6 lính Mỹ và Đức cùng ăn bữa tối đêm Giáng sinh năm 1944, trở thành biểu tượng của tình người trong những ngày đen tối của Thế chiến II.
Tháng 12/1944, cục diện chiến trường ở Mặt trận phía Tây nhanh chóng chuyển biến theo hướng bất lợi cho Đức, buộc trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh chủ động tấn công ở rừng Ardennes để chặn đà tiến công của quân Đồng minh vào Đức. Dù giao tranh ác liệt, binh sĩ hai bên vẫn thể hiện phép lịch sự vào đêm Giáng sinh, khi cùng thưởng thức bữa tối trong túp lều của một gia đình Đức.
Trong suốt mùa đông 1944-1945, Elisabeth Vincken và con trai Fritz 12 tuổi trú ẩn trong lều săn bắn của chồng ở rừng Hurtgen, cách thị trấn Monschau gần biên giới Bỉ khoảng 6,5 km. Aachen, thị trấn quê nhà của họ, khi đó đang bị quân Đồng minh ném bom. Chồng Elisabeth ở lại phục vụ trong lực lượng phòng không bảo vệ thị trấn.
Tối 24/12/1944, Elisabeth Vincken nghe thấy tiếng gõ cửa khi đang chuẩn bị bữa tối. Cô tắt nến, mở cửa và phát hiện ba lính Mỹ, trong đó một người bị thương nặng. Họ có vũ khí và thừa sức xông vào nhà nhưng không làm vậy mà lịch sự gõ cửa. Do đó, người phụ nữ Đức mời nhóm lính Mỹ vào nhà.
Ba lính Mỹ tự giới thiệu tên là Jim, Robin và Harry. Họ bị lạc trong rừng Ardennes đầy tuyết trắng khi cố tìm đường trở lại phòng tuyến. Họ đã bị lạc trong rừng suốt ba ngày trước khi phát hiện túp lều của mẹ con Elisabeth đúng vào đêm Giáng sinh. Do không biết tiếng của nhau, họ giao tiếp bập bẹ bằng tiếng Pháp.
Sau khi nghe câu chuyện và thấy tình trạng của nhóm lính Mỹ, Elisabeth quyết định mời họ ăn bữa tối Giáng sinh với khoai tây và thịt gà. Jim hỗ trợ cô nấu nướng, trong khi Robin chăm sóc đồng đội Harry bị thương.
Túp lều trong rừng phút chốc tràn ngập mùi thơm từ căn bếp. Đột nhiên, tiếng gõ cửa lại vang lên bên ngoài. Cậu bé Fritz nghĩ rằng sẽ có thêm lính Mỹ đi lạc tìm đến, nhưng chết lặng khi thấy ba lính Đức lúc mở cửa. Cậu bé ý thức được rằng hành động chứa chấp quân địch có thể khiến cả gia đình bị xử tử.
Elisabeth vội lao ra cửa và chào đón những người lính Đức bằng lời chúc Giáng sinh an lành. Giống nhóm lính Mỹ, ba người đều rất trẻ. Họ cho biết bị lạc khỏi trung đoàn và ngỏ ý xin qua đêm trong lều. Elisabeth đồng ý và mời họ ăn tối.
"Tuy nhiên, nhà tôi có ba vị khách khác, những người mà các cậu không coi là bạn. Hôm nay là đêm Giáng sinh và không được nổ súng ở đây", Elisabeth cảnh báo.
Nhóm lính Đức biết Elisabeth đang chứa chấp quân Mỹ nhưng vẫn quyết định nghe lời cô. Họ bỏ vũ khí trên đống gỗ và đi vào túp lều. Lính Mỹ cũng đã bỏ vũ khí bên ngoài theo yêu cầu của Elisabeth.
Do bàn ăn không đủ chỗ, hai lính Đức và hai lính Mỹ phải ngồi trên giường của chủ nhà. Không khí bữa ăn ban đầu rất căng thẳng, nhưng dần cởi mở hơn.
Một lính Đức biết tiếng Anh và từng là sinh viên ngành y nên có thể đánh giá sức khỏe của binh sĩ Mỹ bị thương. Người này kết luận rằng Harry bị mất nhiều máu nhưng vết thương không bị nhiễm trùng nhờ thời tiết lạnh giá, chỉ cần nghỉ ngơi và chăm sóc đầy đủ.
Sau khi Elisabeth cầu nguyện trước bữa ăn, những giọt nước mắt đã chảy dài trên khuôn mặt mệt mỏi của các binh sĩ hai bờ chiến tuyến. Họ cùng nhau thưởng thức món gà quay. Lính Đức chia sẻ một ổ bánh mì và chai rượu vang với binh sĩ Mỹ, một nửa số rượu được Elisabeth giữ lại cho người lính Mỹ bị thương.
Cuộc đình chiến trong túp lều kéo dài đến sáng hôm sau. Binh sĩ hai bên được chủ nhà nấu cho một đĩa cháo yến mạch trước khi rời đi. Người lính Mỹ bị thương cũng được khiêng bằng một chiếc cáng làm từ những thanh gỗ và khăn trải bàn.
Xem qua bản đồ của lính Mỹ, một binh sĩ Đức chỉ cho họ đường ngắn nhất để trở về phòng tuyến và đưa cho một chiếc la bàn. Elisabeth trả vũ khí và hai bên bắt tay nhau trước khi đi theo hai hướng ngược nhau. Elisabeth cũng dặn hai nhóm lính giữ mình và mong họ có thể trở về quê nhà một ngày nào đó.
Fritz Vincken và cha mẹ sống sót qua chiến tranh. Bố mẹ Fritz qua đời trong thập niên 1960, còn anh kết hôn và chuyển đến quần đảo Hawaii, Mỹ. Tháng 1/1996, Fritz hội ngộ với Ralph Henry Blank, một trong những lính Mỹ từng ăn tối trong túp lều của họ.
"Mẹ cậu đã cứu tôi", cựu binh này nói và cho biết ông vẫn giữ chiếc la bàn cùng bản đồ người lính Đức cho mình trước đó hơn nửa thế kỷ.
Duy Sơn (Theo Owlcation)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét