Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Mỹ nói lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi nhà máy Chernobyl

Quan chức quốc phòng Mỹ nói lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, một ngày sau khi Moskva tuyên bố giảm giao tranh.

"Nga bắt đầu tái bố trí lực lượng, binh sĩ rời khỏi cơ sở Chernobyl và chuyển đến Belarus", một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 30/3 cho biết. "Chúng tôi nghĩ họ đang rời đi, nhưng chưa thể nói là họ đã rút hết lực lượng".

Lực lượng Nga giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, miền bắc Ukraine, nơi vẫn lưu giữ chất phóng xạ, hôm 24/2, ngày đầu tiên Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ảnh vệ tinh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraine, hôm 10/3. Ảnh: Maxar.

Ảnh vệ tinh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraine, hôm 10/3. Ảnh: Maxar.

Nga cũng giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân lớn nhất Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia, đông nam nước này vào ngày 4/3. Người đứng đầu cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc Rafael Grossi đã đến thăm nhà máy hôm 30/3, sau nhiều lần cảnh báo mối đe dọa của xung đột tại quốc gia có nhiều cơ sở hạt nhân.

Ukraine có 15 lò phản ứng tại 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, cũng như các kho chứa chất thải hạt nhân, trong đó có nhà máy Chernobyl vốn đã ngừng hoạt động.

Chernobyl đi vào hoạt động vào cuối những năm 1970, với hai lò phản ứng đầu tiên. Đến năm 1983, lò phản ứng thứ ba và thứ tư bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, lò phản ứng số 4 tại nhà máy phát nổ vào tháng 4/1986, thổi một lượng lớn bụi nhiễm xạ vào không khí, gây ra một trong những sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới. Sự cố được cho là đã khiến 93.000 người tử vong do ung thư trên toàn cầu.

Thông tin về lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi nhà máy Chernobyl được đưa ra một ngày sau khi Nga tuyên bố sẽ "giảm mạnh" hoạt động quân sự ở miền bắc Ukraine để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Sau vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, Nga cho biết Ukraine tuyên bố sẵn sàng thực hiện các yêu cầu mà Moskva đã nhấn mạnh trong nhiều năm, gồm từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, giữ trạng thái trung lập, không sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cam kết không tiếp nhận quân đội hoặc căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, Ukraine đề nghị "tạm thời gác lại" vấn đề Crimea và các vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass. Trong khi đó, Nga khẳng định vẫn giữ yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine.

Mỹ, Ukraine và một số nước phương Tây hoài nghi tuyên bố giảm giao tranh của Nga. Giới chức Ukraine hôm qua cáo buộc các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tấn công thành phố Chernihiv ở miền bắc nước này.

Vị trí các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine cùng số lò phản ứng (chấm tròn đỏ) tại mỗi nhà máy. Đồ họa: Business Insider.

Vị trí các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine cùng số lò phản ứng (chấm tròn đỏ) tại mỗi nhà máy. Đồ họa: Business Insider.

Huyền Lê (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét