Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Trung Quốc thế chỗ phương Tây đón nhận dầu khí Nga

Trung Quốc tăng cường tìm kiếm các thỏa thuận dầu khí mới với Nga, khi châu Âu tìm cách quay lưng với nguồn năng lượng của Moskva.

Khi phương Tây tung ra làn sóng trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga do chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng như cam kết giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Moskva, giới chức tỉnh Hắc Long Giang, khu vực nằm trên "vành đai rỉ sét" ở đông bắc Trung Quốc, giáp biên giới với Nga, tin rằng địa phương này đang đứng trước cơ hội vực dậy mạnh mẽ.

Bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang Hứa Cần đã kêu gọi thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. "Chúng ta nên tăng cường hợp tác năng lượng thiết thực giữa Trung Quốc và Nga, mở cửa toàn diện với Nga, đóng góp vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa hai bên", tờ Heilongjiang Daily dẫn lời ông Hứa.

Ông Hứa đồng thời kêu gọi giới chức Hắc Hà, thành phố sát biên giới Nga, "thích nghi với những thay đổi mới trong thương mại Trung - Nga", cũng như khẳng định tiềm năng trở thành "cửa ngõ giao thương với Nga và vùng Viễn Đông".

Trung Quốc tiêu thụ lượng lớn dầu khí nhập từ các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh phương Tây tăng cường sức ép trừng phạt và tìm cách quay lưng với nguồn năng lượng từ Nga, Trung Quốc đột nhiên có một nhà cung cấp gần hơn.

Nhân viên xúc than tại Cảng Đường sắt Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, ngày 12/10/2021. Ảnh: Xinhua.

Nhân viên xúc than tại Cảng Đường sắt Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, ngày 12/10/2021. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc vốn là bên mua than lớn nhất của Nga, với tổng lượng nhập khẩu than từ nước này đạt 54 triệu tấn năm 2021, nhưng các tỉnh Trung Quốc vẫn muốn tăng lượng than nhập khẩu. Nga đã vượt Australia, trở thành nhà cung cấp than lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Indonesia.

Tại một hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Phân phối và Vận chuyển Than Trung Quốc (CCTDA) tháng này, các doanh nghiệp nhập khẩu than Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến hợp tác với các nhà sản xuất và xuất khẩu than Nga.

Jidian International Trade, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại thành phố Trường Xuân ở đông bắc Trung Quốc, cho biết đã mua ít nhất 50.000 tấn than của Nga từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

"Trung Quốc cần than từ Nga không phải vì chúng tôi muốn hỗ trợ Tổng thống Vladimir Putin, mà để giải quyết các vấn đề kinh tế quốc gia", một lãnh đạo giấu tên của Jidian International Trade tuyên bố.

Những vấn đề này được thể hiện rõ nét khi Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia (NEA) và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 22/3 công bố tài liệu 41 trang về kế hoạch cung cấp năng lượng trong 5 năm, cảnh báo về "rủi ro an ninh năng lượng mới và cũ đan xen", khẳng định nước này đang ở "giai đoạn trọng yếu" về đảm bảo an ninh năng lượng.

Lâm Bá Cường, viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, cho hay chính sách an ninh năng lượng mới được Trung Quốc xây dựng sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine. Ông Lâm cũng đề cập tình trạng mất điện diện rộng năm 2021, khi một số thành phố Trung Quốc phải cắt điện luân phiên do giá than leo thang, ảnh hưởng tới các nhà máy nhiệt điện.

Erica Downs, tiến sĩ cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng toàn cầu (CGEP) thuộc Đại học Columbia, cho biết các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc có thể đang tìm kiếm cơ hội để mua dầu, khí đốt giá rẻ từ phía Nga.

Bloomberg ngày 8/3 đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc mua cổ phần tại các công ty năng lượng và sản xuất hàng hóa của Nga, như tập đoàn khí đốt Gazprom hay nhà sản xuất nhôm United Co. Rusal International.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Ngày 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tuyên bố hai nước đạt thỏa thuận dầu khí hơn 117 tỷ USD, trong đó có hợp đồng xây dựng đường ống cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông cho Trung Quốc trong thời hạn 25 năm. Khi hoàn thành, dự án này sẽ tăng gần 25% công suất xuất khẩu khí đốt Nga tới Trung Quốc, lên 48 tỷ m3.

Ngoài hợp đồng khí đốt trên, Nga - Trung còn ký thỏa thuận trị giá 80 tỷ USD giữa tập đoàn dầu khí Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cung cấp 100 triệu tấn dầu thông qua Kazakhstan trong vòng 10 năm.

Nga cũng muốn Trung Quốc nhất trí tiến hành dự án Năng lượng Siberia II, vốn đã được hai bên thảo luận từ lâu, có thể chuyển 50 tỷ m3 khí đốt từ Tây Siberia tới Trung Quốc qua ngả Mông Cổ. Dự án này có thể cung cấp hơn 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc mà không phải vận chuyển đường dài trên biển, đồng thời nâng tổng lượng khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc lên 98 tỷ m3 mỗi năm.

Nhân Tắc Bình, chuyên gia kinh tế Trung Quốc, cho biết nước này có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu nếu nhập thêm năng lượng từ Nga, song Bắc Kinh sẽ đối mặt với áp lực lạm phát nặng nề nếu không tiếp tục làm như vậy.

"Trong bối cảnh năng lượng toàn cầu thay đổi mạnh mẽ, an ninh nguồn cung năng lượng của Trung Quốc đang đối mặt với bất ổn lớn", ông Nhân nhận định.

Tuy nhiên, Erica Down, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Mỹ, cảnh báo việc tăng cường hợp tác dầu khí với Nga có thể không có lợi cho an ninh năng lượng của Trung Quốc.

"Một trong những điểm mấu chốt trong chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc là đa dạng hóa nguồn cung và tuyến nhập khẩu để tránh bị phụ thuộc quá mức vào một bên nào", Down viết. "Nhập khẩu 98 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga có thể khiến Trung Quốc lệ thuộc năng lượng vào nước láng giềng ở phía bắc".

Đức Trung (Theo Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét