Tên lửa siêu vượt âm hay phương tiện không người lái dưới nước là những vũ khí đủ sức uy hiếp tàu sân bay Mỹ trong tương lai.
Các tàu sân bay Mỹ luôn được bảo vệ bởi hàng loạt lưới phòng thủ hiện đại, giúp chúng trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm trên biển. Tuy nhiên, hàng loạt vũ khí mới đang được các nước phát triển nhằm đối phó với những "pháo đài nổi" này.
Tàu ngầm từ lâu đã trở thành mối đe dọa lớn nhất với tàu sân bay. Các hạm đội tàu sân bay lớn đều chịu tổn thất trước tàu ngầm trong Thế chiến II, hải quân Mỹ cũng coi tàu ngầm Liên Xô là mối đe dọa nghiêm trọng suốt thời Chiến tranh Lạnh.
Điều này thúc đẩy Mỹ và các đồng minh phát triển năng lực chống ngầm hiện đại, khiến tàu ngầm đối phương gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm mục tiêu và tung đòn tập kích. Ngay cả khi làm được điều này, các tàu ngầm cũng không bảo đảm khả năng đánh chìm tàu sân bay và thoát ly an toàn.
Tuy nhiên, tàu ngầm không người lái (UUV), khí tài đang được một số nước phát triển, được xem là phương án giải quyết vấn đề này. Chúng có thể được triển khai và phục kích trong thời gian dài dọc theo tuyến di chuyển của tàu sân bay, chỉ cơ động sau khi phát hiện mục tiêu. UUV có thể tung đòn tấn công tự sát, không cần tìm phương án thoát ly sau khi tập kích.
Kích thước nhỏ hơn tàu ngầm có người lái khiến UUV mang được ít vũ khí hơn, nhưng khả năng tự hoạt động theo chương trình được lập sẵn của chúng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong tương lai.
Nhóm tác chiến tàu sân bay là tổ hợp của nhiều hệ thống chiến đấu phức tạp, từ bản thân hàng không mẫu hạm, các không đoàn trên hạm cho đến biên đội tàu hộ tống. Chúng được kết nối bằng hệ thống chia sẻ dữ liệu tốc độ cao và được bảo mật tốt, giúp các chỉ huy có bức tranh toàn cảnh theo thời gian thực trong gần như mọi tình huống chiến đấu.
Tuy nhiên, các liên kết kỹ thuật số của hệ thống mạng tác chiến này không phải bất khả xâm phạm. Đối thủ của Mỹ luôn cố gắng phá vỡ và xâm nhập hệ thống máy tính của tàu sân bay nhằm gây ra thiệt hại lớn nhất.
Những cuộc tấn công mạng như vậy có thể gây nhiều kiểu thiệt hại cho nhóm tác chiến tàu sân bay. Chúng có thể vô hiệu hóa mạng dữ liệu, khiến các chiến hạm và máy bay không thể thực hiện nhiệm vụ. Vị trí tàu sân bay cũng có thể bị lộ, khiến đối phương dễ theo dõi và chuẩn bị phương án đối phó. Trong trường hợp xấu nhất, hệ thống cảm biến của nhóm tác chiến tàu sân bay có thể bị chọc mù, khiến chúng không thể đối phó với đòn tấn công từ nhiều hướng.
Tương tự năng lực chống ngầm, nhóm tác chiến tàu sân bay hiện đại được trang bị nhiều lớp phòng không dày đặc, sẵn sàng đánh trả những đòn tập kích bằng tên lửa và máy bay của đối phương. Điều này khiến cách tiếp cận thông thường của chiến đấu cơ không khác gì tự sát.
Nhưng vũ khí siêu vượt âm với lợi thế về tốc độ và khả năng cơ động trong khi bay có thể xuyên thủng lớp phòng thủ này. Đây là loại khí tài mà cả Trung Quốc, Nga và Mỹ đều đang chạy đua phát triển.
Khác với đường bay dễ dự đoán của tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu vượt âm có thể tiếp cận mục tiêu từ những hướng và quỹ đạo phức tạp, đặt ra nhiều thách thức với hệ thống phòng không. Ngay cả khi không mang đầu nổ mạnh, tốc độ cao của loại vũ khí này cũng đủ sức gây nhiều thiệt hại cho tàu sân bay trúng đạn.
Tàu sân bay không thể tàng hình, nhưng sở hữu khả năng cơ động cao so với kích thước khổng lồ của chúng. Mỗi con tàu với lượng giãn nước hơn 100.000 tấn có thể di chuyển với tốc độ hơn 56 km/h, giúp tận dụng độ trễ từ khi cảm biến đối phương phát hiện mục tiêu cho đến khi đòn công kích được thực hiện. Trong khoảng thời gian hàng chục phút để tên lửa bay tới mục tiêu, tàu sân bay đã có thể di chuyển cách xa nhiều km và tránh được đòn đánh chí mạng.
Hệ thống không kích từ vũ trụ có thể giải quyết vấn đề đó. Chúng bao gồm các vệ tinh được trang bị vũ khí động năng hoặc đơn giản là những thanh vonfram đặc, có khả năng phát hiện mục tiêu và tung đòn công kích trong thời gian rất ngắn, gần như không để tàu sân bay có thời gian phản ứng.
Tuy nhiên, loại vũ khí này mới dừng ở mức khái niệm và chưa quốc gia nào thực sự chế tạo được chúng.
Duy Sơn (Theo Business Insider)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét