Gia đình Butcher sống yên bình trong trang trại ở Fergus, bang Montana, nhưng dưới quả đồi cạnh nhà họ là một tên lửa hạt nhân Minuteman III nặng 36 tấn.
Sau khi buộc ngựa cẩn thận, rũ bùn khỏi đôi ủng cao bồi, ông Ed Butcher, 78 tuổi, bước vào nhà, ngồi xuống bàn ăn tối. Ông bật TV và chuyển sang kênh tin tức. ''Tôi đã bỏ lỡ những gì rồi? Khu vực nào của thế giới đang bị hủy diệt thế?'', ông hỏi vợ là bà Pam Butcher.
"Chúng ta đang nói về xung đột liên quan tới một cường quốc hạt nhân", bình luận viên nói trên TV, đề cập đến khủng hoảng Nga - Ukraine, trong khi hai vợ chồng cúi đầu cầu nguyện trước lúc thưởng thức món thịt nai hầm mới ra lò.
"Tình hình có thể leo thang", tiếng bình luận viên trên TV tiếp tục vang lên. "Nó có thể vượt xa những tưởng tượng điên rồ nhất của chúng ta".
Ông Ed tắt TV và nhìn ra ngoài cửa sổ, về phía đồng cỏ bạt ngàn dọc trục đường Butcher. Nhiều thế hệ gia đình ông đã sinh sống trên mảnh đất này từ năm 1913, song hiếm khi cuộc sống ở trang trại lại bấp bênh như hiện tại.
Đất đai khô cằn do hạn hán kỷ lục, không thể canh tác tốt do thiếu nhân lực vì đại dịch Covid-19, chưa kể bị tàn phá bởi các trận cháy rừng gần đây. Giờ đây, trang trại tiếp tục bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
"Còn điều gì tồi tệ khác sắp xảy đến không nhỉ?", Ed nói, hướng mắt về ngọn đồi phía tây trang trại, nơi một tên lửa hạt nhân có sức công phá gấp 20 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima đang nằm ở hầm chứa ngay dưới đồng cỏ. "Cầu Chúa đừng bắt con chứng kiến cảnh tên lửa khai hỏa".
Đó là tên lửa Minuteman III, được lưu giữ tại hầm phóng trên mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình ông Ed từ thời Chiến tranh Lạnh. Không quân Mỹ đã trả 150 USD cho mỗi 4.000 m2 đất của người dân vùng này để xây dựng một kho vũ khí hạt nhân trên khắp vùng nông thôn miền Tây.
Quả tên lửa nằm dưới một nắp hầm bê tông cốt thép nặng 110 tấn, xung quanh có hàng rào thép. Tên lửa Minuteman III dài 18 mét, nặng 36 tấn với sức nổ tương đương 20 quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima khiến 140.000 người thiệt mạng.
Một nhóm binh sĩ không quân Mỹ thường xuyên trực tại một hầm ngầm cách đó vài km, sẵn sàng khai hỏa tên lửa bất cứ khi nào có lệnh. Khi họ nhấn nút, tên lửa sẽ lao lên khỏi hầm chứa trong 3,4 giây và vọt đi với vận tốc gần 11.000 km/h.
Khi đầu đạn hạt nhân kích nổ ở độ cao vài trăm mét phía nên mục tiêu, quả cầu lửa sẽ làm bốc hơi toàn bộ sinh vật sống và mọi công trình trong bán kính 800 mét, san phẳng các tòa nhà lân cận trong bán kính 8 km. Lửa và bức xạ chết người sẽ lan rộng hàng chục đến hàng trăm km.
Khoảng 400 tên lửa như vậy đang được bố trí tại các khu bảo tồn, rừng quốc gia và hàng chục trang trại tư nhân tại các bang Montana, Wyoming, Bắc Dakota, Colorado và Nebraska.
Vợ chồng Butcher đã sống cạnh "láng giềng" là quả tên lửa hạt nhân có sức hủy diệt khủng khiếp như vậy hơn 6 thập kỷ qua.
"Tôi cá với mình là nó sẽ bay qua phòng khách", ông Ed nói với vợ.
"Chúng ta sẽ nghe thấy và cảm nhận được nó", bà Pam trả lời. "Cả ngôi nhà sẽ rung chuyển".
"Nếu Mỹ thực sự khai hỏa tên lửa, chắc chắn loạt tên lửa khác đang nhắm vào chúng ta", ông Ed nói thêm.
"Tất cả chỉ là giả thuyết thôi, có thể quả tên lửa nằm đó chỉ để răn đe, có thể nó sẽ không bao giờ được khai hỏa", người nông dân già đứng dậy dọn đĩa và an ủi vợ.
"Mình nói đúng, chuyện đó sẽ không xảy ra", bà Pam đáp lại. "Gần như chắc chắn là không".
'Bọt biển hạt nhân'
Dù hầm chứa tên lửa Minuteman III nằm bên trong trang trại của hai vợ chồng, ông bà Butcher chưa bao giờ được phép đi vào khu vực được rào bằng lưới thép đó. Đôi khi họ thấy những đoàn xe tải quân sự hạng nhẹ đi trên con đường đất về phía bãi phóng. Một lần ông Ed đã chứng kiến một phần của tên lửa Minuteman III đang được đưa vào giếng phóng, với đầu đạn và động cơ sơn đen trắng.
Địa điểm này được chính phủ Mỹ gọi là Cơ sở Phóng E05, một trong 52 điểm đặt tên lửa hạt nhân đang hoạt động trên các trang trại nhà dân tại hạt Fergus, bang trung tâm Montana.
Năm 1950, chính phủ Mỹ coi Montana là một phần trong dự án "bọt biển hạt nhân". Trong dự án này, hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Mỹ sẽ được đặt trong các hầm chứa dưới lòng đất tại các bang Nebraska, Wyoming, Colorado, Montana và North Dakota.
Các bang này đóng vai trò như một "miếng bọt biển" thu hút các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương khi có xung đột nổ ra, giúp giảm thiểu nguy cơ các thành phố lớn của Mỹ bị nhắm mục tiêu.
Không quân Mỹ đã dần thay thế tên lửa Minuteman ban đầu bằng Minuteman II và sau đó là Minuteman III. Sau một thời gian, gia đình không còn cảm thấy đó là mối nguy hiểm nữa mà chỉ là một phần khác của cảnh quan, một di tích "lành tính" thời Chiến tranh Lạnh.
Đó là những gì ông Ed đã nghĩ cho tới cuối tháng 2, thời điểm xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nga đặt kho vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động cao trong bối cảnh làn sóng trừng phạt phương Tây gia tăng áp lực lên Moskva, kèm đó là hoạt động viện trợ vũ khí cho Ukraine cùng khả năng NATO kết nạp thêm thành viên, tiếp tục mở rộng về phía đông.
Sinh ra trong thời sơ khai của vũ khí hạt nhân và từng là giáo sư đại học, ông Ed hy vọng sẽ không bao giờ phải chứng kiến cảnh hủy diệt như ở Hiroshima và Nagasaki thêm lần nào nữa trong đời.
"Tôi dám cá là các vệ tinh Nga đang đếm từng sợi tóc trên đầu tôi", ông Ed nhìn lên bầu trời và kéo chiếc mũ xuống.
Trong những ngày gần đây, cảm biến tại bãi phóng đang hoạt động mạnh mẽ, có thể phát hiện bất kỳ chuyển động nào trong phạm vi 100 mét từ giếng phóng. Trực thăng quân sự cũng tăng cường tuần tra, dò tìm bất kỳ hoạt động khả nghi trên tất cả 450 địa điểm bố trí tên lửa hạt nhân tại 5 bang.
Tại một boongke cách trang trại nhà Butcher khoảng 11 km, hai binh sĩ không quân Mỹ bắt đầu ca trực kéo dài 24 giờ. Họ đi thang máy xuống một căn phòng nhỏ sâu 18 m dưới mặt đất, được gia cố bằng lớp bê tông dày 1,2 mét. Ở đó có một phòng tắm nhỏ, một chiếc giường, một đường hầm thoát hiểm và bảng điều khiển nhập mã 8 chữ số có khả năng khai hỏa 10 tên lửa hạt nhân lên bầu trời hạt Fergus, bang Montana.
Cách đó vài km, Ross Butcher, con trai út của ông Ed, 53 tuổi, đang làm việc tại tòa án hạt Fergus, giúp nghiên cứu kho vũ khí hạt nhân thế hệ tiếp theo. Ông Ross là một trong ba ủy viên được bầu vào hội đồng hạt Fergus.
Gần đây, một phần của công việc của ông Ross là phối hợp với quân đội trong nỗ lực thay thế Minute III bằng một vũ khí hạt nhân mới mạnh hơn là Sentinel, ra mắt ngày 5/4. Sentinel sẽ kế nhiệm Minuteman III sau hơn 5 thập kỷ hoạt động kể từ năm 2029. Vòng đời dự kiến của tên lửa Sentinel được cho là "có sức răn đe và bảo vệ mạnh mẽ cho đến thập niên 2070 và hơn thế nữa".
Không quân Mỹ đã đặt mua 642 tên lửa Sentinel từ tập đoàn Northrop Grumman với chi phí ước tính khoảng 260 tỷ USD. Giờ đây, Lầu Năm Góc đã gửi tới giới chức hạt Fergus một loạt thư và bản kế hoạch 10 năm về "cải tiến hạt nhân để tăng cường khả năng bảo vệ đất nước", nhằm "cải tạo hoàn toàn tất cả các cơ sở phóng" hiện có.
Kết quả từ đợt thăm dò quốc gia cho thấy hầu hết người Mỹ đều không muốn chính phủ chi hàng trăm tỷ USD cho hệ thống vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ không bao giờ được sử dụng cho đến khi hết hạn, song tình hình tại hạt Fergus, bang Montana là rất khác. Căn cứ Không quân Malmstrom tại đây đóng góp hơn 375 triệu USD cho nền kinh tế địa phương mỗi năm.
Nhiều đội thể thao trường học khắp vùng nông thôn bang Montana đều lấy tên "Minuteman". Họ xây dựng triển lãm, bảo tàng về lịch sử hạt nhân. Hạt Fergus thậm chí dựng một quả tên lửa ngừng hoạt động dài 18 mét làm tượng đài bên cạnh sân chơi trong công viên thành phố.
"Đây là hòa bình thế giới đạt được nhờ hỏa lực vượt trội", ông Ross nhận định. "Vũ khí hạt nhân là một phần thực tế trên toàn cầu".
"Tôi muốn đi khắp nơi để thúc đẩy hòa bình toàn thế giới, nhưng điều đó không thực tế. Nếu chúng tôi không phô trương uy thế, một thế lực khác sẽ tiếp tục đe dọa chúng tôi", ông Ross nhấn mạnh.
Tại trang trại, bà Pam đã chuẩn bị sẵn sàng cho những viễn cảnh có thể xảy ra sau hàng thập kỷ sống chung với quả tên lửa có thể phá hủy cả một thành phố. Bà đã chuẩn bị nhu yếu phẩm dự trữ đủ trong ít nhất vài năm tại tầng hầm dưới nhà, dù giới chức cho rằng chiến tranh hạt nhân hiện nay gần như là không thể.
"Mình đang nghĩ gì vậy?", bà Pam hỏi chồng sau khi xem một phóng sự về sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân. "Tôi nghĩ rằng bất cứ khi nào Chúa gọi, tôi sẽ sẵn sàng theo người", ông Ed trả lời.
Đức Trung (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét