Chính phủ Malaysia bị chỉ trích vì cảnh báo không kịp thời và phản ứng thiếu hợp lý sau trận lụt lịch sử khiến hơn 71.000 người phải sơ tán.
Những cơn mưa xối xả cuối tuần qua khiến nhiều con sông tràn bờ, gây trận lũ tồi tệ nhất nhiều năm trên khắp Malaysia, nhấn chìm các thành phố, làng mạc và cắt đứt những tuyến đường huyết mạch. Selangor, bang giàu có và đông dân nhất bao quanh thủ đô Kuala Lumpur, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kartik Subramany đã sơ tán khỏi nhà khi nước lũ dâng cao và ở trong trường học suốt 48 giờ trước khi được cùng gia đình chuyển đến nơi trú ẩn.
"Nhà tôi bị hư hại hoàn toàn, hai chiếc ôtô bẹp dúm", người đàn ông 29 tuổi nói. "Đây là trận lụt tồi tệ nhất đời tôi. Chính phủ liên bang khiến người dân vô cùng thất vọng. Họ đã thất bại trong nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân".
Kartik là một trong số những người cho rằng chính phủ Malaysia đã phản ứng chậm và không đầy đủ với trận lũ. Hàng nghìn binh sĩ và nhân viên ứng phó khẩn cấp đã được huy động, nhưng những người chỉ trích cho rằng như vậy chưa đủ và các tình nguyện viên đã phải tham gia vào nỗ lực cung cấp thực phẩm, xuồng cao su để hỗ trợ người dân.
Nghị sĩ đối lập Fuziah Salleh mô tả cách phản ứng của chính phủ với trận lũ là "vô vọng" và "kém cỏi". "Họ không phát cảnh báo sớm về đợt mưa lớn. Thật buồn vì nhiều người đã thiệt mạng vì điều đó", bà cho hay.
Số người chết vì lũ lụt đã tăng lên 14 và nhiều khả năng sẽ tăng lên vì 8 người đang mất tích.
Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích gay gắt Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob vì chậm đưa ra quyết định trong cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ông phải đối mặt từ khi nhậm chức hồi tháng 8. Công chúng cũng bức xúc khi biết hai đảng chính trị hàng đầu trong liên minh cầm quyền vẫn quyết định tiến hành cuộc họp thường niên, bất chấp thảm họa xảy ra.
Đảng Bản địa Thống nhất Malaysia (PPBM) kết thúc cuộc họp tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur tối 18/12 với màn pháo hoa ăn mừng, khi nước lũ dâng cao đáng kể ở Selangor.
Ismail Sabri, lãnh đạo đảng Dân tộc Mã Lai Thống nhất (Umno), cũng bị chỉ trích khi tổ chức cuộc họp báo đầu tiên về trận lũ vào lúc 23h ngày 18/12, sau khi kết thúc cuộc họp thường niên của đảng.
Thủ tướng Sabri Yaakob, 61 tuổi, và nhiều quan chức chủ chốt đã đến thăm một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng lại đi cùng một đoàn hộ tống lớn và nhiều người chụp ảnh, khiến một số tình nguyện viên chỉ trích họ tìm cách "quảng bá hình ảnh" từ trận lũ hơn là tìm cách nhanh chóng giải quyết tình hình.
Charles Santiago, nghị sĩ bang Selangor, cho rằng phản ứng của chính phủ liên bang "yếu kém" và "rất không đầy đủ". Theo Santiago, giới chức có thể giải quyết tốt hơn bằng cách cảnh báo trước cho người dân về đợt mưa lớn, đặc biệt ở những khu vực thường không bị ngập lụt.
"Các nước khác thường sẽ cảnh báo 48-56 tiếng trước khi có mưa lớn, để mọi người chuẩn bị ứng phó", Santiago nói. "Nhưng điều đó không xảy ra trong trường hợp này, vì tôi nghĩ giới chức không lường trước được lượng mưa lớn".
Chính phủ Malaysia chưa bình luận về những lời chỉ trích, nhưng mô tả trận lũ này là "trăm năm có một" và "không thể lường trước" do lượng mưa trút xuống quá lớn.
Hơn 71.000 người đã phải sơ tán do lũ lụt, trong đó có 41.000 người ở Pahang và 26.000 người ở Selangor. Giới chức cảnh báo ca Covid-19 có thể tăng ở những nơi sơ tán tập trung đông người.
Tại thành phố Shah Alam, một số khu vực vẫn còn ngập nước. Binh sĩ đi thuyền phân phát thực phẩm cho người mắc kẹt trong nhà và tại nơi trú ẩn của chính quyền.
Hàng năm, Malaysia đều chịu ảnh hưởng lũ lụt, nhưng trận lũ cuối tuần qua là tồi tệ nhất kể từ năm 2014, khi hơn 100.000 người buộc phải sơ tán. Hiện tượng ấm lên toàn cầu được cho là có liên quan đến lũ lụt ngày càng trầm trọng hơn, do bầu khí quyển chứa nhiều nước hơn.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét