Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Anh nêu điều kiện gỡ cấm vận Nga

Ngoại trưởng Truss nói các lệnh trừng phạt cá nhân, doanh nghiệp Nga có thể được gỡ bỏ nếu Moskva rút quân khỏi Ukraine và cam kết "không gây hấn".

"Các lệnh cấm vận chỉ được gỡ bỏ nếu có hành động ngừng bắn và rút quân toàn diện, cùng những cam kết không có thêm hành động quân sự. Chúng tôi cũng có khả năng tái áp đặt trừng phạt chớp nhoáng nếu có động thái gây hấn trong tương lai", Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.

Anh đã áp cấm vận với hơn 1.000 cá nhân, doanh nghiệp của Nga và Belarus kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó những biện pháp trừng phạt mới nhất được công bố hôm 25/3. London cho biết các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên loạt ngân hàng Nga với tổng giá trị tài sản gần 569 tỷ USD, cũng như các tỷ phú Nga và thành viên gia đình đang nắm giữ gần 198 tỷ USD.

"Nga từng ký nhiều thỏa thuận nhưng không tuân thủ chúng. Cần có những đòn bẩy cứng rắn. Các biện pháp cấm vận chính là đòn bẩy cứng rắn", bà Truss nói thêm.

Ngoại trưởng Truss sau một cuộc họp nội các ở thủ đô London của Anh hôm 23/3. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Truss sau một cuộc họp nội các ở thủ đô London của Anh hôm 23/3. Ảnh: Reuters.

Quan chức Anh cho rằng khủng hoảng Ukraine đã khiến Anh và Liên minh châu Âu xích lại gần nhau sau những căng thẳng liên quan tới Brexit. "Tất nhiên vẫn có những khác biệt, nhưng chúng tôi rất thống nhất trong cuộc chiến này. Anh đang phối hợp rất chặt chẽ với EU", Ngoại trưởng Truss cho hay.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh dường như đã đạt tới giới hạn trong nỗ lực tạo ra phản ứng thống nhất với cuộc xung đột lớn nhất châu Âu trong hơn nửa thế kỷ.

Các lãnh đạo phương Tây cũng cam kết siết chặt biện pháp trừng phạt Nga, nhưng châu Âu lại từ chối áp lệnh ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga như Mỹ đã làm. Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào năng lượng Nga, vốn mang lại cho Moskva nguồn thu khổng lồ.

Eren Egehan Bagis, chuyên gia phân tích quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, nhưng không răn đe được hành động quân sự của nước này. Thiếu các công cụ mới, phương Tây và NATO đang đứng trước thất bại lớn về khả năng răn đe.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Vũ Anh (Theo Telegraph)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét