NATO nói các vụ rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream là hành vi phá hoại và tuyên bố sẽ "phản ứng kiên quyết".
"Tất cả thông tin hiện có đều chỉ ra rằng đây là kết quả những hành động phá hoại có chủ ý, liều lĩnh và vô trách nhiệm", NATO hôm nay cho biết trong một tuyên bố. "Những vụ rò rỉ này đang gây rủi ro cho việc vận chuyển, đồng thời huỷ hoại môi trường đáng kể. Chúng tôi hỗ trợ các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguồn gốc sự phá hoại này".
"Bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của đồng minh đều sẽ bị đáp trả bằng phản ứng thống nhất và kiên quyết", liên minh quân sự nhấn mạnh.
Giới chức Thụy Điển ngày 26/9 thông báo về hai vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1, một nằm trong EEZ Đan Mạch, một trong EEZ Thụy Điển, cùng một vị trí rò rỉ trên Nord Stream 2 gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Cảnh sát biển Thụy Điển hôm nay phát hiện lỗ thủng thứ tư trong hệ thống Nord Stream, nằm trên đường ống Nord Stream 2.
Vào thời điểm phát hiện sự cố, hai đường ống đều không hoạt động nhưng chứa đầy khí đốt. Các hình ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những đám bọt khí có đường kính 200-1.000 m nổi lên mặt nước.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều nhận định hai đường ống hư hại là do hành vi cố ý phá hoại, nhưng không nói họ nghi ngờ bên nào đứng sau. Giới chức Thụy Điển cho biết họ phát hiện hai vụ nổ dưới lòng biển trước khi Nord Stream 1 bị rò rỉ.
Một nguồn tin quốc phòng Anh cho rằng đây là hành vi có tính toán trước, thủ phạm có thể đã dùng thủy lôi thả từ tàu hoặc thiết bị không người lái xuống gần đường ống rồi kích nổ. Liên minh châu Âu (EU) cũng tin Nord Stream rò rỉ là do bị phá hoại và tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Nga và Mỹ đều phủ nhận đứng sau vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã mở cuộc điều tra về hành vi "khủng bố quốc tế", trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp trong ngày 30/9 để thảo luận về vấn đề này. Điện Kremlin ngày 29/9 cho rằng vụ rò rỉ là "hành vi khủng bố ở cấp nhà nước".
Nord Stream 1 và 2 gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa chính trị, khi châu Âu tố Nga cắt nguồn cung khí đốt để vũ khí hóa năng lượng, còn Moskva nói rằng các lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét