WHO kêu gọi các nước nghiên cứu thiệt hại từ Covid-19 và không để điều này tái diễn bằng cách tham gia hiệp ước chống đại dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cảnh báo đại dịch thảm khốc khác chắn chắn sẽ tái diễn, trừ khi các quốc gia thể hiện quyết tâm tăng cường phòng bị toàn cầu.
"Sự xuất hiện của Omicron là lời nhắc nhở rằng chúng ta chưa xử lý xong Covid-19, cũng như nhấn mạnh tình hình nguy hiểm và bấp bênh thế nào. Omicron chỉ ra lý do tại sao thế giới cần một hiệp định mới về đại dịch", ông nói.
Phát biểu được đưa ra trong cuộc họp do WHO chủ trì ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 29/11-1/12, trong đó bàn về thỏa thuận quốc tế nhằm đối phó với đại dịch tiếp theo. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới, kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Trung Quốc gần hai năm trước và biến chủng Omicron với nhiều đột biến được phát hiện gần đây đang gây lo ngại.
Các thành viên WHO đã đạt đồng thuận về khởi động tiến trình thiết lập hiệp ước chống đại dịch. Dự thảo quyết định được chấp thuận sau khi một số quốc gia đồng ý thỏa hiệp, đặc biệt là Mỹ, nước thờ ơ với vấn đề hiệp ước có cần mang tính ràng buộc pháp lý hay không. Quyết định cuối cùng dự kiến được thông qua ngày 1/12.
Cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO với 194 thành viên, là phiên họp chưa từng có về cách xử lý đại dịch tiếp theo. Phiên họp sẽ cho thấy sự sẵn sàng của các nước để hướng tới cam kết mang tính ràng buộc pháp lý về phân phối vaccine công bằng, chia sẻ kiến thức, tài chính và cơ cấu giám sát. Thỏa thuận cuối cùng dự kiến có hiệu lực từ năm 2024.
Một vấn đề then chốt là các quốc gia có muốn tăng cường quyền lực cho WHO để điều tra nguồn gốc đại dịch hay không. Tedros cho biết thiếu chia sẻ dữ liệu sớm trong Covid-19 là một trở ngại.
Theo dự thảo quyết định, các thành viên WHO đồng ý thành lập cơ quan đàm phán liên chính phủ "để soạn thảo và đàm phán công ước, thỏa thuận của WHO hoặc công cụ quốc tế khác nhằm phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó đại dịch". Cuộc họp đầu tiên của cơ quan này phải diễn ra muộn nhất ngày 1/3/2022 để bầu hai đồng chủ tịch và 4 phó chủ tịch.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét