Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

Thế giới đang ứng phó Covid-19 thế nào

Phần lớn thế giới đã dỡ bỏ các hạn chế ngăn Covid-19 để sống chung với đại dịch, nhưng các đợt bùng phát vẫn gây ảnh hưởng nặng nề ở nhiều nơi.

Khi California ban lệnh không ra khỏi nhà trên toàn bang vào ngày 19/3/2020, hầu hết mọi người đều nghĩ cuộc sống sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Hai năm sau, người dân trên toàn cầu mới bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, với những hạn chế chống dịch được nới lỏng ở Mỹ và một số quốc gia khác.

Nhưng với việc nhiều nơi lại ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, rõ ràng đại dịch vẫn chưa sẵn sàng lùi về phía sau.

Tại Anh, hạn chế Covid-19 cuối cùng còn lại của nước này, yêu cầu người dân phải cách ly sau khi xét nghiệm dương tính, đã được dỡ bỏ vào cuối tháng trước.

Người dân xếp hàng tiêm vaccine tại thủ đô London, Anh, hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Người dân xếp hàng tiêm vaccine tại thủ đô London, Anh, hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Nó diễn ra một tháng sau khi chính phủ bãi bỏ khuyến cáo làm việc tại nhà nếu có thể và yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở những nơi như cửa hàng hay trên các phương tiện giao thông công cộng.

Kể từ mùa hè năm ngoái, Anh đã có chính sách chống dịch nhẹ nhàng hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới. Yêu cầu đeo khẩu trang và làm việc từ xa chỉ được áp dụng trở lại vào cuối năm 2021, khi biến chủng Omicron chiếm ưu thế.

Phương pháp tiếp cận của Anh dựa trên thực tế là vaccine đang cung cấp một lớp bảo vệ tuyệt vời cho người dân và tỷ lệ tiêm vaccine của nước này cũng ở mức rất cao. 95% người trên 60 tuổi ở Anh đã tiêm mũi tăng cường.

Bất chấp đà tăng số ca nhiễm do biến chủng Omicron, số người tử vong ở Anh vẫn ở mức thấp, tương tự những gì thường thấy trong một mùa đông bình thường. Có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ ca nhiễm đang tăng trở lại, song hiện chưa gây nhiều lo ngại.

Nam Phi phần lớn đã mở cửa trở lại. Chính phủ dỡ bỏ hầu hết các quy định chống dịch hồi tháng 12 năm ngoái, chấm dứt lệnh giới nghiêm ban đêm và quy định cấm bán rượu được áp đặt gần hai năm qua. Nam Phi là một trong số ít quốc gia cấm bán rượu vào thời điểm dịch bùng phát mạnh trên toàn cầu hồi năm 2020.

Giờ đây, trên khắp các thành phố và thị trấn của đất nước, cuộc sống đã trở lại bình thường với dòng người huyên náo đi làm, đi chơi. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy Covid-19 chưa biến mất hoàn toàn, khi hầu hết người dân vẫn tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Những thay đổi này là có cơ sở khi số ca nhiễm một lần nữa đang giảm sau khi Nam Phi đương đầu với sóng Covid-19 thứ tư cách đây vài tháng do biến chủng Omicron.

Hầu hết trường học đã mở cửa trở lại, nhưng giới chức đang tranh cãi về quyết định bắt buộc tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục đại học. Các câu lạc bộ đêm vẫn đóng cửa, nhưng người dân hiện có thể ra ngoài tới khuya, tụ tập tại những quán bar mà không lo bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm.

Gần hai năm qua, New Zealand đã đối phó tương đối tốt với đại dịch. Những lệnh phong tỏa cùng quy định cách ly nghiêm ngặt đã biến nước này trở thành một "thành trì" chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm đang tăng vọt khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

Nhiều người dân New Zealand vẫn không thể hiểu bằng cách nào mà đất nước họ có thể đi từ 1.000 ca nhiễm mỗi ngày lên 20.000 ca chỉ trong vài tuần. Điều này diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Jacinda Ardern từ bỏ chiến lược "Không Covid" để tìm cách sống chung với nCoV.

Một điều an ủi giữa cú sốc tâm lý đó là New Zealand chỉ ghi nhận 120 ca tử vong do Covid-19 trong toàn bộ đại dịch, phần lớn nhờ tỷ lệ tiêm chủng toàn dân đạt đến 95%.

Hầu hết những hạn chế đã được nới lỏng và yêu cầu cách ly đối với bệnh nhân Covid-19 cũng không còn quá chặt chẽ.

Nhưng các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc khiến những người khước từ vaccine ở một số ngành nghề bị mất việc, thổi bùng lên làn sóng biểu tình ở thủ đô Wellington suốt ba tuần qua và chưa dừng lại.

Những người New Zealand đã tiêm hai mũi giờ có thể từ nước ngoài về nước mà không cần cách ly. Du khách đến từ 60 quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Anh, sẽ được hưởng quy chế tương tự từ ngày 2/5 nếu có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Tại Canada, mùa xuân đến không chỉ làm tan băng của mùa đông giá rét mà còn chứng kiến những biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng trên khắp đất nước.

Với hầu hết các quy định chống dịch hiện nay chỉ nằm trong hướng dẫn của chính quyền cấp tỉnh thay vì cấp liên bang, việc áp dụng chúng cũng trở nên lỏng lẻo hơn.

Các tỉnh hay vùng lãnh thổ sẽ bỏ quy định về hộ chiếu vaccine trước tháng 4, nhưng vẫn yêu cầu lao động trong một số nghề như nhân viên y tế hay nhân viên tại các trại dưỡng lão xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng. Quy định đeo khẩu trang cũng đang được dỡ bỏ dần, kể cả trong trường học.

Trong phạm vi liên bang, người đi lại bằng đường hàng không và đường sắt vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang. Người tới Canada cũng cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng và phải xét nghiệm khi nhập cảnh, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Những quyết định này được đưa ra sau một cuộc biểu tình chống hạn chế Covid-19 kéo dài nhiều tuần khiến thủ đô Ottawa và một cửa khẩu quan trọng nhất của Canada bị tê liệt.

Biểu tình phản đối yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc ở Windsor, Ontario, Canada, hôm 12/2. Ảnh: Reuters.

Biểu tình phản đối yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc ở Windsor, Ontario, Canada, hôm 12/2. Ảnh: Reuters.

Trong hầu hết thời gian đại dịch bùng phát, Canada đã tuân thủ các quy định chống dịch nghiêm ngặt. Một số người muốn đất nước tiếp tục duy trì cách tiếp cận này, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân Canada muốn chấm dứt biện pháp hạn chế.

Tại Đại học Georgetown ở Washington, Mỹ, những chiếc khẩu trang giờ đây nằm im trong hộp, không được sử dụng. Điều này cho thấy cách các hạn chế ngăn Covid-19 đã thay đổi ở thành phố cũng như trên khắp đất nước.

Các quy định hiện nay cho phép người Mỹ sống cuộc sống gần giống như trước dịch. Các biện pháp hạn chế thay đổi tùy theo từng địa phương, song bức tranh chung có thể được nhìn thấy là một xã hội tương đối tự do.

Texas và Florida, hai bang do đảng Cộng hòa kiểm soát, đề ra rất ít yêu cầu về khẩu trang. Ngay cả các bang do đảng Dân chủ kiểm soát, những nơi từng áp dụng những quy định nghiêm ngặt về khẩu trang, cũng đã dần nới lỏng, đi xa hơn so với hướng dẫn của Nhà Trắng. New York và New Jersey đã bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, phản ánh tâm thế tự tin hơn của chính quyền trước đại dịch.

Trong khi Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về tổng số ca tử vong do Covid-19, số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm xuống còn 36.000, từ mức trung bình 800.000 ca ở giai đoạn cao điểm. Số ca nhập viện cũng giảm 75%, giúp tâm trạng chung của công chúng trở nên lạc quan. Mọi người đang tìm cách quay lại cuộc sống bình thường.

Silicia Lomax, nhân viên tại một công ty tư vấn chính sách y tế ở Washington, cho biết cách đây vài tháng, tuyến tàu điện ngầm mà cô thường bắt để đi làm vẫn vắng vẻ. "Nhưng nay nó đã chật cứng", cô nói.

Nhưng ở một số nơi khác trên thế giới, làn sóng Covid-19 mới đang trỗi dậy và tiếp tục gieo đau thương. Tại Hong Kong, biến chủng Omicron đang gây ra cơn ác mộng đối với đặc khu này.

Các bệnh nhân đeo khẩu trang tại khu điều trị tạm thời bên ngoài một bệnh viện ở Hong Kong hôm 2/3. Ảnh: Reuters.

Các bệnh nhân đeo khẩu trang tại khu điều trị tạm thời bên ngoài một bệnh viện ở Hong Kong hôm 2/3. Ảnh: Reuters.

Trong hai năm đầu tiên của đại dịch, thành phố áp dụng chiến lược "Không Covid" như Trung Quốc đại lục, bao gồm kiểm soát biên giới chặt chẽ, chủ động truy vết tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt. Đến cuối năm ngoái, Hong Kong chỉ ghi nhận tổng cộng khoảng 12.000 ca nhiễm.

Hiện tại, Hong Kong có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên một triệu người cao nhất thế giới, với hầu hết nạn nhân là những người cao tuổi chưa tiêm chủng. Hơn nửa triệu dân ở thành phố đã nhiễm virus.

Virus vẫn lây lan mạnh bất chấp các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Nhà hàng không được phép cung cấp dịch vụ ăn uống sau 18h và các địa điểm như phòng tập gym, quán bar đã đóng cửa từ tháng một.

Làn sóng chết chóc này cuối cùng sẽ kết thúc. Hầu hết người dân sẽ có khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng. Nhưng không ít người đã đặt câu hỏi liệu Hong Kong có nên tiếp tục tuân theo chiến lược "Không Covid" hay không, khi các doanh nghiệp địa phương đang gặp khó khăn, trong khi làn sóng dịch vẫn tăng kỷ lục.

Trung Quốc đại lục cũng đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm gia tăng khắp cả nước do biến chủng Omicron lây lan nhanh. Nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa với loạt thành phố, nhưng hôm 18/3 vẫn ghi nhận thêm 2.228 ca nCoV mới, trong đó có 2.157 ca lây nhiễm cộng đồng, với 78% số ca ở Cát Lâm, thành phố đã thực thi biện pháp "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ 14/3.

Nhờ áp dụng chính sách phòng dịch nghiêm ngặt theo chiến lược "Không Covid", Trung Quốc ghi nhận chưa đến 5.000 ca tử vong từ khi dịch bùng phát, hầu hết xảy ra trong làn sóng Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Giới chức Trung Quốc coi đây là minh chứng cho tính ưu việt trong chính sách chống dịch của mình và khẳng định vẫn sẽ tiếp tục kiên trì với chiến lược "Không Covid".

Một nơi khác từng bị Covid-19 tàn phá nặng nề là Peru. Nước này đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phong tỏa được đánh giá là khắc nghiệt bậc nhất thế giới sau khi dịch bùng phát năm 2020. Lệnh giới nghiêm khiến ngay cả những người nuôi chó cũng không thể dắt thú cưng đi dạo.

Nhưng nỗ lực đó vẫn không thể ngăn đại dịch lây lan và hệ thống bệnh viện Peru bị quá tải. Vì mưu sinh, người dân tại quốc gia nghèo đói này không thể nghỉ việc quá lâu, cộng với thực tế là dịch vụ y tế công cộng còn thiếu thốn khiến Peru khó kiểm soát đại dịch, dẫn tới số người chết tăng vọt.

Nhưng hai năm trôi qua và dường như Covid-19 đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày tại Peru. Các hạn chế đang được nới lỏng và tỷ lệ lây nhiễm đã giảm. Dù vậy, khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc ở nhiều nơi và người dân vẫn được yêu cầu xuất trình bằng chứng tiêm chủng khi vào các địa điểm công cộng.

Vũ Hoàng (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét