Giới khoa học toàn cầu đang chạy đua phát triển thế hệ vaccine tiếp theo để ứng phó Covid-19, với kỳ vọng cải tiến đáng kể về hiệu lực lẫn hình thức.
Các nhà khoa học thế giới đã tạo nên kỳ tích khi phát triển thành công những vaccine Covid-19 đầu tiên với tốc độ kỷ lục. Chưa đầy một năm sau khi nCoV được phát hiện, hàng loạt vaccine đã ra đời bằng phương thức dùng virus bất hoạt truyền thống cho đến công nghệ mRNA đột phá, giúp thay đổi cục diện trong cuộc chiến với Covid-19.
Vaccine đã trở thành xương sống cho chiến lược ứng phó đại dịch toàn cầu, giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì nCoV, giúp các nước dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai tiêm chủng trên toàn thế giới, thế hệ vaccine Covid-19 đầu tiên bắt đầu bộc lộ một số hạn chế.
Khả năng miễn dịch của vaccine vẫn suy giảm theo thời gian, giãn cách giữa các mũi tiêm liên tục được điều chỉnh. Bảo quản và vận chuyển vaccine mRNA đòi hỏi công nghệ phức tạp và tốn kém. Các biến chủng mới như Delta và Omicron xuất hiện trong năm nay, buộc giới chức y tế các nước kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường, thậm chí Israel đang xem xét tiêm mũi thứ tư cho người cao tuổi.
Virus biến đổi khôn lường, buộc các nhà khoa học thế giới cũng phải chạy đua tìm ra công nghệ vaccine mới thích ứng tốt hơn với những thay đổi của nCoV.
Sau gần hai năm, nhóm khoa học thuộc Viện Quân y Walter Reed của Mỹ đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho vaccine SpFN, được kỳ vọng là có khả năng đối phó mọi biến chủng nCoV, kể cả Omicron. Đây là kết quả của gần 2 năm nghiên cứu của Viện Quân y Walter Reed, kể từ khi nhận được kết quả giải trình tự gene nCoV đầu tiên vào đầu năm 2020.
Kể từ đó, Đơn vị Bệnh Truyền nhiễm Mới nổi (EEDB) của Viện Quân y Walter Reed đã đặt mục tiêu tạo ra vaccine ứng phó mọi loại virus corona. Công trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Một trên người vào đầu tháng 12, dự kiến khởi động Giai đoạn Hai và Ba từ đầu năm sau, gồm cả thử nghiệm với biến chủng Omicron.
Theo giám đốc EEDB Kayvon Modjarrad, gần như toàn bộ 2.500 nhân viên Trung tâm Nghiên cứu Viện Quân y Walter Reed đã góp sức vào công trình. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên lâu hơn dự tính do vaccine cần tình nguyện viên chưa từng nhiễm nCoV và không tiêm bất kỳ vaccine Covid-19 nào.
Trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học sẽ đánh giá tác động của vaccine SpFN với người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19.
Ở bờ bên kia Đại Tây Dương, công ty công nghệ sinh học Valneva của Pháp đang thử nghiệm vaccine chứa tá dược, giúp tăng hiệu quả miễn dịch với nCoV hơn những vaccine phổ biến hiện nay. Sản phẩm đã hoàn tất thử nghiệm Giai đoạn Ba vào tháng 10 với hơn 4.000 tình nguyện viên trên 18 tuổi ở 26 điểm tiêm tại Anh.
Trước áp lực cạnh tranh, những gã khổng lồ trong ngành dược như AstraZeneca, Moderna và Pfizer đang tăng tốc cập nhật khả năng kháng biến chủng cho vaccine của mình.
Giới nghiên cứu cũng đang chạỵ đua tìm lời giải cho bài toán về đơn giản hóa quy trình bảo quản vaccine. Akston Bioscience, công ty khởi nghiệp tại Mỹ chuyên về công nghệ y sinh, sắp thử nghiệm vaccine Covid-19 có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, giúp vận chuyển vaccine dễ dàng hơn tới các nước đang phát triển.
Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas và Đại học Y Baylor Houston, Mỹ đang nghiên cứu Cobervax, vaccine mới phù hợp hơn cho những nước nghèo.
Cobervax dựa trên công nghệ tái tổng hợp protein đã chứng minh hiệu quả nhiều thập kỷ qua, từng được áp dụng cho dòng vaccine ngừa viêm gan siêu vi B. Hai chuyên gia miễn dịch và vaccine hàng đầu tại Mỹ, bác sĩ Peter Hotez và Maria Elena Bottazzi, đồng chủ nhiệm dự án, kỳ vọng vaccine này ít tốn kém hơn công nghệ mRNA, dễ dàng điều chỉnh quy mô sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn.
Bệnh viện Nhi đồng Texas đang hợp tác với Ấn Độ phát triển và sản xuất Cobervax, với mục tiêu tăng độ phủ vaccine trên toàn cầu, tập trung vào những nước thu nhập thấp và vừa có tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc còn thấp. Hotez cho biết vaccine đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, dự kiến khởi động sản xuất và phân phối tại Ấn Độ trong thời gian tới.
"Nếu chúng tôi được chính phủ Mỹ hoặc các nước G7 cấp quỹ nghiên cứu bằng một phần nhỏ của Moderna hay Pfizer, thế giới giờ đã hoàn tất tiêm chủng và chúng ta không cần phải lo nghĩ về Omicron", Hotez nói, bày tỏ tự tin về hiệu quả Cobervax.
Các nhà khoa học còn đang tăng tốc nghiên cứu cách đưa vaccine vào cơ thể dễ dàng hơn, không cần ống tiêm và giảm áp lực lên đội ngũ y tế các nước.
Một trong những ứng viên tiên phong là Vaxxas. Nhóm nghiên cứu của hãng tại Queensland, Australia đã hoàn tất thử nghiệm miếng dán nano trên động vật, chuẩn bị chuyển sang thử nghiệm lâm sàng ở người. Sản phẩm có thể dán trực tiếp lên da, đưa vaccine vào cơ thể thông qua tiếp xúc giữa gai nano và tế bào miễn dịch ngay dưới lớp biểu bì.
Nhiều hãng dược cũng thử nghiệm đưa vaccine ở dạng khí dung vào cơ thể qua đường mũi, trong đó có AstraZeneca. Phương thức này nhắm vào niêm mạc hô hấp ở người, tương tự đường xâm nhập của nCoV qua mũi, miệng, họng và phổi.
Vaxart, một công ty khởi nghiệp ở California, Mỹ chọn hướng đi táo bạo hơn với vaccine dạng viên uống. Giới khoa học kỳ vọng những hướng phát triển vaccine này sẽ tăng tốc phản ứng miễn dịch và đạt hiệu quả ngăn nhiễm cao hơn.
Một số nhóm cũng cân nhắc phương án tích hợp vaccine Covid-19 vào mũi vaccine ngừa cúm hàng năm. Loại vaccine tổng hợp này không còn lạ lẫm với thế giới, điển hình là các dòng vaccine "5 trong một" cho trẻ em.
Hãng dược Mỹ Novavax đang thử nghiệm kết hợp vaccine Covid-19 và cúm mùa. Gregory M. Glenn, chủ tịch nghiên cứu và phát triển Nanovax, khẳng định đây là công trình đầu tiên trên thế giới đánh giá tiềm năng kết hợp hai loại vaccine tạo phản ứng miễn dịch cao trong cùng một mũi tiêm.
"Kết hợp hai loại vaccine, vốn đã chứng tỏ được kết quả xuất sắc và an toàn, có thể nâng cao đáng kể hiệu quả hệ thống y tế và đảm bảo mức bảo vệ cao trước cả Covid-19 lẫn bệnh cúm chỉ với một liệu trình tiêm", ông tuyên bố vào tháng 9.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 331 ứng viên vaccine Covid-19 mới đang được phát triển toàn cầu ở các giai đoạn thử nghiệm khác nhau. Dù các tập đoàn dược phẩm khổng lồ có nhiều nguồn lực hơn so với những đơn vị nghiên cứu nhỏ, Todd Zion, nhà sáng lập Akston Bioscience, tự tin rằng cuộc đua vẫn chưa ngã ngũ.
"Loạt vaccine thế hệ đầu đã chứng tỏ công dụng đáng kể. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự là nhà phát minh, bạn sẽ muốn chúng tốt hơn, bền vững hơn nữa", ông nói.
Trung Nhân (Theo Washington Post, Conversation, BBC, Defense One)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét