Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Sri Lanka cấm cựu thủ tướng xuất cảnh

Tòa án Sri Lanka cấm cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa, con trai ông và 15 đồng minh xuất cảnh, vì bị nghi ngờ kích động bạo lực.

Hôm 9/5, người ủng hộ cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa cầm gậy lao vào tấn công người biểu tình chống chính phủ ôn hòa tại trung tâm thủ đô Colombo, kích động bạo lực trả đũa khiến 9 người chết và nhiều thiệt hại về tài sản. Thẩm phán ở thủ đô Colombo hôm nay yêu cầu cảnh sát điều tra vụ tấn công này, đồng thời ra lệnh cấm cựu thủ tướng Rajapaksa, con trai Namal, và 15 đồng minh xuất cảnh để phục vụ điều tra.

Người ủng hộ chính phủ cầm ảnh chân dung Mahinda Rajapaksa bên ngoài dinh thủ tướng ở Colombo ngày 9/5. Ảnh: AFP

Người ủng hộ chính phủ cầm ảnh chân dung Mahinda Rajapaksa bên ngoài dinh thủ tướng ở Colombo ngày 9/5. Ảnh: AFP

Nạn nhân của vụ bạo lực hôm 9/5 cho hay cựu thủ tướng và phụ tá đắc lực đã đưa 3.000 người ủng hộ vào thủ đô và xúi giục tấn công người biểu tình ôn hòa. Ít nhất 225 người phải nhập viện, trong đó có nhà sư Phật giáo và linh mục Công giáo. Vụ bạo lực làm dấy lên làn sóng trả đũa khắp đất nước. Người phản đối chính phủ phóng hỏa hàng chục ngôi nhà của người trung thành với Rajapaksa.

Cùng ngày, ông Rajapaksa, 76 tuổi, từ chức thủ tướng và được lực lượng vũ trang sơ tán đến doanh trại hải quân ở phía đông quốc đảo. Con trai Namal Rajapaksa, 36 tuổi, người từng làm bộ trưởng thanh niên và thể thao, cho hay gia đình không có ý định rời khỏi đất nước.

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ khi độc lập. Hồi tháng 4, chính phủ tuyên bố vỡ nợ, không thể trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD. Người dân sống trong cảnh mất điện, thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng suốt nhiều tháng.

Khủng hoảng bắt đầu sau khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn thu quan trọng từ ngoại tệ và kiều hối, khiến đất nước lâm vào tình trạng thiếu ngoại tệ trả nợ và buộc chính phủ phải cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, hậu quả là tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng, lạm phát tăng cao và mất điện kéo dài.

Người biểu tình đổ lỗi cho các lãnh đạo và quan chức Sri Lanka về sai lầm trong quản lý kinh tế. Trong hơn một tháng qua, họ đã biểu tình để yêu cầu Mahinda Rajapaksa và Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai của ông, từ chức.

Chính phủ Sri Lanka hôm 6/5 tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trao quyền cho quân đội truy bắt và giam giữ người có hành động gây rối. Ngày 11/5, cảnh sát Sri Lanka được cho phép chủ động tấn công và sử dụng đạn thật để ngăn chặn "tình trạng vô chính phủ".

Người ủng hộ đảng cầm quyền Sri Lanka tấn công người phản đối

Cảnh sát cố gắng giải tán đụng độ biểu tình ở Colombo, Sri Lanka ngày 9/5. Video: AFP.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét