Bác sĩ Angelique Coetzee cảnh báo giới chức Nam Phi sau khi nhiều bệnh nhân đến phòng khám của bà với triệu chứng Covid-19 "bất thường nhưng nhẹ".
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee bắt đầu chú ý tới nguy cơ xuất hiện biến chủng nCoV mới hồi đầu tháng 11, sau khi hàng loạt bệnh nhân Covid-19 đến phòng khám tư của bà ở thủ đô Pretoria với những triệu chứng khác thường.
"Trong số này có những người trẻ tuổi thuộc nhiều nhóm dân cư khác nhau, tất cả đều cực kỳ mệt mỏi. Không ai bị mất khứu giác hay vị giác. Triệu chứng của họ rất khác lạ và nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị", bác sĩ Coetzee nói hôm qua.
Bà phát cảnh báo đến ủy ban cố vấn vaccine Nam Phi ngày 18/11, sau khi gia đình 4 người có triệu chứng kiệt sức hoàn toàn cho kết quả xét nghiệm dương tính nCoV.
Bác sĩ Coetzee cho biết hơn 20 bệnh nhân Covid-19 của bà có những triệu chứng của biến chủng Omicron, một nửa trong số đó chưa tiêm vaccine. "Một ca bệnh đáng chú ý là đứa bé 6 tuổi với thân nhiệt và nhịp tim rất cao, khiến tôi tự hỏi có nên tiếp nhận và điều trị cháu hay không. Cô bé đã khỏe hơn rất nhiều khi được tái khám sau đó hai ngày", bà nói.
Bác sĩ Coetzee khẳng định các bệnh nhân của bà đều là người trẻ và khỏe mạnh, bày tỏ lo ngại biến chủng Omicron có thể tác động nghiêm trọng tới người cao tuổi, nhất là nhóm đi kèm bệnh nền về tim và tiểu đường. "Điều đáng lo là có thể xuất hiện rất nhiều người có triệu chứng nặng của Covid-19 khi biến chủng mới lây sang nhóm người cao tuổi và chưa tiêm vaccine", bà cảnh báo.
Coetzee trước đó bày tỏ không hài lòng với phản ứng từ các nước những ngày qua, trong đó bao gồm cấm nhập cảnh với người đến từ những quốc gia phía nam châu Phi. "Virus dễ lây nhiễm, nhưng với tư cách người hành nghề y, chúng tôi không hiểu vì sao vấn đề đang được thổi phồng dù quá trình nghiên cứu chưa hoàn tất", bà nói.
Biến chủng nCoV mới mang định danh B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn sau đó hai ngày và đổi tên biến chủng này thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.
Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh vaccine Covid-19 hiện tại hay không.
Hình minh họa được Bệnh viện Bambino Gesu ở Italy công bố ngày 27/11 chỉ ra rằng Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18. Hiện chưa có ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học về hình minh họa trên của nhóm nghiên cứu Bambino Gesu.
Vũ Anh (Theo Telegraph)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét