Suốt nhiều năm, cư dân thị trấn Cochem rợp bóng cây ở miền tây nước Đức không hay biết đang sống trên "mỏ vàng".
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngân hàng trung ương của chính quyền Tây Đức đã cất số tiền mặt tương đương gần 15 tỷ mark (2,7 tỷ USD) trong một boongke chống bom hạt nhân rộng 1.500 m2 dưới lòng thị trấn Cochem ở vùng Rhineland.
Loại tiền này có mật danh "BBK II", được bảo vệ chặt chẽ cho mục đích phòng ngừa nếu hệ thống tiền tệ của Tây Đức bị tấn công. Sau Chiến tranh Lạnh, boongke này được chuyển cho một ngân hàng cổ phần trong khu vực rồi lại tiếp tục sang tay một quỹ bất động sản.
Năm 2016, cặp vợ chồng người Đức Manfred và Petra Reuter đã mua boongke và biến nó thành bảo tàng. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine gần đây khiến tình hình an ninh châu Âu có nhiều bất ổn, một số người bắt đầu quan tâm tới chiếc boongke.
"Rất nhiều người biết chúng tôi có một boongke an toàn và hỏi liệu còn chỗ cho họ trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp hay không", Petra Reuter nói. "Khi tham quan boongke, họ thường hỏi về tình hình châu Âu hiện nay. Tôi có cảm giác như sống lại 60 năm trước, nỗi sợ cũng giống thời đó".
Bước qua cánh cửa sắt nặng nề là hành lang dài dẫn tới buồng khử trùng và văn phòng trang bị máy đánh chữ, điện thoại bàn. Căn phòng chính bao gồm 12 lồng, là nơi chứa khoảng 18.300 hộp đựng hàng triệu tờ tiền mệnh giá 10, 20, 50 và 100 mark xếp cao tận trần nhà trong gần 25 năm qua.
Mặt trước tờ tiền gần giống tờ mark lưu hành thời điểm đó, nhưng mặt sau thì khác. Bắt đầu từ năm 1964, hàng trăm xe tải đã vận chuyển số tiền này tới hầm chứa trong suốt 10 năm mà không ai nghi ngờ, kể cả lực lượng an ninh Đông Đức.
Lối vào boongke thông qua địa đạo bí mật từ nơi dường như từng là trung tâm đào tạo kiêm phát triển nhân viên của ngân hàng trung ương Đức trong một khu dân cư của thị trấn.
"Người dân trong thị trấn đã sốc khi biết tin về kho tiền cấu giấu lâu nay bên dưới nhà mình", Wofgang Lambertz, cựu thị trưởng Cochem, nơi có dân số khoảng 5.000 người, nói.
Ngoài 15 tỷ mark giấu trong boongke này, Đức còn tích trữ gần 11 tỷ mark tiền mặt tương tự trong hầm chứa của ngân hàng trung ương tại Frankfurt. Tổng số tiền cất giấu gần bằng lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế Đức năm 1963.
Có lẽ đây là một biện pháp đề phòng cực đoan trước một cuộc tấn công giả định, nhưng giới chức Tây Đức đã rút kinh nghiệm từ lịch sử. Suốt Thế chiến II, Đức Quốc xã đã phát động "Chiến dịch Bernhard", buộc tù nhân trong các trại tập trung phải sản xuất đồng bảng Anh giả với mục đích gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh.
"Lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là nỗi sợ tiền giả sẽ được tuồn vào để gây tổn thất cho nền kinh tế Tây Đức", Bernd Kaltenhaueser, chủ tịch văn phòng khu vực Rhineland-Palatinate và Saarland của ngân hàng Bundesbank, nói.
"Ngày nay, tạo ra một loại tiền dự phòng đã không còn ý nghĩa vì bây giờ ít tiền giả lưu hành hơn, ít người thanh toán bằng tiền mặt hơn", Kaltenhaueser nói thêm.
Trong những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh dịu xuống và công nghệ phát triển, những đồng tiền thay thế này không còn phù hợp với tiêu chuẩn an ninh của Đức nữa. Tới năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn tờ tiền dự phòng đã bị lấy khỏi boongke, cắt vụn và tiêu hủy.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét