Nga đã kiểm soát 80% vùng Donbass, nhưng không thể phát huy đà tiến công nhanh chóng, khi các nhược điểm trong tác chiến chưa được khắc phục triệt để.
Khi Nga chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự ở Ukraine sang vùng Donbass ở miền đông, phương Tây lo ngại một đợt tấn công dữ dội sẽ khiến các lực lượng Ukraine sụp đổ chỉ trong vài ngày.
Nhưng một lần nữa, phương Tây đã phán đoán sai, khi Nga đến nay vẫn chưa thể giành được một chiến thắng chóng vánh ở khu vực chiến lược này. Trong những tuần qua, lực lượng Nga đã kiểm soát khoảng 80% vùng Donbass, nhưng đà tiến công đang chậm lại đáng kể, thậm chí nhiều nơi lâm vào bế tắc.
Ở hướng đông bắc, quân đội Ukraine thậm chí đã đẩy lùi được lực lượng Nga ra khỏi Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Tại mặt trận chính phía đông, quân đội Nga và Ukraine đang trong tình thế giằng co ở hai bờ con sông Seversky Donets ngăn đôi chiến tuyến.
Các nỗ lực bắc cầu phao vượt sông của hai phía đều bị đối phương phát hiện và sử dụng pháo binh ngăn chặn, gây ra tổn thất nặng nề.
Theo Mark Cancian từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, giới chuyên gia quân sự ban đầu dự đoán sau khi rút quân khỏi Kiev, các lực lượng Nga sẽ tung ra một trong những đợt tấn công dữ dội nhất ở Donbass. "Nhưng điều đó đã không xảy ra", ông nói.
Các nguồn tin phương Tây cho biết khoảng 12.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Donbass trong những tuần gần đây, trong khi con số Ukraine đưa ra là 25.000 người.
Moskva không bình luận về thông tin này và chưa công bố thông tin cập nhật về thương vong trên chiến trường. Tuy nhiên, tình báo Anh cho biết một đợt tập kích gần đây của pháo binh Ukraine vào khu vực lực lượng Nga bắc cầu phao vượt sông đã khiến một nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thiệt hại tới 73 xe tăng, thiết giáp.
Những tổn thất như vậy có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng của Moskva nhằm giành một chiến thắng quyết định tại miền đông Ukraine, dù quy mô chiến dịch đã được thu hẹp.
Quân đội Nga hiện nay tinh gọn hơn nhiều so với trước đây, trong đó nòng cốt là lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, nên Nga "cần rất thận trọng về thương vong", Cancian nhận định. Việc để mất quân chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của các binh sĩ.
Lực lượng Nga được cho là đã chiến đấu kém hiệu quả trong giai đoạn đầu của chiến dịch, khi không thể bao vây được Kiev và các mục tiêu trọng yếu ở miền bắc Ukraine. Đến cuối tháng 3, khi tuyên bố tiến hành giai đoạn hai, Nga tập trung 80% quân số của họ ở Ukraine cho mặt trận Dobass.
Moskva cũng đã cố gắng điều động một số lượng lớn xe tăng tới Donbass, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm trong ứng phó với chiến thuật kháng cự của Ukraine. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của quân đội Nga bộc lộ từ giai đoạn đầu chiến dịch đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong đó nghiêm trọng nhất là khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị và quân binh chủng, theo các chuyên gia quân sự.
"Mỗi đơn vị quân đội Nga đang tiến hành cuộc chiến theo cách riêng của mình cả về chiến thuật và chiến lược, thay vì phối hợp với nhau", Alexander Grinberg, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Chiến lược và An ninh Jerusalem (JISS), nhận xét. "Ngay cả khi Nga ban bố lệnh tổng động viên để huy động thêm quân số, thật khó hình dung họ sẽ làm cách nào để vượt qua được những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức hiệp đồng như vậy".
Hoạt động tác chiến "mạnh ai nấy làm" được thể hiện rõ trong đợt tấn công vào vùng Kharkov. Khi bộ binh Nga tiến vào, họ phá hủy các trạm phát sóng di động (BTS) trong khu vực, khiến các sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) không thể sử dụng được điện thoại mã hóa Era, vốn cần kết nối dữ liệu 3G hoặc 4G để vận hành.
Không dùng được hệ thống điện thoại mã hóa, họ buộc phải liên lạc với nhau bằng bộ đàm hoặc điện thoại di động thông thường, khiến tình báo Ukraine và phương Tây dễ dàng chặn thu các cuộc gọi và nắm được những thông tin quan trọng.
Theo các chuyên gia, những điểm yếu cố hữu như vậy đã khiến lực lượng Nga không thể "tốc thắng" ở miền đông Ukraine, khiến giao tranh dần rơi vào tình thế giằng co.
Quân đội Ukraine đến nay vẫn kháng cự quyết liệt trước những cuộc tấn công từ lực lượng Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Ukraine cũng không có đủ lực lượng, hỏa lực để giành chiến thắng toàn diện trong khu vực.
Một số người tin rằng Kiev có khả năng đảo ngược cục diện và đánh bại lực lượng Nga khi các vũ khí hạng nặng của phương Tây đến được tay họ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về kịch bản này, lưu ý rằng binh sĩ Ukraine có rất ít thời gian làm quen với các loại lựu pháo, khí tài cỡ lớn vốn rất phức tạp của phương Tây.
Các binh sĩ Ukraine đã thể hiện được khả năng kháng cự bền bỉ, nhưng chưa chứng tỏ được ưu thế trong tấn công và cũng đã chịu tổn thất đáng kể trước hỏa lực từ pháo binh, không quân Nga.
"Để giành lại lãnh thổ, quân đội Ukraine sẽ phải thể hiện được khả năng tấn công", Simon Schlegel, chuyên gia cấp cao tại viện nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho hay. "Theo chiến thuật thông thường, bên tấn công cần có lực lượng nhiều hơn gấp ba so với bên phòng thủ, nên Ukraine sẽ cần nhiều binh sĩ hơn, điều rất khó với họ trong tình cảnh hiện nay".
Schlegel cho rằng khi Ukraine không thể giành lại lãnh thổ, trong khi Nga khó tiến thêm, giao tranh ở Donbass sẽ rơi vào bế tắc. Hai bên sẽ tiếp tục đụng độ nhưng ở quy mô nhỏ, không thể tung ra những cú đánh quyết định để thay đổi cục diện.
"Tình hình khi đó sẽ rất giống với những gì đã diễn ra ở miền đông Ukraine trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 2/2022", Schlegel nhận định. Theo ông, cả Nga và Ukraine đều không muốn kịch bản này xảy ra, nhưng có thể phải chấp nhận nó trong một thời gian dài trước khi tìm được giải pháp đàm phán hòa bình.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Vox)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét