Ngoại trưởng Nga cho biết dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 không có tác động đến hoạt động quân sự ở Ukraine, khi phương Tây đang đồn đoán về mốc này.
"Các binh sĩ của chúng tôi sẽ không dựa vào bất kỳ ngày cụ thể nào để quyết định hành động của họ", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hôm qua khi được hỏi Ngày chiến thắng 9/5 có đánh dấu bước ngoặt trong cuộc xung đột ở Ukraine hay không.
Tình báo Mỹ hồi đầu tháng trước nhận định Nga thay đổi chiến lược để tập trung giành kiểm soát Donbass và các vùng khác ở đông Ukraine, với mục tiêu hoàn thành trước ngày 9/5. Đây là ngày lịch sử với Nga, đánh dấu sự đầu hàng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, thường được kỷ niệm bằng cuộc duyệt binh lớn của quân đội và khí tài quân sự trên Quảng trường Đỏ trước Điện Kremlin.
Ngoại trưởng Lavrov nói Nga sẽ kỷ niệm Ngày Chiến thắng một cách long trọng, nhưng khẳng định thời gian và tốc độ chiến dịch ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào nhu cầu giảm thiểu rủi ro cho dân thường và lính Nga.
Ông Lavrov khẳng định Nga luôn cam kết hợp tác để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
"Truyền thông phương Tây xuyên tạc về các mối đe dọa từ Nga", ông nói. "Nga chưa bao giờ làm gián đoạn nỗ lực đạt các thỏa thuận để đảm bảo rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ bùng phát".
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hồi tháng 4 bày tỏ lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp ở Ukraine, dù chưa có bằng chứng củng cố mối lo ngại này.
Tổng thống Nga Putin từ tháng 2 đã yêu cầu các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Tuy nhiên, giới chức Anh và Mỹ nói rằng họ không phát hiện thay đổi đáng kể nào trong lực lượng hạt nhân Nga sau lệnh báo động của ông Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cuối tháng ba nói "không ai ở Nga nghĩ tới việc sử dụng hay thậm chí ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân". Theo ông Peskov, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp "xuất hiện mối đe dọa tới sự tồn tại" của đất nước.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số chuyên gia ước tính Nga sở hữu khoảng 2.000 vũ khí loại này, có thể chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
Thanh Tâm (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét