Năm 2021 đầy khó khăn đã khép lại, nhưng châu Á có thể tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức chính trị, kinh tế, xã hội trong năm 2022.
2022 sẽ là một năm quan trọng với châu Á, khi nhiều quốc gia trong khu vực tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng, có thể dẫn tới những thay đổi lớn về hiện trạng chính trị, theo Zuraidah Ibrahim, phó tổng biên tập SCMP.
Philippines và Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2022, trong bối cảnh cả hai lãnh đạo là Rodrigo Duterte và Moon Jae-in đều không thể tái tranh cử do giới hạn nhiệm kỳ. Thủ tướng Muhyiddin Yassin hồi tháng 8/2021 cho biết Malaysia cũng sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7/2022 và ông không có ý định tái tranh cử.
Bà Ibrahim cho rằng khi căng thẳng địa chính trị leo thang ở châu Á do cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung, đây sẽ là vấn đề nổi bật trong các chiến dịch tranh cử, đặc biệt ở Philippines, một đồng minh của Mỹ nhưng gần đây đang có xu hướng ngả về Trung Quốc dưới thời Tổng thống Duterte.
"Trong bối cảnh đó, tình trạng đối đầu giữa hai siêu cường sẽ ngày càng căng thẳng hơn, tác động đáng kể đến khu vực", Ibrahim nhận định.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm 2022 được cho là sẽ tìm cách thúc đẩy xây dựng một liên minh về thương mại và công nghệ hoặc ký kết một thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn với châu Á nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nỗ lực này của Washington có thể bị ảnh hưởng khi chính quyền Biden bị phân tâm với cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ 2022, trong đó đảng Dân chủ đang đứng trước nguy cơ lớn đánh mất ưu thế tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Ibrahim dự đoán Trung Quốc có thể tận dụng thời cơ này để gia tăng nỗ lực gây ảnh hưởng với khu vực, khiến áp lực chọn phe sẽ ngày càng tăng đối với nhiều quốc gia châu Á.
Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập SCMP, tin rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đã phần nào ổn định hơn sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11, khi hai bên đều nhấn mạnh cần phải có những "rào chắn" ngăn xung đột.
Tuy nhiên, ông nhận định mối quan hệ này vẫn tồn tại những căng thẳng trong năm tới, đặc biệt khi Trung Quốc và Mỹ đều bước vào chu kỳ chính trị của riêng mình. Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) vào năm sau sẽ tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 20.
"Ông Tập nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền sau đại hội, có thể diễn ra vào tháng 10 hoặc 11 năm 2022. Điều này có nghĩa Trung Quốc không thể tỏ ra yếu thế trước Mỹ trong giai đoạn này", Wang nói. "Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 không chỉ ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của Biden, mà còn tác động tới chính sách Trung Quốc của ông trong bối cảnh hai siêu cường tiếp tục cạnh tranh".
Trong lĩnh vực an ninh, khi các cường quốc tăng cường tìm cách kiềm chế một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn, nhiều lực lượng hải quân nước ngoài trong năm tới sẽ tăng hiện diện trên các tuyến hàng hải của khu vực, nhất là Biển Đông và biển Hoa Đông, Maria Siow, chuyên gia phân tích các vấn đề Đông Á, nhận định.
Các nỗ lực giành ảnh hưởng lớn hơn ở châu Á có thể được tăng cường vào năm 2022, khi Nhật Bản tổ chức Đối thoại An ninh Bộ Tứ với Mỹ, Australia và Ấn Độ. Washington dự kiến tăng cường các quan hệ đồng minh, đối tác với nhiều quốc gia trong khu vực, có khả năng làm thay đổi cục diện an ninh châu Á.
Ngoài căng thẳng chính trị liên quan đến cạnh tranh Mỹ - Trung, Wang Xiangwei dự đoán châu Á trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức từ Covid-19 cùng những biến chủng mới xuất hiện có thể khiến đại dịch kéo dài. Ông cho rằng ưu tiên hàng đầu của năm 2022 là phải có một cộng đồng quốc tế đoàn kết hơn để đẩy lùi những tác động tiêu cực của Covid-19, đại dịch đã tàn phá thế giới suốt 2 năm qua khiến hơn 5,4 triệu người chết.
Omicron xuất hiện và lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu đã làm dấy lên làn sóng lo ngại mới. Tuy nhiên, khi vaccine ngày càng phổ biến và tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng ở các nước châu Á, Wang tin rằng khu vực và thế giới có thể hy vọng đại dịch cuối cùng sẽ được kiểm soát vào cuối năm 2022.
Đối với Trung Quốc, quốc gia dự kiến có khoảng 90% trong 1,4 tỷ người được tiêm ít nhất hai liều vào quý đầu tiên năm 2022, kịch bản kiểm soát thành công Covid-19 làm dấy lên hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế biên giới và đi lại vào mùa hè tới.
William Bratton, một chuyên gia về kinh tế, tài chính châu Á, cũng nhận định Covid-19 kéo dài sang năm 2022 sẽ là một yếu tố tác động lớn, khiến kinh tế châu Á đối mặt với những giai đoạn bất định trong năm tới, dù không chệch hướng khỏi quỹ đạo hồi phục hiện nay.
Tốc độ triển khai vaccine chậm ở một số nền kinh tế kém phát triển ở Đông Nam Á và sự khó lường của nCoV có khả năng làm giảm tăng trưởng của khu vực và gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Bratton dự đoán xu hướng kinh tế châu Á trong năm sau là các nước tiếp tục đà mở cửa, bình thường hóa hoạt động đi lại, giao thương, khi tỷ lệ tiêm vaccine tiếp tục tăng lên.
Chuyên gia Siow cũng cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch ở châu Á sẽ ít nghiêm ngặt như năm 2020 và các chính phủ có thể sẽ cung cấp chính sách hỗ trợ lớn hơn cho các công ty và hộ gia đình. Hoạt động đi lại và du lịch, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, cũng được dự kiến sớm phục hồi, đặc biệt với hệ thống quy định về hộ chiếu vaccine.
Nằm ngoài xu hướng này là Trung Quốc, nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách "Không Covid" ít nhất tới sau đại hội lần thứ 20 của CCP. "Chính sách này có thể không ảnh hưởng lớn tới động lực tăng trưởng của chính nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thiếu vắng dòng khách du lịch Trung Quốc vốn sẵn sàng chi mạnh tay trong các chuyến đi nước ngoài sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới một số nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch trong khu vực", Bratton nhận định.
Rana Mitter, giáo sư lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, Anh cho rằng trong năm 2022, châu Á cũng là tâm điểm của nhiều mối quan tâm về liên minh.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng và Biden muốn đưa Mỹ trở lại, Washington có rất nhiều điều muốn thể hiện với châu Á.
"Mỹ cần phải chứng tỏ họ có khả năng trở thành một người bạn lâu dài với các đối tác truyền thống ở châu Á - Thái Bình Dương", Mitter cho biết. "Biden cũng cần chứng minh rằng sáng kiến Build Back Better World (Xây dựng lại thế giới tốt hơn) do Mỹ dẫn đầu có ý nghĩa với khu vực và cung cấp những giải pháp kinh tế - an ninh nghiêm túc".
Giáo sư Đại học Oxford thêm rằng nếu mọi việc suôn sẻ, Anh sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm tới.
"Đây là dịp hiếm hoi một quốc gia châu Âu muốn đóng vai trò trong định hình thương mại ở châu Á. Nếu thực sự tham gia CPTPP, Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong nhóm sau Nhật Bản và trở thành một phần trong các cuộc đàm phán với hai ứng viên khác là Trung Quốc và đảo Đài Loan", Mitter nói. "Các cuộc thảo luận thương mại năm 2022 sẽ rất hấp dẫn".
Thanh Tâm (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét