Taliban ra sức bảo vệ các tượng Phật ở di tích Mes Aynak, với hy vọng Trung Quốc biến vùng đất giàu khoáng sản này thành nguồn thu quan trọng.
Bên trong các hang động trong khu di tích Mes Aynak, vùng nông thôn ở đông nam Afghanistan, là những bức tượng Phật cổ trong tư thế ngồi thiền thanh thản. Nằm sâu hàng trăm mét bên dưới di tích này là mỏ đồng có trữ lượng hàng đầu thế giới.
Chính quyền Taliban tại Afghanistan hiện hy vọng Trung Quốc có thể biến vùng đất này thành nguồn thu quan trọng để cứu vãn nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng do mất các nguồn viện trợ quốc tế.
Khi nắm quyền hai thập kỷ trước, Taliban đã khiến thế giới phẫn nộ vì cho nổ tung những bức tượng Phật khổng lồ tại Afghanistan, cho rằng đây là biểu tượng ngoại giáo cần thanh trừng. Nhưng giờ đây, lính Taliban lại ra sức bảo vệ những pho tượng Phật ở Mes Aynak.
Hakumullah Mubariz, trưởng bộ phận an ninh của Taliban tại Mes Aynak, cho biết động thái này là chìa khóa để mở ra hàng tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc. "Việc bảo vệ khu di tích rất quan trọng với chúng tôi và người Trung Quốc", Mubariz khẳng định.
Mubariz từng chỉ huy một đơn vị chiến đấu của Taliban, giao tranh với lực lượng Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn tại vùng núi xung quanh mỏ. Khi quân đội Afghanistan đầu hàng giữa năm ngoái, đơn vị của Mubariz đã gấp rút thắt chặt an ninh tại địa điểm này. "Chúng tôi biết Mes Aynak sẽ quan trọng đối với đất nước", Mubariz nói thêm.
Sự thay đổi trong thái độ của Taliban cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ từ lĩnh vực khai khoáng chưa được đầu tư tại Afghanistan. Chính quyền Taliban coi nguồn khoáng sản dồi dào của đất nước là cánh cửa dẫn tới tương lai thịnh vượng.
Trữ lượng khoáng sản tại Afghanistan được ước tính trị giá 1 nghìn tỷ USD, song suốt hàng chục năm qua, không bên nào có thể đầu tư phát triển chúng khi đất nước hứng chịu chiến tranh và bạo lực liên miên.
Nhiều quốc gia, gồm Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện tìm cách đầu tư, lấp khoảng trống sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, song Trung Quốc là bên quyết đoán nhất. Tại Mes Aynak, Trung Quốc có thể là cường quốc đầu tiên thực hiện một dự án khai khoáng quy mô lớn.
Năm 2008, chính quyền tổng thống Hamid Karzai đã ký hợp đồng kéo dài 30 năm với Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) để khai thác đồng từ mỏ Mes Aynak. Các nghiên cứu cho thấy khu vực này chứa tới 12 triệu tấn đồng.
Tuy nhiên, dự án vấp phải nhiều vấn đề về hợp đồng và hậu cần, chỉ tiến hành khoan thử nghiệm ban đầu trước khi đình trệ hoàn toàn. Các nhân viên Trung Quốc rút đi năm 2014 do tình trạng bạo lực diễn biến phức tạp.
Không lâu sau khi kiểm soát toàn bộ Afghanistan hồi tháng 8/2021, chính quyền Taliban đã bổ nhiệm Shahbuddin Dilawar làm Bộ trưởng Khai khoáng và Dầu khí. Dilawar đã nhanh chóng thúc đẩy tái hợp tác với các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc.
Ziad Rashidi, cục trưởng Cục Quan hệ Đối ngoại của Bộ, đã kết nối với MCC và các công ty khai mỏ Trung Quốc, kêu gọi họ quay trở lại Mes Aynak, với các điều khoản không thay đổi so với hợp đồng năm 2008.
Một nhóm kỹ thuật từ MCC sẽ có mặt tại thủ đô Kabul trong vài tuần tới nhằm giải quyết những trở ngại còn tồn đọng, trong đó vấn đề mấu chốt là di dời các tượng Phật cổ. MCC cũng tìm cách thương lượng lại các điều khoản hợp đồng, gồm giảm thuế và giảm một nửa phí nhượng quyền khai khoáng, hiện ở mức 19,5% cho mỗi tấn đồng bán được.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc xem tình hình hiện tại là lý tưởng, với rất nhiều hỗ trợ từ chính quyền Taliban và không có đối thủ cạnh tranh quốc tế", Rashidi cho biết.
Vương Ngu, đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan, cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra, song không chia sẻ gì thêm.
Nguồn khoáng sản quý hiếm là chìa khóa để Bắc Kinh duy trì vị thế cường quốc sản xuất toàn cầu. Sau khi Taliban nắm quyền, Trung Quốc đã kêu gọi các nước không đóng băng tài sản của Afghanistan, đồng thời duy trì phái đoàn ngoại giao tại thủ đô Kabul.
Theo giới chức và các doanh nghiệp, hợp đồng tại Mes Aynak ước tính mang về 250-300 triệu USD mỗi năm cho Afghanistan, kèm 800 triệu USD phí nhượng quyền trong suốt thời gian hợp đồng. Theo AP, đây là nguồn thu đáng kể với Afghanistan trong tình cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Thành phố Phật giáo 2.000 năm tuổi tại thung lũng Mes Aynak được các nhà địa chất Pháp phát hiện vào những năm 1960. Đây được cho là điểm dừng quan trọng trên Con đường Tơ lụa cổ đại. Năm 2004, các nhà khảo cổ phát hiện tàn tích của một khu phức hợp rộng lớn, bao gồm 4 tu viện, xưởng đồng cổ và một tòa thành tại đây.
Bộ trưởng Khai khoáng và Dầu khí Dilawar cam kết bảo tồn khu di tích, khẳng định với giám đốc MCC rằng đây là một phần quan trọng trong lịch sử của Afghanistan, đồng thời bác bỏ nhận định rằng kế hoạch khai thác đồng lộ thiên sẽ khiến khu vực này bị san bằng.
Bộ Văn hóa Afghanistan được giao nhiệm vụ trình bày kế hoạch di dời các thánh tích, nhiều khả năng sẽ được chuyển tới Bảo tàng Kabul. "Chúng tôi đã chuyển một số hiện vật đến thủ đô, đồng thời triển khai di dời phần còn lại", Dilawar nói. "Công việc khai thác có thể bắt đầu".
Tại trụ sở Bộ Khai khoáng và Dầu khí Afghanistan, các nhà đầu tư đứng xếp hàng cùng những tài liệu về tiềm năng khoáng sản chưa được khai thác của nước này, gồm các mỏ sắt lớn, đá quý, có thể là lithium.
Gõ cửa văn phòng của Ziad Rashidi những ngày này là người Nga, người Iran, người Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là người Trung Quốc. Hàng chục hợp đồng quy mô nhỏ cũng được trao cho các nhà đầu tư trong nước, nhiều người trong số họ đã liên doanh với các công ty quốc tế, chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc và Iran.
"Tất cả đều đang rất vội vàng đầu tư", Rashidi cho biết. "Mối quan tâm của Trung Quốc là rất lớn".
Một quan chức MCC kể rằng khi phía Taliban thông báo họ đã khôi phục các điều kiện an toàn để dự án khai khoáng có thể tiếp tục, ông vừa cười vừa nói: "Chẳng phải ngày xưa chính các ông đã tấn công chúng tôi đấy sao?".
Các chiến binh Taliban, với những khẩu súng khoác trên vai, cũng bật cười.
Đức Trung (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét