Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Philippines đau đầu với sòng bài trực tuyến

Ngày 14/9, Bộ trưởng Nội vụ Benhur Abalos cho biết cơ quan chống bắt cóc của Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) đã giải cứu 43 công dân Trung Quốc bị "ép buộc lao động như nô lệ, là nạn nhân buôn người" tại sòng bạc Lucky South 99 Outsourcing, cơ sở vốn được chính phủ cấp phép ở tỉnh Pampanga.

Người thân của họ đã báo với giới chức an ninh rằng họ bị giữ tại sòng bạc này và kể từ đêm 12/9, chủ cơ sở đòi tiền chuộc một triệu peso (gần 49.000 USD).

Ngày 15/9, Hùng Cương, 35 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, bị bắt khi đang lái xe với cáo buộc có hành động khả nghi, khi giới chức đang tuần tra ở khu Clark Freeport, thành phố Mabalacat, tỉnh Pampanga để tìm kiếm những người có thể là nạn nhân bắt cóc. Cảnh sát thu giữ một khẩu súng ngắn bán tự động Daewoo 9 mm có gắn giảm thanh với băng đạn nạp đầy, một khẩu súng hơi màu đen và một cặp còng tay trong xe của Hùng.

Ngày 17/9, cảnh sát bắt thêm 5 công dân Trung Quốc và một người Philippines tại Vùng Thủ đô Manila, trong chiến dịch giải cứu một phụ nữ Trung Quốc bị những nghi phạm này bắt cóc đòi tiền chuộc.

Những sự việc này khiến sự chú ý đổ dồn vào các công ty cờ bạc hải ngoại (POGO), những cơ sở cờ bạc trực tuyến đặt trụ sở ở Philippines nhưng nhắm đến khách ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Giới chức cho rằng các băng đảng xã hội đen Trung Quốc đang lợi dụng những cơ sở này để thực hiện hành vi phi pháp.

Giới chức Philippines ngày 26/9 thông báo nước này sẽ dừng hoạt động 175 công ty cờ bạc hải ngoại và trục xuất khoảng 40.000 lao động Trung Quốc. "Đợt trấn áp được triển khai sau những thông tin về hành vi giết người, bắt cóc và các tội ác khác do công dân Trung Quốc nhằm vào chính đồng hương của họ", phát ngôn viên Bộ Tư pháp Philippines Jose Dominic Clavano cho biết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines sau đó thông báo Bắc Kinh ủng hộ động thái trục xuất và trấn áp tội phạm liên quan đến cờ bạc trực tuyến của Manila.

Lao động Trung Quốc bị bắt trong cuộc đột kích của cảnh sát Philippines nhắm vào công ty cá cược trực tuyến không phép tại thủ đô Manila hồi cuối năm 2019. Ảnh: Reuters.

Lao động Trung Quốc bị bắt trong cuộc đột kích của cảnh sát Philippines nhắm vào công ty cá cược trực tuyến không phép tại thủ đô Manila hồi cuối năm 2019. Ảnh: Reuters.

Dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, POGO được mô tả là "ngành công nghiệp mặt trời mọc" với hàng chục cơ sở mọc lên trong những năm gần đây. Hầu hết phục vụ khách Trung Quốc, nơi cờ bạc bị cấm.

Tuy nhiên, POGO hiện vấp phải làn sóng phản đối dữ dội trên toàn quốc, từ cộng đồng người Philippines gốc Hoa cho đến đại sứ quán Trung Quốc tại Mainla. Trong giai đoạn 2017-2019, PNP ghi nhận khoảng 31 vụ bắt cóc đòi tiền chuộc liên quan đến công dân Trung Quốc.

Nghị sĩ Rober Ace Barbers, chủ tịch Ủy ban Chống ma túy Nguy hiểm, ngày 21/9 chỉ ra rằng ngoài các vụ bắt cóc, các tội ác như giết người, mại dâm, tra tấn, ma túy và rửa tiền liên quan đến POGO cũng xảy ra trong thời gian nói trên.

Theo ông, các băng nhóm ma túy Trung Quốc có thể đang sử dụng các cơ sở đánh bạc trực tuyến làm bình phong để hoạt động. Điều này làm suy yếu cuộc chiến chống ma túy của chính phủ, đồng thời làm gia tăng tình trạng lừa đảo, tham nhũng, đặc biệt là rửa tiền, ảnh hưởng đến xã hội và an ninh quốc đảo.

"Họ rửa tiền thông qua các sòng bạc địa phương hoặc sòng trực tuyến", nghị sĩ Barbers cáo buộc. "Nhờ bản chất của Internet, các giao dịch diễn ra gần như ngay lập tức và rất khó truy vết. Do đó, các hoạt động trực tuyến của POGO thậm chí còn tồi tệ hơn các sòng truyền thống".

Trong khi đó, nghị sĩ Janette Garin cho rằng các vụ bắt cóc liên quan đến POGO "ảnh hưởng lớn" đến hình ảnh của Philippines và khiến các nhà đầu tư tháo chạy.

Theo bà, ước tính khoảng 138.000 người Trung Quốc đang làm việc tại các cơ sở POGO tại thủ đô Manila, chỉ có 17% nhân sự trong các sòng POGO trên toàn quốc là người Philippines và có ít nhất 200 POGO hoạt động trái phép. Trong thời kỳ đỉnh điểm, số công dân Trung Quốc làm việc tại các cơ sở này lên đến 300.000 người.

Giới chức Philippines đóng cửa một sòng bạc trốn thuế tại thủ đô Manila hồi năm 2019. Ảnh: UNTV.

Giới chức Philippines đóng cửa một sòng bạc trốn thuế tại thủ đô Manila hồi năm 2019. Ảnh: UNTV.

Những vấn đề về POGO khiến áp lực gia tăng với chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., khi xuất hiện nhiều lời kêu gọi ông cấm toàn bộ hoạt động cờ bạc trực tuyến.

Theo thượng nghị sĩ Koko Pimentel, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. có thể ký một lệnh hành pháp, khai tử toàn bộ hệ thống này. Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri, đồng minh thân cận của ông Marcos, và Bộ trưởng Diokno cũng ủng hộ lệnh cấm này bởi "hậu quả xã hội" lớn hơn "lợi nhuận ít ỏi" mà POGO mang lại.

Quốc hội Philippines dưới thời chính quyền ông Duterte năm ngoái đã ban hành luật đánh thuế POGO, ước tính đem về 32,1 tỷ peso (553 triệu USD) tiền thuế trong năm 2022, theo tính toán của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Benjamin Diokno phát biểu tại Thượng viện tuần trước, cho biết chính phủ chỉ thu được 3 tỷ peso (51.000 USD) tiền thuế từ POGO trong năm nay, thấp hơn mức 3,9 tỷ hồi năm 2021, hay mức 7,2 tỷ năm 2020.

Người chơi đặt cược trên bàn roulette tại sòng bạc Solaire ở Thành phố Pasay, Vùng Thủ đô Manila, ngày 27/3/2015. Ảnh: Reuters.

Người chơi đặt cược trên bàn roulette tại sòng bạc Solaire ở Thành phố Pasay, Vùng Thủ đô Manila, ngày 27/3/2015. Ảnh: Reuters.

Nhưng các thành viên nội các khác chia rẽ về vấn đề này. Ngày 20/9, Bộ trưởng Tư pháp Jesus Crispin Remulla cảnh báo trước Thượng viện rằng lệnh cấm hoàn toàn ngay lập tức có thể gây ra một "cuộc khủng hoảng nhân đạo" đối với nhân sự Trung Quốc tại các sòng bạc.

Ông ước tính khoảng 40.000 công dân Trung Quốc hiện quá hạn cư trú tại quốc đảo này, sau khi 216 cơ sở POGO bị đóng cửa do trốn thuế. Manila phải đối mặt với các yêu cầu cụ thể và thủ tục kiểm tra, trục xuất họ theo quy định của Bắc Kinh.

"Trung Quốc cấm hoặc phạt nặng các công dân dính líu tới POGO về nước", Bộ trưởng Remulla giải thích, nói thêm rằng những người này có thể bị hủy hộ chiếu khi trở về.

Tuy nhiên, Marlon Ramos, phóng viên của nhật báo Philippines Inquirer hôm 21/9 chỉ ra một số lý do có thể khiến Bộ trưởng Tư pháp Remulla do dự trước quyết định ủng hộ cấm POGO.

Ông Ramos lưu ý rằng gia tộc Remulla đã bán bất động sản rộng 36 ha của mình ở tỉnh Cavite cho các nhà đầu tư Trung Quốc hồi năm 2018 để xây dựng một khu phức hợp sòng bạc quy mô 50.000 nhân sự. Gia tộc Remulla có ảnh hưởng rất lớn ở đây, khi em trai của Bộ trưởng Remulla là Jonvic Remulla đang giữ chức thống đốc.

Tháng 7/2021, ông Remulla từng ra lệnh cho Cơ quan điều tra Quốc gia (NBI) thuộc Bộ Tư pháp "ngăn nhân viên điều tra POGO", với lý do cơ quan đang mang tiếng xấu. Bộ trưởng cho rằng một số nhà điều tra NBI đang dàn dựng các vụ bắt giữ để tống tiền dân thường vô tội.

Thượng nghị sĩ Imee Marcos, chị gái Tổng thống Marcos, ngày 18/9 cho biết lãnh đạo quốc đảo đang cân nhắc về khả năng khai tử POGO, song chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

"Những cơ sở này đã trở thành cánh cổng dẫn đến nhiều tội ác, thành thiên đường cho nạn nhập cư trái phép, ma túy, mại dâm, buôn người", nghị sĩ Garin nhấn mạnh. "Chúng ta không nên bỏ qua những tác động tiêu cực và có hại đã phát sinh khi POGO hoạt động ở nước ta".

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét