Hôm 23/11, Nhật Bản ghi nhận 107 ca Covid-19. Đây là một bước sụt giám đáng kể so với 25.992 ca được báo cáo vào ngày 20/8, mức đỉnh của đợt dịch thứ 5 tấn công Nhật Bản với số ca nhiễm trung bình 7 ngày là 21.247.
Khi được hỏi về lý do ca nhiễm giảm đột ngột, Kazuhiro Tateda, chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, thành viên ban cố vấn chính phủ, nói ông "chưa thể biết chắc chắn".
"Hiện tại, lời giải thích khả dĩ nhất là nó bắt nguồn từ nhiều yếu tố kết hợp lại", Tateda cho hay.
Theo ông, tỷ lệ tiêm chủng cao, sau một khởi đầu mờ nhạt, là yếu tố khá quan trọng. Đến nay, 78% dân số Nhật đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19. Song đây chắc chắn không phải yếu tố duy nhất bởi 79% dân số Hàn Quốc cũng đã tiêm vaccine đủ phác đồ nhưng virus vẫn trỗi dậy trở lại.
"Yếu tố khác dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm thấp hiện nay có thể là do Nhật Bản đã triển khai mạnh tiêm vaccine từ tháng 7 đến tháng 9, 40% số mũi tiêm toàn quốc đã được thực hiện trong giai đoạn này. Nhờ đó, chúng tôi giờ được hưởng mức độ miễn dịch cao hơn", ông lập luận.
Ngược lại, Hàn Quốc và các quốc gia khác đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng sớm hơn và quá trình này diễn ra từ từ, đồng nghĩa hiệu quả của vaccine có thể sẽ suy giảm với những người đã tiêm vaccine sớm.
Đây chính là điều khiến Nhật Bản lo ngại vì hiệu quả của vaccine có thể suy giảm vào những tháng đầu năm tới, đối với những người đã tiêm vào giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.
"Tôi sợ rằng đó sẽ là thời điểm nguy hiểm đối với Nhật Bản và chúng tôi phải đề cao cảnh giác", ông lưu ý.
Cái mà giới chuyên gia gọi là "hiệu ứng truyền thông" có thể là một lý do khác khiến tỷ lệ lây nhiễm hiện tại của Nhật giảm xuống mức thấp đáng kinh ngạc. Truyền thông đưa tin rộng rãi về Covid-19 đã khiến mọi người cẩn thận hơn khi ra ngoài và hạn chế lui tới những địa điểm đông đúc như quán bar hay nhà hàng.
"Nếu bạn nhìn xung quanh, hầu như mọi người vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản nhằm chống lại virus như đeo khẩu trang, khử trùng tay, giữ khoảng cách", Tateda cho hay. "Đây có lẽ là yếu tố thuộc về tính cách và văn hóa Nhật Bản, nhưng nó đang phát huy lợi thế trong tình huống này".
Những người chỉ trích cách chính phủ xử lý khủng hoảng lại cho rằng số ca nhiễm mới giảm là do tỷ lệ xét nghiệm thấp. Tỷ lệ xét nghiệm của Nhật Bản luôn ở mức thấp so với các quốc gia phát triển. Thống kê từ trang Our World in Data cho thấy vào ngày 27/10, tỷ lệ xét nghiệm trung bình 7 ngày trên 1.000 người là 0,35 so với 12,37 của Anh, 4,13 của Singapore hay 2,22 của Canada.
Theo các nhà phê bình, nguyên nhân khác khiến số ca Covid-19 thấp còn có thể do bệnh nhân không được theo dõi đúng cách và thống kê đầy đủ. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính được khuyến khích cách ly tại nhà nhằm tránh khiến hệ thống y tế bị quá tải. Một báo cáo cho thấy chỉ riêng trong tháng 8 đã có 250 người cách ly tại nhà tử vong.
Tuy nhiên, số người chết do Covid-19 cũng đã giảm song song với số ca nhiễm mới. Nhật ghi nhận một ca tử vong vào ngày 24/11, giảm đáng kể so với mức 89 ca vào ngày 8/9.
Giới chức y tế không phải lúc nào cũng có thể thống kê chính xác số ca nhiễm. Tokyo hồi cuối tháng 10 xác nhận 4.512 ca Covid-19 đã bị báo cáo thiếu trong 6 tháng kể từ ngày 2/4, trong khi 447 ca bị báo cáo hai lần.
Một giả thuyết đang nổi lên gần đây giải thích cho tình trạng số ca nhiễm giảm đột ngột là virus có thể đã "tự hủy".
Theo các chuyên gia tại Viện Di truyền Quốc gia, biến thể Delta ở Nhật Bản dễ lây lan, song khi đột biến chồng chất lên nhau, virus cuối cùng bị lỗi, không thể tự sao chép. Đối chiếu thực tế rằng số ca nhiễm nước này không tăng, các nhà khoa học phỏng đoán nCoV đã tự hủy sau một thời gian đột biến.
Tateda cho rằng giả thuyết này hợp lý song vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời.
"Câu hỏi đầu tiên là tại sao điều này không xảy ra sớm hơn vì hiện tượng virus gặp lỗi đã xuất hiện từ đợt bùng dịch thứ ba hồi tháng một năm nay", ông nói. "Ngoài ra, lỗi này cũng đã được ghi nhận ở một số quốc gia khác tại châu Á, nhưng tác động mới chỉ xuất hiện ở Nhật Bản. Tại sao? Chúng tôi không biết".
Một giả thuyết khác được quan tâm là khi mùa đông đến và nhiệt độ giảm xuống, tỷ lệ lây nhiễm sẽ gia tăng. Điều này đang đúng với Hokkaido, Yoko Tsukamoto, giáo sư kiểm soát lây nhiễm tại Đại học Y khoa Hokkaido, cho hay.
"Tình hình ở đây không quá tốt và tỷ lệ lây nhiễm đang cao hơn các khu vực khác của Nhật Bản. Điều này dường như có liên quan đến nhiệt độ", bà nói. "Virus dường như ưa thích nhiệt độ từ 5 đến 15 độ C".
Nếu giả thuyết trên chính xác, Nhật Bản có thể sẽ phải trải qua một mùa đông tồi tệ khi các chuyên gia khí tượng cảnh báo nhiệt độ năm nay sẽ thấp hơn bình thường và tuyết rơi nhiều hơn.
"Tôi sợ rằng trong một vài tuần nữa, khi nhiệt độ ở các khu vực khác của Nhật Bản bắt đầu giảm xuống, số ca nhiễm sẽ tăng trở lại, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao hay tất cả những biện pháp phòng ngừa khác mà chúng ta đang thực hiện", Tsukamoto cho hay.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ, đặc biệt khi một biến chủng mới vừa được phát hiện ở châu Phi.
"Chúng ta có thể chứng kiến đợt bùng phát mới trong những tháng tới, nhưng tôi nghĩ hiện tại, chúng ta đã được chuẩn bị tốt hơn", Tateda nhận định. "Chính phủ đã chuẩn bị nhiều giường hơn tại các bệnh viện để đề phòng một đợt sóng mới trỗi dậy và các công ty dược phẩm sắp phát triển thành công một loại thuốc uống".
"Chúng ta đã học được rất nhiều điều và tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có khả năng ngăn chặn số ca nhiễm tăng đột biến trong đợt sóng thứ sáu", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét