Cựu vương Tây Ban Nha Carlos từng phải rời đất nước vì bê bối tài chính nhưng giờ đây, đường trở về quê hương của ông đang rộng mở.
Tại quán ăn Casa Lucio cổ kính gần cung điện hoàng gia ở Madrid, nơi cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos thường lui tới dùng bữa, mọi người vào một buổi chiều gần đây bàn tán xôn xao về khả năng trở về của vị vua thất thế. Javier Blázquez, chủ nhà hàng, cho biết ông đã sẵn sàng chào đón khách quen quay lại.
Năm 2014, sau hàng loạt bê bối, vua Carlos, người đã giữ ngai vàng Tây Ban Nha gần 40 năm, phải thoái vị. Khi giới chức bắt đầu điều tra các hoạt động tài chính của ông, vua Carlos biến mất bí ẩn vào năm 2020 rồi tái xuất vài tuần sau ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tại đây, các công tố viên Tây Ban Nha không thể tiếp cận ông.
Nhưng những tháng gần đây, vận may đã đến với ông. Một số vụ kiện chống lại ông đã bị loại bỏ hoặc được giải quyết xong. Nhiều người dân Tây Ban Nha giờ đây kêu gọi ông hồi hương mà không cần phải sợ dành phần đời còn lại trong tù.
"Tôi rất vui nếu ông ấy trở lại", Blázquez nói. "Triều đại của vua Juan Carlos đã mang đến một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng lâu dài nhất cho Tây Ban Nha".
Vua Carlos từng được người dân vô cùng yêu quý, trọng vọng. Ông có công khôi phục nền dân chủ Tây Ban Nha và thống nhất đất nước sau khi nhà độc tài Francisco Franco chết vào năm 1975.
Mọi thứ bắt đầu trở nên tươi sáng đối với cựu vương Santos khi các công tố viên Thụy Sĩ gần đây thông báo sẽ hủy cáo buộc rửa tiền đối với ông liên quan đến nghi vấn nhận lại quả để giúp một công ty Tây Ban Nha nhận được hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt ở Arab Saudi.
Một cuộc điều tra khác ở Tây Ban Nha cũng đã bị đình chỉ trong năm nay, sau khi cựu vương Carlos nộp khoản thuế gần 5,7 triệu USD.
Mặt khác, các công tố viên Tây Ban Nha cho hay họ không nhìn thấy bất kỳ triển vọng thành công nào trong loạt vụ án tham nhũng còn lại vì những hành vi sai trái bị cáo buộc diễn ra trước thời điểm vua Carlos thoái vị, khi ông vẫn còn quyền miễn truy tố.
"Thật hợp lý khi cựu vương có thể quay về sống tại đất nước", cựu thủ tướng Tây Ban Nha Felipe González nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez mới đây cho biết hoàng gia chưa tham vấn ông về khả năng hồi hương của cựu vương và Carlos vẫn "cần đưa ra lời giải thích" cho những bê bối của mình.
Iñaki Gabilondo, nhà báo đã có hàng chục năm làm người dẫn chương trình tin tức hàng đầu Tây Ban Nha, cho rằng câu hỏi liệu cựu vương Carlos có được phép hồi hương hay không thực sự không phải vấn đề. Thực tế là việc ông phải bỏ trốn và trả lại hàng triệu USD tiền thuế đã gây ra ảnh hưởng lâu dài cho chính ông và gia đình.
"Ông ấy có thể thoát khỏi luật pháp, nhưng danh tiếng của ông đã có vết nhơ", Gabilondo nói.
Juan Carlos từng nhận được ủng hộ rộng rãi trên chính trường. Người Tây Ban Nha thậm chí còn có câu nói "tôi không phải người theo chủ nghĩa quân chủ, tôi là người theo Juan Carlos".
Mặc dù được chỉ định là người kế nhiệm vị trí nguyên thủ Tây Ban Nha của Franco, Juan Carlos không đi theo con đường của nhà độc tài này. Ông đã bí mật gặp gỡ các chính trị gia đối lập để lên kế hoạch đưa Tây Ban Nha chuyển dịch thành nền dân chủ.
Năm 1981, khi binh lính Tây Ban Nha mang vũ khí xông vào quốc hội, Vua Carlos đã lên truyền hình tố cáo họ, động thái được cho là giúp chấm dứt cuộc đảo chính và cứu nền dân chủ.
Suốt nhiều năm, Vua Carlos đã điều hành một chế độ quân chủ kiểu mới, theo nhà báo Gabilondo. Không ít người đã hy vọng vương triều Juan Carlos sẽ không có sự xa hoa và không bị phủ bóng bởi những âm mưu, đấu đá điển hình của nhiều chế độ quân chủ khác.
Nhưng với một số người, những bê bối tham nhũng và thông tin cựu vương Carlos có thể trở về mà không bị truy cứu về các lùm xùm đã xô đổ hình ảnh của ông cũng như toàn bộ hoàng gia, đặc biệt là con trai ông, Quốc vương tại vị Felipe VI.
"Bất kỳ người nào khác ở vị trí tương tự cũng đều có thể làm điều giống thế", Ione Belarra, Bộ trưởng Quyền xã hội Tây Ban Nha, người thuộc đảng cánh tả Podemos, nói.
Một trong những vụ án quan trọng nhất có liên quan đến cựu vương Carlos được điều tra ở cả Tây Ban Nha và Thụy Sĩ là về tuyến đường sắt cao tốc nối hai thành phố Mecca và Medina của Arab Saudi.
Trong các đoạn băng được công bố trên truyền thông, Corinna Larsen, người phụ nữ tự nhận là người tình của cựu vương Tây Ban Nha, cùng một cựu cảnh sát cấp cao được cho là đã trao đổi về việc Carlos nhận được khoản tiền lại quả 100 triệu USD vì giúp mang hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt trên về cho một công ty Tây Ban Nha. Hoàng gia không xác nhận cũng không phủ nhận mối liên quan.
Một lùm xùm khác liên quan đến cáo buộc Juan Carlos đã rút ra số tiền lớn bằng thẻ tín dụng không đứng tên ông, mà được đăng ký dưới tên hai tổ chức nước ngoài có trụ sở ở Panama và Lichtenstein.
Bằng cách chuyển tiền của mình thông qua hai quỹ này, ông đã không phải trả thuế cho những khoản chi xa hoa của mình như mua ngựa, theo bản tin các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha dẫn lời cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, Soldevilla lưu ý cả hai cuộc điều tra kể trên đều liên quan đến các sự kiện diễn ra trong thời gian Juan Carlos làm vua nên không thể truy tố theo Hiến pháp Tây Ban Nha.
"Bạn có thể nói về vấn đề đạo đức nhưng đây là phạm vi của luật pháp", Soldevilla cho hay, đề cập tới quyền miễn trừ đối với nhà vua.
Dù vậy, vẫn còn một bê bối chưa được giải quyết là đơn kiện do Larsen đệ trình, cáo buộc cựu vương đã theo dõi bà với sự giúp đỡ từ cơ quan tình báo Tây Ban Nha. Một tòa án ở Anh, nơi Larsen sinh sống, đã ban hành lệnh bảo vệ đối với bà, cấm vua Carlos tiếp cận bà, song đến nay, chưa rõ liệu vụ việc có thể tiến hành hay không vì cựu vương Tây Ban Nha cũng đang xin quyền miễn trừ ở đây.
Điều này gây nghi ngại cho không ít người ở Tây Ban Nha, nhất là những chính trị gia cánh tả khi cho rằng hệ thống tư pháp dường như không có khả năng áp đặt các tiêu chuẩn giống nhau đối với người có quyền lực và công dân bình thường.
Song những người ủng hộ cựu vương Carlos lại nhìn nhận mọi thứ theo cách khác.
Gabilondo, nhà báo kiêm người dẫn chương trình thời sự, cho biết ông cảm thấy buồn khi chứng kiến cựu quốc vương Carlos, với những gì ông đã làm được cho nền dân chủ của Tây Ban Nha, giờ đây lại khiến đất nước chia rẽ đến vậy.
"Hình ảnh của Juan Carlos đã trở nên hoàn toàn trái ngược với những gì trước đây", ông nói. "Suốt nhiều năm, ông ấy là biểu tượng hòa hợp dân tộc của chúng tôi, nhưng bây giờ lại là nguồn gốc của bất hòa. Và sự trở lại của ông sẽ còn mang đến vấn đề lớn hơn".
Vũ Hoàng (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét