WHO cảnh báo nguy cơ "rất cao" vì Omicron, nhưng nhiều người tin rằng biến chủng chỉ gây triệu chứng nhẹ và có thể giúp kết thúc đại dịch.
Omicron đang lây lan trên khắp thế giới với tốc độ nhanh đến mức nhiều nước đang ghi nhận ca nhiễm tăng cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ngay cả lãnh đạo Israel, quốc gia tiêm chủng hàng đầu thế giới, cũng phải cảnh báo không thể ngăn chặn biến chủng này.
"Chúng ta không thể ngăn chặn nó", Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói ngày 28/12. Ngày càng nhiều lãnh đạo, chuyên gia y tế trên thế giới cũng bày tỏ đồng tình rằng Omicron đang lây lan quá nhanh.
Giới chuyên gia toàn cầu lo ngại số lượng kỷ lục ca nhiễm Omicron có thể dẫn tới làn sóng nhập viện lớn, gây quá tải các hệ thống y tế vốn đã bị bào mòn sau hai năm đại dịch diễn biến phức tạp.
"Bằng chứng nhất quán cho thấy biến chủng Omicron có khả năng lây lan lớn hơn Delta, với thời gian tăng gấp đôi ca nhiễm chỉ từ 2-3 ngày. Tỷ lệ ca nhiễm tăng nhanh đã được ghi nhận ở nhiều nước", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần công bố hôm 29/12, trong đó đánh giá nguy cơ từ biến chủng Omicron "vẫn rất cao".
WHO đánh giá tốc độ gia tăng số ca nhiễm nhanh chóng có thể do "sự kết hợp của cả khả năng né tránh miễn dịch và tính chất dễ lây lan hơn của biến chủng Omicron".
Nỗi thận trọng và lo lắng của WHO trái ngược với niềm tin của một số chuyên gia dịch tễ rằng đã đến lúc con người cần chấp nhận Covid-19 như bệnh đặc hữu và các quốc gia nên nới lỏng quy tắc, giảm thời gian cách ly và không tái áp đặt lệnh phong tỏa vì Omicron. Họ cho rằng các bằng chứng sơ bộ chỉ ra biến chủng chỉ gây triệu chứng nhẹ, trong khi tiêm chủng, tiêm tăng cường sẽ giúp ngăn nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
"Biến chủng mới dễ lây lan hơn, nhưng các dữ liệu cho thấy nó gây triệu chứng bệnh ít nghiêm trọng hơn. Do đó, nó không làm tổn thương nghiêm trọng cho phổi. Tôi nghĩ đó có thể là khởi đầu cho cái kết của cơn ác mộng này", Vladimir Nikoforov, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan Y sinh Liên bang Nga, từng nói hồi đầu tháng 12.
John Bell, giáo sư y khoa tại Đại học Oxford kiêm cố vấn chính phủ Anh, ngày 28/12 bày tỏ sự đồng tình, cho rằng Omicron "không giống như dịch bệnh như chúng ta thấy một năm trước".
"Những cảnh tượng khủng khiếp mà chúng ta từng chứng kiến cách đây một năm trong các phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, với rất nhiều người chết, giờ chỉ là quá khứ và tôi tin rằng nó sẽ không lặp lại", Bell nói ngày 28/12.
Anh dường như đi trước vài tuần so với hầu hết quốc gia trong đợt bùng phát Omicron. London tới nay dường như tin rằng những bằng chứng đã có được về biến chủng mới không đủ để áp thêm biện pháp hạn chế.
Dù dữ liệu công bố ngày 27/12 cho thấy Anh ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới từ ngày 25 đến 27/12, Chris Hopson, người đứng đầu tổ chức N.H.S. Providers, nói tỷ lệ nhập viện ở quốc gia này có tăng nhưng không quá nhanh.
Hopson cho biết tỷ lệ nhập viện tại Anh tăng vì nhiều ca nhiễm không triệu chứng tới viện khám vì lý do nào đó và có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. "Một số người mô tả đó là ca Covid-19 ngẫu nhiên", ông nói.
Giáo sư Paul Hunter, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, cho biết chính sách ứng phó đợt gia tăng ca nhiễm hiện tại của Anh khá phức tạp.
"Nếu hệ thống y tế chịu nhiều áp lực tới mức có thể bị sụp đổ, quyết định áp biện pháp hạn chế ngay từ bây giờ là hợp lý. Nhưng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn cũng mang tới những rủi ro cho sức khỏe tinh thần và cả nền kinh tế", ông nói. "Không dễ đưa ra quyết định".
Các thành viên Vương quốc Anh tới nay vẫn chưa thống nhất về cách ứng phó với đợt bùng phát mới. Trong khi Anh không có ý định tăng cường biện pháp hạn chế, Scotland, Wales và Bắc Ireland đã bổ sung hàng loạt hạn chế mới trong tuần này để giảm lây lan dịch, phần lớn tập trung vào giảm tụ tập đông người ở các không gian trong nhà.
Những chính sách trái ngược nhau cũng được áp dụng trên khắp châu Âu nhằm ứng phó với mối đe dọa mà Thủ tướng Pháp Jean Castex mô tả là "bộ phim không có hồi kết".
Tại Pháp, làn sóng Omicron đã khiến số lượng ca nhiễm mới tăng vọt, gây áp lực lớn cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt của hệ thống bệnh viện công. Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ trả thêm phụ cấp khoảng 113 USD mỗi tháng cho các y tá trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Tất cả các công cụ chống dịch vốn quen thuộc với thế giới trong hai năm qua, như phong tỏa, tiêm chủng, hạn chế tụ tập, đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội đang được triển khai theo nhiều cấp độ khác nhau trên khắp châu Âu.
Trong khi chính phủ nhiều nước tái áp đặt hạn chế, ngày càng nhiều người dân phản đối, với niềm tin rằng Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ. Tối 27/12, hàng nghìn người Đức xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp mới, như đóng cửa tất cả câu lạc bộ đêm, cấm tụ tập quá 10 người cùng các hạn chế với rạp chiếu phim, sự kiện văn hóa - thể thao.
Giới khoa học toàn cầu đến nay chưa có một nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về độc lực của Omicron, nhưng một thực tế mà nhiều quốc gia đang đối mặt là biến chủng này đang lây lan với mức độ chưa từng thấy.
Ca Omicron đầu tiên ở Mỹ được phát hiện hôm 1/12, nhưng CDC hôm 28/12 ước tính số ca nhiễm biến chủng này đã chiếm hơn 58% số ca ở Mỹ vào tuần trước. Đây cũng là xu thế chung đang diễn ra trên toàn thế giới.
Toàn cầu ngày 27/12 ghi nhận hơn 1,44 triệu ca nhiễm mới, mức cao nhất từ khi Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, số ca tử vong hàng ngày trung bình 7 ngày qua là khoảng 7.000, mức không đổi bất chấp Omicron xuất hiện.
Tiến sĩ David Ho, giáo sư Đại học Columbia, Mỹ và là một chuyên gia virus học nổi tiếng thế giới, tin rằng khi Omicron lây lan thêm trong nhóm những người chưa tiêm chủng, ca nhập viện và tử vong có thể tăng trong những tuần tới, nhưng dân số sau đó sẽ xây dựng được một mức độ "miễn dịch cộng đồng" nhất định.
"Tất cả chuyên gia y tế đều cho rằng Omicron sẽ càn quét toàn bộ dân số, nhưng đôi khi một đám cháy lan quá nhanh cũng sẽ khiến nó lụi tàn nhanh", David Ho nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Timothy Brewer, giáo sư Trường Y David Geffen, Đại học California, Los Angeles, Mỹ tin rằng dù nhân loại trải qua sóng Omicron, Covid-19 vẫn không biến mất hoàn toàn, mà các nước sẽ phải học cách sống chung với nó.
Trong kịch bản này, tiến sĩ Brewer tin rằng chiến dịch tiêm chủng kết hợp với các loại thuốc trị virus sẽ khiến những đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn, giống như cách các bác sĩ đang kiểm soát dịch cúm hiện nay. "Virus này đã thích ứng quá tốt trong khả năng lây từ người sang người, nên nó sẽ không biến mất", ông nhận định.
Thanh Tâm (Theo NY Times, CNBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét