Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Qatar - tia hy vọng giúp châu Âu thoát khí đốt Nga

Qatar, vương quốc nhỏ bé ở Trung Đông, đang nổi lên như một trong những hy vọng tốt nhất của châu Âu để tách rời nguồn khí đốt Nga.

Đức, Pháp, Bỉ và Italy đang đàm phán với Qatar để ký hợp đồng lâu dài mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này, theo các quan chức hai bên. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã tới Qatar tháng này để công bố quan hệ đối tác năng lượng và cam kết xây dựng kho lưu trữ đầu tiên để nhận các lô hàng LNG từ Qatar và các nhà sản xuất khác.

"Đây chỉ là khởi đầu", ông Habeck nói hôm 20/3.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bắt tay Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tại Doha hôm 20/3. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) bắt tay Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tại Doha hôm 20/3. Ảnh: Reuters.

Qatar đã trở nên giàu có trong hai thập kỷ qua nhờ bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số khách hàng châu Á khác theo các hợp đồng dài hạn, đưa đất nước chưa tới ba triệu dân trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới.

Qatar từ lâu muốn mở rộng thị trường sang châu Âu. Tuy nhiên, khách hàng ở đó từng tỏ ra chần chừ, khi họ có nguồn cung giá rẻ hơn từ Nga. Khí đốt từ Nga tới châu Âu có thể vận chuyển dễ dàng bằng hệ thống đường ống hiện có, với các hợp đồng ngắn hạn linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã khiến quan hệ giữa châu Âu và Nga trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Sau loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, châu Âu tuyên bố sẽ dần giảm phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ Nga. Đáp lại, Nga tuyên bố các quốc gia "không thân thiện" sẽ bị đóng băng hợp đồng khí đốt nếu không mở tài khoản ngân hàng Nga và thanh toán bằng ruble.

Điều này thúc đẩy châu Âu tìm kiếm nguồn cung khí đốt tự nhiên mới để thay thế nguồn nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm hơn 38% lượng khí đốt vào Liên minh châu Âu (EU). Ngoài Qatar, các nước châu Âu cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất ở Angola, Algeria, Libya và Mỹ, theo giới chức các nước.

Qatar đang nổi lên như một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất, vì nước này đang có kế hoạch chi 28,7 tỷ USD thúc đẩy sản xuất khí đốt, nhằm tăng sản lượng sản xuất lên 40% (khoảng 33 triệu tấn mỗi năm) vào năm 2026, có thể đủ để bù đắp lượng LNG của Nga xuất sang châu Âu. Dù vậy, phần lớn khí đốt Nga xuất khẩu tới châu Âu được chuyển qua hệ thống đường ống.

"Châu Âu là điểm đến của chúng tôi và là một thị trường quan trọng", Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi nói. "Chúng tôi sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu".

Nhiều nhà sản xuất khí đốt khác đang bơm hết công suất, nhưng không thể cung cấp nhiều hơn cho châu Âu.

"Qatar cơ bản đã xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, với đúng nguồn tài nguyên", Steven Wright, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hamad Bin Khalifa ở Doha, nói.

Tuy nhiên, Qatar cũng tỏ ra khá thận trọng khi thảo luận hợp đồng khí đốt với châu Âu. Các thỏa thuận hợp tác như vậy có thể mất nhiều tháng để đàm phán và hiện chưa có bất kỳ hợp đồng nào được chốt với các quốc gia châu Âu. Trong khi đó, Qatar cũng duy trì quan hệ với Nga, với hàng tỷ USD đầu tư.

Sự chú ý của phương Tây tới Qatar trái ngược với vị thế địa chính trị của nước này cách đây 5 năm. Qatar lúc đó phải đối mặt với làn sóng tẩy chay kinh tế và ngoại giao từ các nước láng giềng, trong đó có Arab Saudi. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi nước này này là bên tài trợ cho khủng bố, điều mà Doha phủ nhận.

Qatar đã hàn gắn quan hệ với Arab Saudi, Mỹ cũng đã xem họ là một đồng minh lớn ngoài NATO, tạo điều kiện cho nhiều cuộc tập trận quân sự chung và các hợp đồng bán vũ khí tiềm năng. Qatar đóng vai trò trung tâm trong việc giúp Mỹ và các đồng minh sơ tán hàng nghìn người ở Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát Kabul, cũng như đóng vai trò là kênh hỗ trợ Mỹ trong các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Khí đốt của Qatar sẽ không thể giúp châu Âu thay đổi cuộc chơi ngay lập tức. Nước này đang bơm hết công suất và gửi các lô LNG được đặt hàng từ lâu đến châu Á, nơi các khách hàng như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cần phải đồng ý để Doha chuyển hướng khí đốt sang châu Âu.

"Về cơ bản sẽ không có LNG dư thừa trên thị trường thế giới", Robin Mills, giám đốc công ty tư vấn năng lượng Qamar Energy ở Dubai, nói.

Qatar ước tính chỉ khoảng 10-15% lượng LNG của nước này có thể chuyển hướng sang châu Âu trong ngắn hạn và những lô hàng này sẽ có giá đắt hơn của Nga.

"Chúng tôi đang lên kế hoạch tăng các các hợp đồng dài hạn với châu Âu trong nhiều năm", một quan chức Qatar nói. "Nhìn chung, chúng tôi sẽ có nguồn cung dồi dào hơn trong vài năm tới, vì vậy những cuộc thảo luận về hợp đồng dài hạn sẽ giúp đảm bảo châu Âu không phải đối mặt nỗi lo thiếu năng lượng lần nữa".

Thành phố công nghiệp Ras Laffan, địa điểm sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng chính của Qatar. Ảnh: AFP.

Thành phố công nghiệp Ras Laffan, địa điểm sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng chính của Qatar. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, kế hoạch thay thế năng lượng Nga của châu Âu cũng đối mặt nhiều thách thức. Nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu được cung cấp một cách nhanh chóng và tiện lợi qua đường ống. Tuy nhiên, hiện tại chưa có đường ống dẫn khí từ Qatar tới châu Âu, nên chúng buộc phải vận chuyển dưới dạng khí hóa lỏng.

"Hóa lỏng khí tự nhiên tốn nhiều năng lượng, phát thải khí carbon và ảnh hưởng tới khí hậu", Yousef Alshammari, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Hoàng gia London, nói. "Sẽ rất khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu khi đặt ra các chương trình khí hậu đầy tham vọng và các mục tiêu không phát thải khí".

Các quốc gia châu Âu cũng cần cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, lưu trữ khí hóa lỏng. Những công trình này sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng, theo Karen Young, thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông của Washington.

"Vấn đề là châu Âu đang nhảy vào một thị trường LNG không thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ ngay lập tức", Nikos Tsafos thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói. "Tất nhiên Qatar có thể gửi thêm khí đốt tới châu Âu, nhưng họ vẫn chưa làm dù giá khí đốt bán cho châu Âu cao hơn nhiều. Điều này cho thấy dòng chảy khí đốt của họ gắn bó với châu Á hơn chúng ta nghĩ".

Thanh Tâm (Theo WSJ, CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét