Tổng thống Biden khẳng định Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ ở thủ đô Washington đánh dấu "kỷ nguyên mới" cho quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á.
"Một phần lớn lịch sử thế giới trong vòng 50 năm tới sẽ được định hình tại các quốc gia ASEAN. Mối quan hệ với tổ chức này chính là tương lai trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/5 nhấn mạnh tại ngày họp cuối của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Lãnh đạo Mỹ khẳng định hội nghị hai ngày qua không chỉ kỷ niệm 45 năm đối tác và hữu nghị Mỹ - ASEAN, mà còn khởi động "kỷ nguyên mới" cho mối quan hệ này. Tổng thống Biden nhấn mạnh "toàn thể chính quyền đều phấn khởi" trước tương lai quan hệ Mỹ - ASEAN, không riêng cá nhân ông hay Phó tổng thống Kamala Harris.
Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo hiệp hội 10 nước Đông Nam Á cùng họp tại thủ đô Washington và là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Mỹ trên đất Mỹ trong 6 năm qua, kể từ sau hội nghị cấp cao đặc biệt lần một ở California.
"Chúng tôi kiên định gìn giữ và củng cố những quy tắc và luật lệ đã góp phần tạo nên phát triển, thịnh vượng và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là tôn trọng luật pháp và quyền con người", ông Biden chia sẻ. "Với những thách thức hiện nay trên thế giới, quan hệ Mỹ - ASEAN càng có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta".
Tổng thống Mỹ nhận xét hội nghị trong hai ngày 12 và 13/5 đã diễn ra thành công. Ông chia sẻ với các lãnh đạo ASEAN rằng Washington đặt tầm nhìn về một khu vực tự do, rộng mở, ổn định, thịnh vượng, bền bỉ và an ninh.
"Vai trò trung tâm của ASEAN là mảnh ghép then chốt của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính quyền hiện nay. Tôi chân thành khẳng định chiến lược này nhằm theo đuổi một tương lai mà tất cả chúng ta cùng mong muốn", Tổng thống Mỹ chia sẻ.
Ông Biden cũng công bố ý định đề cử Yohannes Abraham, chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia và từng là trợ lý đắc lực trong giai đoạn chuyển giao chính phủ, làm đại sứ Mỹ tại ban thư ký ASEAN.
Từ sau nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama, Thượng viện Mỹ chưa phê duyệt quan chức nào làm đại sứ tại ASEAN. Cựu tổng thống Donald Trump cuối năm 2020 công bố đề cử cho vị trí này nhưng không được thông qua.
Trong bài phát biểu trước đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tái khẳng định Washington chia sẻ tầm nhìn chung của ASEAN về "trật tự thượng tôn pháp luật trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế", tại khu vực.
Bà nhấn mạnh Đông Nam Á vẫn là một trong những ưu tiên của Mỹ. Tuần duyên Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra đến khu vực để huấn luyện và đối phó hoạt động đánh bắt cá trái phép. Phó tổng thống Harris nhận định Mỹ sẽ hiện diện và tiếp tục gắn bó với khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế hệ tiếp theo.
Chính quyền Tổng thống Biden một ngày trước đã công bố gói hỗ trợ 150 triệu USD cho các sáng kiến mới tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm hợp tác an ninh hàng hải và năng lượng sạch. Các lãnh đạo ASEAN và Mỹ nhất trí ủng hộ thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện và bày tỏ trông đợi mối quan hệ này phát triển thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trong chuyến công du Mỹ ngày 11-17/5, để tham dự chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ. Ông cũng dự kiến làm việc với các lãnh đạo Liên Hợp Quốc tại New York.
Trong tiệc chiêu đãi do Tổng thống Biden chủ trì tại Nhà Trắng hôm 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Việt Nam trông đợi Mỹ luôn ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong các tiến trình ở khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng đóng góp xây dựng đường hướng mới cho các khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì, tạo môi trường cân bằng, hài hòa ở khu vực.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét