Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Điều ít biết trong vụ chìm tàu kinh hoàng hơn Titanic

Tàu Joola của chính phủ Senegal đã chìm ngày 26/9/2002, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.800 người. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc này cho đến nay.

Hơn 1.900 người đang ở trên một chiếc phà Joola khi nó khởi hành cách đây 20 năm, trong chuyến hành trình kéo dài 17 giờ từ một thành phố ở miền Nam Senegal hướng tới thủ đô Dakar, theo New York Times. Tuy nhiên, con tàu này chỉ được thiết kế để chở tối đa 580 người.

Khi màn đêm buông xuống, các cuộc vui trên tàu đột ngột dừng lại. Mưa bắt đầu đổ trên boong Joola, hàng trăm hành khách đổ xô vào bên trong. Chiếc phà nghiêng sang trái và sau đó lật úp - với hầu hết hành khách bị mắc kẹt.

Con tàu Joola bị lật vào giữa đêm, sau khi gặp phải mưa nhiệt đới và gió mạnh. Chỉ 64 hành khách sống sót sau đêm địa ngục, theo AFP.

Thảm kịch tồi tệ hơn Titanic
Con số thương vong của nó còn nhiều hơn vụ chìm tàu Titanic, khiến đây trở thành vụ đắm tàu chết chóc thứ hai từng được ghi nhận trong thời bình.

Tuy nhiên, sau hai thập kỷ, không ai phải chịu trách nhiệm. Rất ít người biết đến vụ chìm tàu Joola bên ngoài Senegal. Và ngay cả ở trong nước, nhiều người đổ lỗi cho thời tiết xấu hoặc yếu tố không thể kiểm soát.

“Một số người cho rằng đó là ý muốn của Chúa. Làm sao có thể là ý muốn của Chúa khi có quá nhiều lỗi do con người gây ra?”, Ousseynou Djiba, từng ở trên phà Joola vào thời điểm vụ việc xảy ra, nói.

Những người sống sót và gia đình nạn nhân, cũng như nhiều cuộc điều tra, nói rằng những người chịu trách nhiệm là quân đội Senegal - đơn vị đã vận hành chiếc phà, cũng như quan chức chính phủ - những người đã phớt lờ rất nhiều dấu hiệu cảnh báo.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước đã chậm phản ứng trong vụ việc. Nhiều hành khách vẫn còn sống, nhưng lực lượng cứu hộ thiếu thiết bị để ứng cứu.


Điều ít biết trong vụ chìm tàu kinh hoàng hơn Titanic-1Các tàu đánh cá tham gia nỗ lực cứu hộ bao quanh tàu Joola vào tháng 9/2002. Ảnh: AP.

Những người sống sót và gia đình nạn nhân vẫn đang đấu tranh để con thuyền được trục vớt. Hầu hết nạn nhân vẫn nằm dưới đáy đại dương.

Idrissa Diallo, người đã mất ba đứa con trai nhỏ trong thảm họa, vào năm 2012 khẳng định ông sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tìm được công lý.

“Tôi rất phẫn nộ trước cách xử lý hậu quả của vụ đắm tàu”, ông Diallo nói.

Ông bình tĩnh nhớ lại những sự kiện sáng 26/9/2002. “Tôi đang ở Mỹ thăm gia đình thì nhận được điện thoại vào sáng sớm rằng phà Joola đã bị chìm và không có đứa trẻ nào sống sót”, ông nói, theo BBC.

Khi khởi hành từ thành phố Ziguinchor (vùng Casamance), tàu Joola đã nghiêng. Để thoát khỏi những căn phòng nóng nực, đông đúc, nhiều người ở lại tầng trên của con tàu, bao gồm hàng chục sinh viên.

Họ trở lại Dakar cho học kỳ mùa thu vì vùng Casamance không có trường đại học riêng.

Một trong số họ là Ousmane Keita, một sinh viên địa lý năm thứ nhất vào thời điểm đó. “Chuyến hành trình là thời điểm tuyệt vời để nói về kỳ thi của tháng 10 và gặp gỡ bạn bè thời trung học”, ông Keita, hiện 45 tuổi, kể lại buổi tối hôm đó.

Tuy nhiên, mây và gió mạnh đang đến gần Joola. Các báo cáo sau đó đã phát hiện chỉ một trong 2 động cơ của nó còn hoạt động. Nhiều hành khách, như ông Keita, vội vã vào bên trong khi cơn mưa bắt đầu sau 22h.

Cái bẫy chết người
Khi Joola nghiêng hẳn sang trái, nước tràn vào con tàu. Hàng hóa và các phương tiện trong garage đã trượt từ mạn phải mạn trái. Cả con tàu cũng chìm vào bóng tối do một máy phát điện lớn bị ảnh hưởng bởi vụ việc.

Mọi người tranh nhau bám lấy bất cứ thứ gì có thể. Tuy nhiên, một số người đã rơi xuống khi con tàu bị nghiêng.

Ông Keita cố gắng trốn thoát qua một hành lang dẫn ra bên ngoài, nhưng lối đi đã trở nên quá dốc. Con tàu Joola ngập đầy nước.

“Khi con thuyền gần như thẳng đứng, tôi bơi lên trên. Mọi người đang la hét, và đột nhiên họ im lặng. Nước đã nhấn chìm họ”, ông nói.

Trong số 450 học sinh trên tàu Joola ngày hôm đó, ông là một trong 6 người sống sót.


Điều ít biết trong vụ chìm tàu kinh hoàng hơn Titanic-2Nghĩa trang Kantene ở Ziguinchor ( Senegal) có 42 ngôi mộ của các nạn nhân vụ chìm tàu. Ảnh: New York Times.

Phà bị lật trong vòng vài phút ngoài khơi bờ biển Gambia. Trọng lượng 1.400 tấn và 4 boong của nó đã trở thành một cái bẫy chết người.

Ông Djiba đã nhảy ra khỏi một cửa sổ và lao xuống đại dương. Ông đã cố gắng bám vào thân chiếc phà bị lật, song nó được bao phủ bởi tảo và quá trơn.

Những con sóng cao liên tục hất tung ông, lần lượt nuốt chửng những hành khách khác, khiến tiếng la hét của họ tan dần trong bóng tối.

Ismaila Ndaw, người đã giám sát an ninh trên tàu Joola cho đến vài ngày trước khi nó bị lật, nhớ lại rằng những chiếc phao cứu sinh từng được buộc chặt vào nhau để hành khách không thể lấy đi.

Khi ông Djiba trôi khỏi xác tàu, ông phát hiện một hình màu trắng đang nhấp nhô về phía mình. Đó là một trong số ít áo phao được các thành viên quân đội giữ trong cabin của họ. Một hành khách đã chết đang nằm trong đó.

Ông Djiba đã cố gắng níu giữ cái xác để chôn cất, song nó trôi đi quá nhanh. Ông đã bám chặt lấy chiếc áo phao đó.

Theo một nguồn tin, khoảng 20 hành khách đã leo lên được thân tàu và ở đó hàng giờ đồng hồ. Tuy nhiên, không có chuông báo động nào vang lên, và không có cuộc gọi khẩn cấp nào được gửi đến Dakar hay Ziguinchor, theo các cuộc điều tra.

Những bộ xương vẫn còn đó
Chỉ khoảng 7h sáng, các nhà chức trách mới biết về thảm họa từ những chiếc thuyền đi ngang qua.

Mặc dù vậy, họ đã mất hàng giờ để phản ứng. Theo báo cáo của các nhà điều tra Senegal, mãi đến giữa trưa, Lực lượng Không quân Senegal mới gửi máy bay tìm kiếm và cứu hộ. Thay vào đó, các tàu đánh cá đã thu thập những thi thể đầu tiên và giải cứu những người sống sót.

Ông Ndaw, từng là thợ lặn của Hải quân Senegal, là một trong những người cứu hộ đầu tiên. Khi ông đến tàu vào buổi chiều, ông nhìn thấy hàng trăm thi thể, một số vẫn đang nắm tay nhau.

Ông tiến về phía mũi tàu và đến các cabin hạng nhất, một số hành khách vẫy tay qua cửa sổ mạn trái. Tuy nhiên, ông Ndaw nói rằng họ không có mỏ hàn để đâm thủng thân tàu, và việc mở cửa cabin có thể sẽ khiến chiếc thuyền bị chìm.

Không ai trong số những hành khách mà ông Ndaw nhìn thấy còn sống được cứu thoát, ông nói.

Công tố viên Senegal đã đóng một cuộc điều tra về thảm họa một năm sau đó, quyết định rằng chỉ có thuyền trưởng - người đã chết - phải chịu trách nhiệm.

Thay vào đó, các nhà chức trách đề nghị bồi thường khoảng 15.000 USD cho mỗi người sống sót hoặc gia đình nạn nhân, với điều kiện không được kiện chính phủ.


Điều ít biết trong vụ chìm tàu kinh hoàng hơn Titanic-3Ousmane Keita, 45 tuổi, đã phải chịu những sang chấn tâm lý sau thảm họa Joola. Ảnh: New York Times.

Hai mươi năm sau, thành phố Ziguinchor, nơi mất gần 1.000 cư dân trên phà Joola, đã phát triển hơn. Một trường đại học được mở vào năm 2007 để cung cấp cho sinh viên địa phương một lựa chọn thay thế cho trường đại học ở Dakar. Một chiếc phà mới đã xuất hiện để thay thế Joola.

Ông Keita đã cố gắng tiếp tục học địa lý sau thảm họa, nhưng đã phải chịu những sang chấn tâm lý dai dẳng.

Một bảo tàng được xây dựng ở Ziguinchor để tưởng nhớ thảm kịch này vẫn chưa hoàn thành. Các thợ lặn gần đây đã thu thập các đồ vật từ xác tàu để triển lãm. Ông Ndaw cho biết trong các cabin và trong thuyền, những bộ xương vẫn còn đó.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/O2yYDNf

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét