Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Bỏ mạng nơi xứ người vì sa vào địa ngục lừa đảo

Ông Goi Chee Kong hôm nay tổ chức tang lễ cho con trai Goi Zhen Feng tại Công viên Tưởng niệm Papan ở Ipoh, miền trung Malaysia. Feng, một giáo viên thực tập 23 tuổi, qua đời trong đơn độc ngày 11/5 ở nơi đất khách quê người sau khi sa chân vào một trong những trung tâm lừa đảo lao động khét tiếng ở châu Á.

Khi ông Kong và vợ, bà Yang Fei Pin, tới Bangkok hôm 30/8, họ tin rằng sẽ đưa được con trai trở về Malaysia an toàn. Nhưng khi đến nơi, vợ chồng ông Kong phát hiện ra rằng con trai mình là nạn nhân của một mạng lưới lừa đảo lao động ở Myanmar.

Một bác sĩ thông báo với họ rằng Feng đã bị ngược đãi trước khi được đưa vào bệnh viện ở thị trấn Mae Sot tại biên giới phía tây Thái Lan hôm 11/4 với một hộ chiếu giả mang tên Mun Jun Hong. Feng trút hơi thở cuối cùng lúc 2h sáng 11/5.

Tại lễ hỏa táng theo nghi thức Phật giáo ở thị trấn ven biển Si Racha, miền đông Thái Lan, ông Kong và bà Pin nén nỗi đau mất con, nhẹ nhàng đặt chiếc áo khoác và balo của Feng vào trong chiếc quan tài màu trắng. Khi chiếc quan tài biến mất trong lò hỏa thiêu, bà Pin không kìm nổi cảm xúc, siết chặt cánh tay ông Kong.

"Lúc chứng kiến thằng bé ra đời trong phòng hộ sinh, tôi đã ngập tràn hạnh phúc", ông Kong, thợ cơ khí 50 tuổi, nói. "Giờ đây, khi nhìn thấy thi thể con trai, trái tim tôi đau đớn vô cùng".

Bà Yang Fei Pin cầm trên tay điện thoại có ảnh con trai quá cố, trong lễ hỏa táng tại Si Racha, Thái Lan, ngày 15/9. Ảnh: SCMP.

Bà Yang Fei Pin cầm trên tay điện thoại có ảnh con trai quá cố, trong lễ hỏa táng tại Si Racha, Thái Lan, ngày 15/9. Ảnh: SCMP.

Giới chức Malaysia tin rằng cái chết của Feng là một trong những trường hợp đầu tiên có liên quan đến các băng nhóm chuyên nhắm vào các thanh niên châu Á, biến họ thành lao động cưỡng bức trong các đường dây lừa đảo trực tuyến.

Nhưng lời kể của nhiều người được giải cứu, cũng như các video trên mạng xã hội, cho thấy có thể có nhiều người khác đã gặp số phận như Feng sau khi sa vào các cạm bẫy lừa đảo như vậy.

"Thằng bé quen một bạn gái trên mạng và trò chuyện qua các cuộc gọi video", ông Kong cho biết. "Chúng tôi chưa từng nhìn thấy khuôn mặt cô gái đó, nhưng có thể nghe thấy giọng nói. Bất cứ khi nào chúng tôi vào phòng Feng, cô gái này sẽ kết thúc cuộc gọi với lý do ngại ngùng hoặc do Internet bị lỗi".

Ngày 19/1, Feng rời nhà ở thành phố Ipoh đến Bangkok gặp gỡ "người yêu" quen qua mạng và hứa sẽ về vào ngày 5/2, một ngày trước sinh nhật mẹ.

Feng đã không thể giữ lời. Cha mẹ anh lập tức báo cáo vụ mất tích với cảnh sát Malaysia. "Tôi biết có chuyện không lành", bà Pin nói. "Con trai tôi luôn ở cạnh mẹ vào ngày sinh nhật".

Đến ngày 31/3, họ đột ngột nhận được một cuộc gọi khó hiểu từ Feng, nói rằng anh đang nằm viện ở Mae Sot, cách thủ đô Bangkok gần 500 km. Thị trấn này giáp biên giới với thành phố Yatai, Myanmar, nơi có sòng bạc KK Park khét tiếng.

KK Park được cho là có liên quan tới She Zhijiang, 40 tuổi, một ông trùm khét tiếng bị Trung Quốc truy nã và Interpol phát Thông báo đỏ với cáo buộc điều hành hoạt động đánh bạc trực tuyến trái phép từ năm 2012. Cảnh sát Thái Lan ngày 16/8 thông báo đã bắt được She và sẽ sớm dẫn độ ông trùm này về Trung Quốc chịu án.

KK Park được mô tả như một "địa ngục lừa đảo", nơi nhiều thanh niên trẻ bị cưỡng bức lao động, tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến, nhắm vào nạn nhân ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc đại lục. Giới chức Malaysia dẫn các nguồn tin bên trong KK Park cho biết nhiều thanh niên đã suy nhược khi bị ép làm việc trong nhiều giờ tại các cơ sở lừa đảo.

"Thằng bé nói cần khoảng 80.000 ringgit (17.600 USD) để chữa bệnh. Chúng tôi chắc chắn nó đang bị đe dọa", ông Kong nhớ lại. "Feng nói chuyện như thể là một người hoàn toàn khác".

Đó là lần cuối cùng đôi vợ chồng nghe thấy giọng con trai. Feng hoàn toàn biến mất sau cuộc gọi này. Thậm chí không ai rõ anh có thực sự ở bệnh viện vào thời điểm đó hay không.

Dãy nhà mái đỏ tại KK Park, nơi được cho là đầu não của cơ sở lừa đảo tại Myanmar. Ảnh: Limited Times.

Dãy nhà mái đỏ tại KK Park ở Myanmar. Ảnh: Limited Times.

Feng bị một kẻ lạ mặt đưa vào bệnh viện và bỏ lại trong tình trạng không thể nói được. Cái tên Mun Jun Hong trong hộ chiếu giả khiến gia đình không thể tìm ra anh trước khi mọi thứ quá muộn.

Trong giấy chứng tử, nguyên nhân cái chết của Feng ghi là tình trạng nhiễm trùng không được điều trị do hội chứng Guillain-Barre hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh. Nhưng giới chức Malaysia và những nguồn tin thân cận cho rằng Feng đã bị đánh đập, có dấu hiệu xuất huyết trong.

Thi thể của Feng đã được các tình nguyện viên đưa tới một ngôi chùa ở Ri Racha, miền đông Thái Lan. Nhiều tuần sau đó, cha mẹ anh mới có thể tìm được đến chùa, làm xét nghiệm ADN để xác nhận danh tính con. Họ mang hũ tro cốt của Feng về Malaysia hôm 16/9.

"Khi được một cô gái quen trên mạng mời ra nước ngoài gặp mặt, hay được giới thiệu công việc lương cao, xin hãy thận trọng, đừng để chúng lừa", ông Kong cảnh báo. "Những tổ chức tội phạm này sẽ dùng mọi cách để dụ thanh niên vào địa ngục trần gian".

Cha mẹ Feng chắp tay cầu nguyện cho con trai trong lễ hỏa táng ở Si Racha, Thái Lan, ngày 15/9. Ảnh: SCMP.

Cha mẹ Feng chắp tay cầu nguyện cho con trai trong lễ hỏa táng ở Si Racha, Thái Lan, ngày 15/9. Ảnh: SCMP.

Giới chức an ninh cho biết những băng nhóm như vậy thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến thông qua các website giả mạo giao diện của ngân hàng hoặc doanh nghiệp nổi tiếng, nhắm vào những người nhẹ dạ ở khu vực. Đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện, đóng giả là cảnh sát, công tố viên hay nhân viên ngân hàng để lừa nạn nhân nộp tiền.

Một số lao động trong các đường dây này biết rõ mình đang thực hiện hành vi lừa đảo cũng như hậu quả của nó đối với nạn nhân. Nhưng nhiều người khác bị lừa gạt tham gia đường dây, gần như trở thành nô lệ với khoản nợ lớn và chỉ có thể thoát ra sau khi nộp khoản tiền chuộc khoảng 3.000-15.000 USD.

"Những khoản tiền chuộc này thường được thanh toán bằng tiền điện tử, không thể truy vết", Victor Wong, doanh nhân Malaysia, người giúp đỡ cha mẹ Feng và nhiều nạn nhân khác, cho biết.

Những người không thể hoàn thành chỉ tiêu lừa tiền, hoặc không có đủ tiền chuộc, sẽ bị bán sang cơ sở lừa đảo khác. Giới chức tin rằng đầu não của các mạng lưới lừa đảo này là ở bên trong các tòa nhà mái đỏ của KK Park ở Myanmar.

"Đó là một nơi tồi tệ cùng cực", Sim Chon Siang, nghị sĩ bang Pahang của Malaysia, cho biết. "Con cái chúng ta đang rơi vào các cơ sở lừa đảo này, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ ngăn chặn bằng mọi giá".

Khi ngọn lửa bao trùm quan tài của Feng, em trai và em gái anh theo dõi lễ hỏa táng qua video. Họ khóc nức nở, chắp tay cầu nguyện. Một người con đã mất, một người anh trai đã ra đi, để lại khoảng trống mãi mãi không thể lấp đầy trong một gia đình.

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét