Oanh tạc cơ B-2 dán đầy băng dính dưới cánh khi bay trở về nhà máy sản xuất, một năm sau sự cố sập càng và mài cánh xuống đường băng.
Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Mỹ hôm 22/9 cho thấy oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit số hiệu 89-0129, còn có biệt danh "Spirit of Georgia", chuẩn bị hạ cánh xuống Nhà máy số 42 ở Palmdale, bang California. Đây là nơi sản xuất toàn bộ 21 máy bay B-2 của Mỹ, cũng là địa điểm đại tu và nâng cấp phi đội này.
Trong ảnh, chiếc B-2 được dán đầy băng dính nhôm ở diềm cánh trước và mặt dưới cánh trái. Viền tấm vỏ composite dưới thân máy bay cũng đầy rỉ sét và không có vật liệu hấp thụ radar thường thấy. Hàng loạt dấu vết hư hại do mài xuống mặt đất cũng được ghi nhận dưới cánh trái máy bay.
Không quân Mỹ cho biết oanh tạc cơ tàng hình B-2 số hiệu 89-0129 gặp trục trặc với hệ thống thủy lực khi bay huấn luyện ngày 14/9/2021, phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri, trước khi bị sập càng và lao ra khỏi đường băng.
Các hình ảnh được công bố sau đó cho thấy đầu cánh trái của chiếc B-2 quệt xuống mặt cỏ. Nhiều phần thân vỏ máy bay bị xé rách, trong khi cửa khoang chứa càng bên trái tách rời hoàn toàn khỏi thân máy bay và rơi trên đường băng.
"Nửa dưới cánh lái bên trái bị gãy. Vỏ dưới cánh cũng bị tổn hại nghiêm trọng, tạo ra lỗ thủng lớn và làm lộ cấu trúc trong cánh. Có khả năng cấu trúc khung cánh trái cũng bị hư hại và cần thêm đánh giá kỹ thuật", báo cáo được không quân Mỹ công bố hồi tháng 3 có đoạn.
Không quân Mỹ chưa công bố thời gian và chi phí sửa chữa chiếc B-2 số hiệu 89-0129 tại Nhà máy số 42.
B-2 Spirit là mẫu oanh tạc cơ chiến lược được Mỹ ra mắt năm 1988, cũng là phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành chế tạo một chiếc B-2 khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay. Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD. Dòng B-2 là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ, nhờ khả năng tàng hình trước radar đối phương.
Mỹ đã sản xuất tổng cộng 21 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn do sự cố trong lúc cất cánh tại đảo Guam hồi năm 2008. Một phi cơ khác cũng bị hư hỏng nặng do cháy trên mặt đất năm 2010, nhưng được sửa chữa và đưa trở lại biên chế với chi phí rất cao.
Vũ Anh (Theo Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét