chủng Omicron. Quốc gia này cũng đang trở thành điểm nóng Covid-19, khi ghi nhận số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng theo cấp số nhân gần đây.
Không giống nhiều nước láng giềng ở châu Phi, Nam Phi không lâm vào tình trạng thiếu hụt vaccine và là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu lục. Thế nhưng, nước này tới nay mới chỉ tiêm đầy đủ vaccine cho chưa đầy 25% trong dân số 59,3 triệu người, dù nguồn cung không phải là vấn đề.
Tỷ lệ tiêm vaccine của Nam Phi hiện là 42 liều/100 người, trong khi mức trung bình toàn cầu đã vượt 100/100 và cao hơn nữa tại các quốc gia phát triển. Ở những nước châu Phi khác, con số này thậm chí thấp hơn nhiều, như Lesotho mới đạt 30/100 và Namibia là 25/100.
Nguồn cung vaccine của châu Phi phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương, những lô hàng tài trợ và từ chương trình Covax. Hồi đầu năm, các nước châu Phi gần như không nhận được vaccine thông qua Covax do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, nhưng tình hình được cải thiện vào tháng 7 và tháng 8.
Mặc dù nguồn cung cho châu Phi đã tăng lên, Liên minh Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) cho biết các lô vaccine đến nay vẫn được giao "đột xuất, ít được báo trước và hạn sử dụng ngắn".
Sau vài tháng chờ đợi mòn mỏi, nhiều nước, trong đó có Nam Phi, bỗng nhiên được tiếp nhận ồ ạt vài triệu liều cùng lúc, gây quá tải cho hạ tầng bảo quản cùng hệ thống y tế vốn hạn chế về năng lực, đồng thời khiến công tác lập kế hoạch tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức nghiên cứu Airfinity cho biết trong vài tháng qua, Nam Phi đã nhận 32,5 triệu liều vaccine, dù dân số trưởng thành của nước này là khoảng 40 triệu người. Toàn châu Phi, nơi có dân số hơn 1,2 tỷ người, đã nhận được 384 triệu liều.
Nguồn cung vaccine về nhiều đến mức Bộ Y tế Nam Phi tuần trước phải thông báo tạm ngừng nhận thêm vì đã dự trữ quá nhiều. Theo một quan chức, Nam Phi hiện có 16,8 triệu liều vaccine lưu trong kho. Vài nước châu Phi đã phải vứt bỏ một phần vaccine vì hết hạn, hoặc không có kho bảo quản đủ tiêu chuẩn đối với những loại như của Pfizer, đòi hỏi được trữ trong tủ đông sâu.
Ron Whelan, người đứng đầu nhóm chuyên trách Covid-19 của công ty bảo hiểm Discovery, đơn vị tham gia triển khai tiêm chủng tại Nam Phi, cho biết nước này không thiếu kho dự trữ đáp ứng tiêu chuẩn, nhưng lại vướng nhiều vấn đề khác khiến công tác tiêm chủng bị đình trệ và không thể tiếp nhận thêm vaccine.
Theo Whelan, các yếu tố ảnh hưởng quan trọng bao gồm tâm lý ngần ngại vaccine, thái độ thờ ơ của người dân và những rào cản về hậu cần, khi nhiều người không thể di chuyển đến địa điểm tiêm chủng. Ông cho biết công suất tối đa trong chương trình tiêm chủng của Nam Phi là khoảng 211.000 liều mỗi ngày. Đến tháng 9, tỷ lệ này giảm xuống còn 110.000 liều mỗi ngày.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla chỉ ra rằng tin giả đang khiến người dân, đặc biệt là các nhóm người trẻ, thiếu tin tưởng vào vaccine. Những thông tin sai lệch, hoặc tình trạng thiếu tin tích cực, gieo rắc nỗi sợ hãi về mức độ an toàn khi tiêm chủng, dù thực tế cho thấy các biến chứng nghiêm trọng cực kỳ hiếm.
Cùng với sự thật là những người đã tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus, một bộ phận dân Nam Phi tin rằng vaccine không hiệu quả, mà không để ý đến yếu tố vaccine giúp giảm mức độ diễn tiến nghiêm trọng của Covid-19, ngăn nhập viện và tử vong ở hầu hết những người được tiêm.
Khả năng tiếp cận vaccine của người dân cũng là yếu tố quan trọng cản trở công tác tiêm chủng. Theo một báo cáo được gửi lên Bộ Y tế Nam Phi, tại khu vực tây bắc đất nước, nhiều người dân vùng nông thôn rất khó di chuyển đến điểm tiêm chủng.
Sarah Downs, nhà nghiên cứu về vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Wits ở thành phố Johannesburg, cho biết các địa điểm tiêm chủng không được thiết lập tại khu vực cư trú của người dân, trong khi hệ thống giao thông công cộng lạc hậu ở nhiều nơi gây trở ngại và tốn kém khi di chuyển. Một số người còn hiểu lầm rằng họ phải trả tiền để được tiêm.
Nhà Trắng hôm 29/11 cho biết một số cơ quan liên bang đang làm việc với các chuyên gia và tổ chức châu Phi nhằm cung cấp nguồn lực, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để tăng khả năng tiếp cận vaccine tại châu lục này. Mỹ đã cung cấp hơn 273 triệu USD cho các nước miền nam châu Phi thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế của nước này, bao gồm gần 12 triệu USD để cung cấp và phân phối vaccine.
"Nguồn cung vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng đã đến lúc hướng sự chú ý sang công tác vận chuyển vaccine", Amanda Glassman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu của Mỹ, nhận định. Glassman cho rằng cần chú trọng hơn vào số lượng vaccine hiện có và cách vận chuyển, phân phối chúng đến người cần tiêm.
Một khảo sát của Đại học Johannesburg cho thấy người da trắng ở Nam Phi có thái độ ngần ngại tiêm chủng hơn so với người da màu, nhưng lại là những người có cơ hội tiêm cao hơn, do dễ tiếp cận với dịch vụ y tế hơn.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác tại châu Phi lại không vấp phải những trở ngại này và tiến hành chiến dịch tiêm chủng khá thuận lợi, dù nguồn cung hạn chế. Khảo sát tại Botswana, láng giềng của Nam Phi, cho thấy 76% người dân nước này chấp nhận tiêm vaccine, giúp họ tiêm chủng nhanh và đề nghị thế giới cung cấp thêm vaccine.
Dù chưa rõ nguồn gốc chính xác của biến chủng Omicron cũng như mức độ lây truyền và khả năng né tránh vaccine của nó, các chuyên gia dịch tễ quốc tế đều cho rằng các biến chủng nCoV là hậu quả dễ dự đoán của tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu.
"Khi vẫn còn lượng lớn người chưa được tiêm chủng, nCoV vẫn có cơ hội đột biến và tiếp tục lây lan", tiến sĩ Michael Saag, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama, nhận định. "Biến chủng xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian và nếu tình trạng này càng kéo dài, nguy cơ càng tăng".
Ánh Ngọc (Theo Washington Post, BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét