WHO kêu gọi các nước giữ bình tĩnh và thực hiện biện pháp "hợp lý" trước biến chủng Omicron, sau những phản ứng gấp rút ban đầu.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp giảm thiểu rủi ro một cách hợp lý và tương xứng. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, có sự phối hợp và mạch lạc", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm nay phát biểu.
Sau khi Nam Phi hôm 25/11 công bố về Omicron, biến chủng nCoV mới có tới 50 đột biến, nhiều nước trên toàn cầu đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng này, thúc đẩy hàng loạt chính phủ nhanh chóng áp lệnh hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi. Tuy nhiên, WHO không khuyến khích động thái này, bởi lo ngại gây ra bất công đối với các nước phát hiện chủng mới đầu tiên.
"Tôi xin gửi lời cảm ơn Botswana và Nam Phi vì đã phát hiện, giải trình gene và báo cáo về biến chủng mới rất nhanh chóng", Tedros cho biết, đồng thời bày tỏ "lo ngại sâu sắc khi những nước này đang bị trừng phạt vì làm điều đúng đắn".
Giám đốc WHO nhấn mạnh chưa rõ mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron. "Chúng ta vẫn có nhiều câu hỏi hơn đáp án về ảnh hưởng của Omicron đối với sự lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh, cũng như hiệu quả xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng", ông cho hay.
Tedros cho biết mong muốn bảo vệ công dân của các nước là điều dễ hiểu, nhưng ông cũng lo ngại một số quốc gia thành viên WHO "đang đưa ra những biện pháp thiếu cân nhắc, đánh đồng" và sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
"Chúng ta càng cho phép đại dịch kéo dài, bằng cách không giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine, hoặc không thực hiện các biện pháp y tế và xã hội một cách phù hợp và nhất quán, thì càng tạo cơ hội cho virus đột biến theo những hướng không thể dự đoán hoặc ngăn chặn", Tedros nói.
Biến chủng Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. WHO hôm 26/11 tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại.
Omicron có tới hơn 50 đột biến, trong đó ít nhất 32 đột biến nằm trên protein gai, bộ phận giúp virus bám dính và xâm nhập tế bào của người, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dễ dàng và thậm chí né miễn dịch. Tuy nhiên, WHO cho hay vẫn chưa thể chắc chắn về các đặc tính của biến chủng này.
Ánh Ngọc (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét