Tổng thống Zelensky ngày 26/3 kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay, xe tăng và hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ukraine nhằm đối đầu với Nga.
Trong bài phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng "những vũ khí hạng nặng có thể bảo vệ tự do của châu Âu hiện nằm phủ bụi trong các nhà kho", thêm rằng lực lượng Ukraine không thể bắn hạ máy bay Nga bằng súng máy.
"NATO đang làm gì vậy? Họ còn chờ gì nữa? Đã 31 ngày rồi. Chúng tôi chỉ yêu cầu 1% số máy bay và xe tăng của NATO, không hơn", ông nói.
Các quốc gia phương Tây cho đến nay đã cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không vác vai cùng các vũ khí nhỏ và thiết bị bảo vệ, nhưng không gửi phương tiện thiết giáp hay máy bay.
Hồi đầu tháng, Ba Lan đề xuất phương án chuyển giao tiêm kích MiG-29 cho Ukraine thông qua Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ kế hoạch này, do lo ngại có thể làm leo thang căng thẳng, dẫn tới xung đột trực diện với Nga.
Lầu Năm Góc giải thích viện trợ tiêm kích sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến, đồng thời cho rằng các loại vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không vác vai là vũ khí viện trợ phù hợp nhất với Ukraine.
Lãnh đạo cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov hôm nay viết trên mạng xã hội rằng Nga có thể áp đặt một ranh giới giữa các khu vực Moskva kiểm soát và Kiev kiểm soát để "chia cắt Ukraine thành hai miền giống như Hàn Quốc và Triều Tiên". Ông nói thêm rằng chiến thuật này có thể là kết quả của việc Nga "không thể kiểm soát Kiev".
Về mặt lý thuyết, hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc xung đột năm 1950 -1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình. Giới tuyến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là một khu vực rộng 4 km và dài 248 km được biết đến với tên gọi Khu Phi quân sự (DMZ).
Nga chưa bình luận về nhận định của Budanov.
Nga ngày 27/3 thông báo phá hủy kho tên lửa S-300 gần Kiev. "Tên lửa hành trình tầm xa có độ chính xác cao đã phá hủy kho dự trữ tên lửa cho hệ thống phòng không tầm xa S-300 và tầm trung Buk ở làng Plesetskoye, cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 30 km về phía tây bắc", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay.
Tướng Konashenkov cũng cho biết lực lượng Nga đã tiến hành hai đợt không kích bằng tên lửa hành trình phóng từ máy bay, nhằm vào thành phố miền tây Lviv, gần biên giới Ukraine - Ba Lan, phá hủy kho nhiên liệu và một cơ sở hậu cần quân sự.
Ukraine cho biết hai cuộc không kích nhằm vào Lviv diễn ra cách nhau hai tiếng và khiến ít nhất 5 người bị thương.
Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Vadym Denysenko hôm nay nói rằng ngoài kho nhiên liệu, Nga còn bắt đầu phá hủy các trung tâm dự trữ thực phẩm của Ukraine, đồng nghĩa Kiev sẽ phải phân tán các kho dự trữ này trong tương lai gần.
Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng Leonid Pasechnik ngày 27/3 cho biết khu vực này có thể tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng sáp nhập vào Nga.
Phản ứng trước tuyên bố này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói: "Tất cả cuộc trưng cầu dân ý giả tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời đều không hợp lệ và không có giá trị pháp lý".
Nga chưa đưa ra bình luận.
Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự tuyên bố là "cộng hòa nhân dân" độc lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng này hôm 21/2.
Ukraine thông báo đã phản công giành lại một số ngôi làng mà lực lượng Nga kiểm soát, trong đó có ở phía đông Kharkov và tây bắc Mariupol.
Quân đội Ukraine còn cho biết sau hơn 30 ngày giao tranh ác liệt gần Kiev, một số đơn vị của Nga đang rút lui qua khu vực Chernobyl để về Belarus tập hợp lại quân. Belarus, nước đồng minh thân cận của Nga, đóng vai trò là nơi tập trung quân đội, tên lửa và máy bay của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Phái đoàn Nga và Ukraine dự kiến gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ từ tuần sau để tiếp tục tìm phương hướng giải quyết xung đột, song không rõ địa điểm cụ thể.
Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và sau đó tiến hành thảo luận trực tuyến. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 25/3 cho biết các cuộc đối thoại với Moskva "gặp nhiều khó khăn" do bất đồng trong các vấn đề then chốt.
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết hơn 3,8 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước, tăng hơn 48.000 người so với hôm trước.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét