Có nhiều thỏa thuận ngăn nước thứ ba chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine, các chuyến vũ khí cho Kiev sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp, theo Ngoại trưởng Nga.
"Nhiều người tin rằng có thể đề nghị các nước thành viên NATO chuyển những hệ thống phòng không thời Liên Xô trong biên chế cho họ. Tôi muốn nhắc nhở những quốc gia đang nghĩ tới ý tưởng này rằng các thỏa thuận liên chính phủ và hợp đồng đi kèm điều khoản chứng nhận bên sử dụng, trong đó không cho phép họ chuyển giao vũ khí cho nước thứ ba", Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn được truyền thông Nga công bố hôm 18/3.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết nước này sẵn sàng cung cấp hệ thống phòng không tầm xa S-300 cho Ukraine nếu NATO chuyển bù cho họ thiết bị khác để lấp chỗ trống.
"Mọi chuyến hàng tiến vào lãnh thổ Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu chính đáng nếu được xác định là vận chuyển vũ khí. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu", Ngoại trưởng Lavrov nói thêm.
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 16/3 có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ, trong đó nhấn mạnh Kiev cần hệ thống S-300. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung 800 triệu USD cho Ukraine, gồm 800 tên lửa phòng không vác vai Stinger, 100 máy bay không người lái vũ trang Switchblade, 9.000 vũ khí chống tăng, 7.000 súng bộ binh, 20 triệu viên đạn các loại cùng 25.000 bộ áo chống đạn, mũ bảo hiểm.
Slovakia, nước thành viên NATO có đường biên giới dài 98 km với Ukraine, sở hữu một hệ thống phòng không S-300 cùng 45 quả đạn sản xuất từ thời Liên Xô và được chuyển giao sau khi Tiệp Khắc tan rã năm 1993.
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại. Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine" ngày 24/2. Tổng thống Vladimir Putin ngày 16/3 tuyên bố chiến dịch của quân đội Nga "vẫn diễn ra theo kế hoạch", khẳng định nước này sẽ hoàn thành mục tiêu ở Ukraine và không nhượng bộ trước "âm mưu giành quyền thống trị toàn cầu và xâu xé nước Nga" của phương Tây.
Sau ba tuần chiến sự, lực lượng Nga đang tiếp cận thủ đô Kiev của Ukraine từ hướng đông bắc và tây bắc nhằm tìm cách khép vòng vây, đồng thời bao vây nhiều thành phố lớn tại nước này.
Vũ Anh (Theo Ria Novosti)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét