Lauren Kennedy Brady hạ cánh ở Johannesburg ngày 26/11 với hàng loạt tin nhắn và tin tức cảnh báo về biến chủng Omicron mới xuất hiện tại Nam Phi.
Kennedy Brady, nghệ sĩ kỳ cựu ở bang Bắc Carolina, Mỹ đang trên đường trở về nhà sau 11 ngày lưu diễn ở châu Phi cùng mẹ, con gái và cháu. Johannesburg là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình trở về qua nhiều điểm quá cảnh từ Zambia tới thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina.
Mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ trước khi tới Johannesburg. Nhưng khi xem điện thoại, nghệ sĩ 47 tuổi biết biến chủng mới đã xuất hiện ở Nam Phi. Không lâu sau, cả gia đình bị mắc kẹt khi chuyến bay tiếp theo bị hủy vì các lệnh hạn chế mới.
"Chúng tôi đã không gặp bất kỳ vấn đề gì trong hành trình trước đó. Tất nhiên vẫn có các quy định nhưng đó đơn giản là thế giới mà chúng ta đang sống", Kennedy Brady nói. "Nhưng với điều vừa xảy ra chỉ trong vài phút này, mọi thứ dường như đã dừng lại".
Hành trình bị gián đoạn của Kennedy Brady và gia đình cô, cũng như nhiều người khác xảy ra khi chính phủ hàng loạt nước nhanh chóng áp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới với các nước phía nam châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron.
"Chúng tôi tưởng mình đã thoát khỏi đường hầm dài tăm tối. Nhưng giờ mọi thứ về cơ bản quay lại vạch xuất phát", Julian Harrison, chủ công ty du lịch Premier Tours ở Philadelphia, chuyên cung cấp dịch vụ du lịch tới châu Phi, chia sẻ.
Sau khi Omicron được phát hiện, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước khác yêu cầu dừng đi lại tới Nam Phi và các nước lân cận, dù nhiều quan chức châu Phi và một số chuyên gia y tế chỉ trích động thái này. Israel thậm chí còn cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh, trong khi Morocco thông báo đình chỉ các chuyến bay đến trong hai tuần. Quy định xét nghiệm và cách ly mới cũng được nhiều nước ban hành.
"Mọi người đã quá mệt mỏi và muốn nó kết thúc", David Freedman, lãnh đạo Hiệp hội Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Mỹ, nói.
Sean Park-Ross có kế hoạch trở về Nam Phi và tận hưởng mùa Giáng sinh bên gia đình, bạn bè. Sau đó, tin tức về biến chủng ập đến. Park-Ross, một người chuyên về phát triển phần mềm và hiện ở Mexico City, cho rằng ngay cả khi đến được Nam Phi, anh có thể phải ở lại một thời gian trước khi có thể rời đi.
"Tôi thực sự muốn được gặp họ bởi nhiều năm nay tôi đã đi khắp thế giới", Park-Ross nói về bố mẹ ngoài 70 tuổi và đứa cháu trai 5 tuổi. "Điều này thật tệ".
Lin Chen, giám đốc Trung tâm Y học Du lịch tại Bệnh viện Mount Auburn ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, nói các biện pháp hạn chế có thể không ngăn được virus, nhưng giúp cho thế giới thêm thời gian để tìm hiểu về Omicron.
"Đi lại tới các khu vực bị ảnh hưởng sẽ vướng nhiều bất tiện và quy định mới do lo ngại về biến chủng", Chen nói. Bà thêm rằng du khách nên cân nhắc xem liệu có chấp nhận được những thách thức đó hay "tốt hơn là chờ tới khi biết thêm về Omicron".
Tin tốt là giới khoa học đang tăng tốc rất nhanh trong cuộc đua với biến chủng. "Chúng ta sẽ có câu trả lời cho một số câu hỏi phức tạp trong vài tuần thay vì vài tháng", Freedman nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng có thể mất vài tuần trước khi biết liệu vaccine có hiệu quả với Omicron hay không. Ông thêm rằng mình sẽ không đi du lịch tới bất kỳ nước nào từ giờ tới cuối năm, để tránh nguy cơ bị mắc kẹt.
Khi tin tức về biến chủng xuất hiện, Kennedy Brady cho biết cảnh tượng ở sân bay thực sự hỗn loạn. Những hàng người xếp dài trước các quầy dịch vụ khách hàng, lo lắng về cách họ tới các điểm đến ngoài Nam Phi.
"Không khí thật hoảng loạn bởi có quá nhiều cuộc trao đổi xung quanh chúng tôi. Mọi người dường như chỉ có một câu hỏi là họ phải làm gì tiếp theo", Kennedy Brady kể.
Sự thất vọng có thể được cảm nhận rõ nhất ở nhiều du khách quốc tế, những người vừa lấy lại được chút cảm giác an toàn để ra nước ngoài lần nữa.
Ayesha Shaw, một cư dân Johannesburg, nói cô đã chắc rằng mình có thể gặp lại bạn trai ở Mỹ sau nhiều tháng chia cách vì các biện pháp hạn chế. Shaw đã mua vé chuyến bay ngày 27/11 tới New York để gặp người yêu, nhưng bắt đầu thấy lo lắng khi tin tức về biến chủng xuất hiện nhiều vào ngày 26/11. Vài phút sau khi bước sang ngày 27/11, cô nhận được email từ hãng Turkish Airlines rằng chuyến bay rời Johannesburg bị hủy.
"Lúc đó tôi mệt mỏi và chán nản tới mức chỉ muốn đi ngủ", cô gái 28 tuổi nhớ lại. "Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên tôi làm là khóc".
Park-Ross, người ở Mexico City, nói anh hiểu các biện pháp hạn chế là điều cần thiết, nhấn mạnh anh luôn tin tưởng và làm theo khoa học. "Nhưng tôi hy vọng khi chúng ta biết nhiều hơn về chủng Omicron, các lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ nhanh như cách chúng được áp đặt", Park-Ross nói.
Shaw cũng cảm thấy thất vọng về các biện pháp hạn chế đi lại khi cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến nghị cách làm như vậy. Cô đã tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và tiêm vaccine. "Có cảm giác là ngay cả khi bạn thực hiện mọi điều đúng đắn, bạn vẫn không thể làm những điều mình muốn", cô nói.
Freedman thừa nhận tâm lý hoảng loạn do xuất hiện chủng mới là điều không nên. Ông tin giống như virus cúm, loại luôn tiến hóa và yêu cầu tiêm chủng vào mỗi mùa đông, thế giới phải học cách sống chung với nCoV và các biến chủng của nó.
"Chúng ta không thể sống như thế này mãi, không thể mỗi lần xuất hiện chủng mới ở đâu đó trên thế giới là lại thấy hoảng loạn", ông nói.
Kennedy Brady và gia đình đang cố tìm một khách sạn ở Johannesburg và hạn chế tiếp xúc với người khác vì lo ngại biến chủng. Họ tìm kiếm những cách khác để rời khỏi Nam Phi với sự hỗ trợ từ gia đình ở Mỹ. Là công dân Mỹ, họ được phép trở về nhưng đang gặp khó khăn để tìm được một chuyến bay.
Cho tới giờ, cô vẫn cô nghĩ tới những điều tích cực. "Chúng tôi vẫn an toàn, khỏe mạnh và ở bên nhau", cô nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét